trongdong
text logo

Nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi - Nhà thờ Huyện Sỹ: Một trong sáu nhà thờ cổ nhất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn

Tác giả bài viết: Trần Thế Vĩnh

Thứ bảy - 23/11/2024 08:22
Nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi, tọa lạc tại số 1 đường Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi còn có tên gọi khác là nhà thờ Huyện Sỹ. Mang tước hiệu Thánh Philipphe Tông đồ, đây cũng là tên gọi chính thức của ngôi thánh đường có tuổi đời lên đến 120 năm này.
Được xây dựng từ thế kỷ XIX, là một trong sáu nhà thờ Công giáo cổ nhất của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, cùng với nhà thờ Tân Định (hoàn thành năm 1876), nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (1880), nhà thờ Chợ Quán (1882), nhà thờ Cha Tam (1902), và nhà thờ Chí Hòa (1903) mà chúng tôi đã có bài viết đăng trong chuyên mục Địa điểm Văn hóa, Tạp chí Truyền thống và Phát triển, Số 6, Tháng 7/2024.

Là một trong những công trình tôn giáo mang đậm dấu ấn của văn hóa và tinh thần cộng đồng. Đến nay, đây vẫn là điểm du lịch lịch sử hấp dẫn đối với người dân và đông đảo du khách khi đến thành phố Hồ Chí Minh.
Anh1
Mặt tiền nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi
 
Anh2


Từ ngôi nhà thờ bằng lá đơn sơ trong khu vực Chợ Đũi 

Theo báo Nam Kỳ Địa Phận (năm 1918) và sách Sài Gòn Năm Xưa của học giả Vương Hồng Sển, khoảng năm 1859, do thời cuộc, một số giáo dân (hơn 1.000 người) đã đến phía Tây Nam thành Sài Gòn, quanh khu vực Chợ Đũi, để sinh sống. Thấy số giáo dân khá đông, Đức Giám mục Dominique Lefèbvre (Đức Cha Ngãi) đã cho dựng một ngôi nhà thờ bằng lá, và giao cho Cha Oscar de Noiberne (Cha Thiện) là Cha Sở họ đạo Chánh Toà kiêm nhiệm họ đạo Chợ Đũi.

Trong quá trình tìm tài liệu phục vụ cho bài viết này, có một chi tiết gây sự chú ý lớn cho chúng tôi, đó là: cây Thánh Giá trên bàn thờ trong nhà thờ hiện nay có khắc rõ con số 1862, rất gần với thời điểm thành lập họ đạo. Theo Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Linh mục Chánh xứ Chợ Đũi (từ năm 1012 đến nay), đây có thể là Thánh Giá của ngôi nhà thờ đầu tiên.

Tài liệu lưu trong Văn khố Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn, phần lịch sử họ đạo Cầu Kho, ghi lại: “Cha Phêrô Nguyễn Đức Nhi là Cha Sở Cầu Kho nhưng đồng thời lãnh lo luôn họ Chợ Đũi, khi ấy, nguyện đường Chợ Đũi ở chỗ nhà mồ Đội Bằng, nơi gọi là Mả Lái Gẫm[1]”.  Như vậy, từ những tư liệu trên, có thể khẳng định ngôi nhà thờ đầu tiên, làm bằng lá, của Họ Đạo Chợ Đũi có tuổi đời trên 160 năm.
 
Sài Gòn xưa có một khu vực mang tên Chợ Đũi. Tương truyền, tên Chợ Đũi bắt nguồn từ việc trong khu vực này từng có một ngôi chợ chuyên bán loại vải đũi, là loại vải thô được làm từ kén của tơ tằm. Trong quá trình dệt tơ lấy lụa, những sợi tơ to thô sẽ được dùng làm vải đũi, phần còn lại sẽ dùng để dệt lụa.
Trong bản đồ vẽ năm 1883, có thể thấy khu vực chợ Đũi nằm gần góc đường Chasseloup Laubat – Thuận Kiều, sau 1975 đổi tên đường thành Hồng Thập Tự – Lê Văn Duyệt, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng Tám.
Anh4
Bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1883. Khu vực Chợ Đũi được chúng tôi khoanh tròn màu đỏ. Hình: tư liệu

Tuy nhiên, trong khu vực Chợ Đũi liệu có thực sự tồn tại một ngôi chợ mang tên Chợ Đũi hay không? Đây là một câu hỏi mà nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Sài Gòn vẫn chưa có kết luận. Chúng tôi sẽ tiếp cận vấn đề này ở một bài viết khác trong thời gian tới.

- Giai đoạn từ 1882 đến 1887, Cha Sở Lucien E. Mossard (Cha Mão) đã cho xây ngôi nhà thờ thứ hai bằng ngói thay cho nhà thờ lá ban đầu (không rõ năm xây dựng và địa điểm, có tài liệu ghi là 1885 (?). Sổ Rửa tội xưa nhất mà văn khố họ đạo còn lưu giữ là từ năm 1882, với chữ ký của Cha Sở Lucien E. Mossard.)

Đến Nhà thờ mang tên Huyện Sỹ – Ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu
Theo lược sử giáo xứ Chợ Đũi, khoảng năm 1900, nhà thờ ngói bị hư hỏng nặng, Đức Cha Lucien E. Mossard (Đức Cha Mão), vốn là Cha Sở họ đạo Chợ Đũi từ 1882 đến 1887, quyết định cho xây lại ngôi nhà thờ mới khang trang hơn. Nhà thờ mới do Cha Charles Boutier (Cha Thiết) thiết kế (Linh mục Boutier là một kiến trúc sư có tài. Nhà thờ Thủ Đức cũng do Cha thiết kế). Khởi công xây dựng năm 1902, đến 1905 thì hoàn thành. Đây là nhà thờ thứ ba của họ đạo Chợ Đũi, và tồn tại đến ngày nay.
 
Anh5
Nhà thờ Huyện Sỹ nhìn (Tháp chuông cao ở góc trái hình) nhìn từ chợ Sài Gòn
Hình: tư liệu của Giáo xứ

Nhà thờ được thiết kế và xây theo kiến trúc tân Gothic. Các phần đế cột, các cột chính và mặt tiền sử dụng vật liệu là đá granite Biên Hòa. Loại đá granite này rất cứng. Có lẽ vì thế nên ở những bộ phận này không có các chi tiết trang trí nhiều chạm khắc như vẫn thường thấy ở các nhà thờ khác được xây dựng cùng thời (?).

Chánh điện nhà thờ có vòm chịu lực dạng cung nhọn. Tường bên hông có nhiều cửa sổ dạng vòm, đỉnh nhọn, được trang trí bằng lớp kính màu nghệ thuật nhập từ Ý. Bên trong các gian, dọc bờ tường hai bên, có nhiều tượng Thánh. Trên vòm cửa chính có tượng Thánh Philipphê - Bổn mạng nhà thờ - làm bằng đá cẩm thạch, đứng cầm cây Thánh Giá Phục sinh.
 
Anh6
Hệ thống cột bằng đá granite Biên Hòa
 
Anh7
Gian chính nhà thờ có vòm chịu lực dạng cung nhọn
Hình: tư liệu của Giáo xứ

Theo thiết kế của Cha Charles Boutier, nhà thờ dài 5 gian, tức khoảng 50m, rộng 20m. Tháp chuông cao 57m kể cả chiều cao Thánh Giá và con gà trống Gaulois. Bên trong tháp có 4 quả chuông được đặt đúc tại Pháp năm 1905. Hai quả chuông lớn có đường kính 1,05m do con trai và con dâu Huyện Sỹ là ông Gioan Baotixita Lê Phát Thanh và bà Anna Đỗ Thị Thao tặng. Hai quả chuông nhỏ đường kính 0,95 m không ghi tên người tặng, (có lẽ là của ông bà Huyện Sỹ đặt đúc cùng năm).
 
Anh8
4 quả chuông (2 lớn, 2 nhỏ) trong tháp nhà thờ
 
Anh9
Cầu thang xoắn lên tháp chuông
 
Anh11
Thánh Giá và con gà trống Gaulois trên đỉnh tháp chuông

Nhà thờ do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, hiến đất và tiền để xây dựng. Theo những ghi chép còn lưu giữ được, thời giá lúc bấy giờ là khoảng trên 30 muôn (ngàn) bạc. Tuy nhiên, khi chuẩn bị xây dựng, nghe thông tin nhà thờ Thạnh Hòa (Chí Hòa) xuống cấp mà họ nhánh Thạnh Hòa này nghèo quá, không làm gì được, ông Lê Phát Đạt quyết định giảm quy mô thiết kế ban đầu của nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi từ 5 gian, cắt bớt 1 gian, còn 4 gian và dùng số tiền dư ra để xây nhà thờ Chí Hòa. Các tài liệu đều ghi nhận thống nhất điều này.

Nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi tọa lạc trên một khu đất cao và rộng hơn một mẫu, nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (1955 đổi tên đường thành Bùi Chu - tên của một Giáo phận ngoài Bắc liên quan mật thiết đến lịch sử hình thành Công giáo tại Việt Nam, sau năm 1975 đường mang tên Tôn Thất Tùng đến nay).

Theo di chúc, phần tiền xây dựng nhà thờ trích từ 1/7 gia tài của ông Huyện Sỹ, nên khi ông mất (năm 1900), việc thi công xây dựng nhà thờ vẫn được tiến hành một cách suôn sẻ.
 
Anh12
Nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi (có lẽ trước năm 1960, lúc chưa xây hang đá Lộ Đức)
Hình: tư liệu của Giáo xứ

Ông Huyện Sỹ có tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ (1841-1900), cũng có tên gọi khác là Lê Phát Đạt. Ông được sinh ra trong một gia đình theo đạo Công giáo tại khu vực Hạt Thanh tra, Tân Hòa ở Gò Công, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Khi rửa tội lấy tên Thánh là Philípphê.

Vì gia cảnh khó khăn nên Lê Nhứt Sỹ phải bươn chải sớm, cậu làm nghề lái đò chở lương thực thuê cho dân làng. Về sau, có một vị Linh mục tên là Moulin biết gia cảnh của Lê Nhứt Sỹ và nhận thấy Sỹ là cậu bé thông minh nên đã nhận cậu làm con đỡ đầu để nuôi cho ăn học. Gia đình đồng ý cho Sỹ theo vị Linh mục này để nhập học trường Dòng. Lê Nhứt Sỹ học hết đệ nhất (bậc tiểu học) ở Gò Công rồi được Linh mục Moulin gửi sang học ở trường Dòng Penang, Mã Lai (Malaysia). Trường Dòng Penang lúc bấy giờ là nơi đào tạo Tu sĩ Công giáo cho xứ Đông Dương và các nước vùng Đông Nam Á. Vì thế, sau này, ông rất thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và chữ Quốc ngữ (khi ấy còn rất sơ khai).

Ở trường Dòng, do trùng tên với một người thầy dạy nên Lê Nhứt Sỹ đổi tên thành Lê Phát Đạt. Sau khi về nước, với vốn ngoại ngữ thông thạo, ông được chính quyền Nam Kỳ bổ nhiệm làm thông phán (thông dịch viên), rồi làm ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880), phong hàm cấp huyện.

Tương truyền, buổi đầu Tây mới qua, dân cư thưa thớt, tản mác, thực dân Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận với giá rẻ mạt mà vẫn không có người mua, thế rồi họ ép ông Sĩ mua. Bất đắc dĩ, ông phải chạy bạc khắp nơi để mua. Không ngờ mấy năm liên tiếp được mùa, ông trở nên giàu có.

Đa phần người Sài Gòn xưa đều biết ông Huyện Sỹ là ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại, vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Ông là người giàu nhất Sài Gòn xưa. Ngày nay ở Sài Gòn vẫn còn lưu truyền câu "Nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Theo đó, ông đứng đầu trong bốn người giàu nhất Sài Gòn và Nam kỳ thời ấy. Thứ nhì là Đỗ Hữu Phương, làm tổng đốc, gọi là Tổng đốc Phương. Thứ ba là Lý Tường Quan, người Minh Xương, tục danh là Hộ Xường. Thứ tư là ông Hộ trưởng tên là Định, gọi là Hộ Định.

Vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài. Các con gồm có: Lê Thị Bình (mẹ của Nam Phương Hoàng hậu), Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân đều kế nghiệp trở thành những đại điền chủ, có rất nhiều đất đai ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười.

Ông Lê Phát Đạt qua đời năm 1900. Còn vợ ông qua đời năm 1920. Sau đó, phần mộ hai ông bà được an táng ở gian chái sau Cung Thánh của nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi.

Tại gian chái sau Cung Thánh, bên trái là tượng bán thân ông Huyện Sỹ bằng thạch cao gắn đầu cột. Cạnh đó là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn. Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối, đầu chít khăn đóng, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau để trước ngực, chân đi giày, nằm quay mặt về Cung Thánh nhà thờ. Phía đối diện, bên phải, là tượng bán thân và mộ của vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920) với tóc búi, cũng gối đầu trên hai chiếc gối, hai tay đan vào nhau để trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài, cũng nằm quay đầu về phía Cung Thánh.
 
Anh10
Phần mộ làm bằng đá cẩm thạch của ông bà Lê Phát Đạt ở gian chái sau Cung Thánh nhà thờ Huyện Sỹ. Bên trái là mộ ông Philipphe Lê Phát Đạt, bên phải là mộ bà Agnes Huỳnh Thị Tài
 
Anh11
Mộ ông Philipphe Lê Phát Đạt. Tượng bán thân bên trái mộ là ông Lê Phát Đạt, bên phải mộ con trai Lê Phát Thanh
 
Anh12
Mộ bà Anges Huỳnh Thị Tài. Tượng bán thân bên phải mộ là bà Huỳnh Thị Tài, bên trái mộ là con dâu Đỗ Thị Thao

Ở phía trong còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà là Gioan Baotixita Lê Phát Thanh (bên trái) và Anna Đỗ Thị Thao (bên phải).
 
Anh13
             Tượng bán thân con trai ông Huyện Sỹ – G.B Lê Phát Thanh
 
Anh14
Tượng bán thân con dâu ông Huyện Sỹ – Anna Đỗ Thị Thao

Ngoài nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi, gia đình ông bà Huyện Sỹ còn dâng cúng đất và chi phí xây dựng nhiều nhà thờ cổ khác nữa ở đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn như nhà thờ Chợ Quán, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Chí Hòa, nhà thờ Hạnh Thông Tây,...

Đến năm 2007, do nhu cầu sử dụng, Cha xứ Tô-ma Đặng Toàn Trí đã cho mở rộng và nối dài Phòng Thánh của nhà thờ. Hiện nay, nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi rộng 20m, dài 50m. 

Để ghi nhớ công ơn to lớn của ông bà Philípphê Lê Phát Đạt, họ đạo Chợ Đũi đã chọn Thánh Philípphê Tông Đồ, Bổn mạng của Ông Lê Phát Đạt, làm tước hiệu cho nhà thờ. Trong một số văn bản có dùng cụm từ “Họ Chợ Đũi – Sài Gòn – Thánh Đường Philípphê”. Từ sau năm 1970, xuất hiện con dấu “Họ Chợ Đũi – Sài Gòn – Thánh Đường Philípphê” trong các văn bản của họ đạo lưu ở Văn khố Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn. Cũng để ghi nhớ công ơn to lớn của ông bà Huyện Sỹ, giáo dân quen gọi nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi là nhà thờ Huyện Sỹ. Về sau Huyện Sỹ dần trở thành tên gọi thông dụng của nhà thờ này. 

Nhà thờ Huyện Sỹ có khuôn viên rộng rãi và được đánh giá là nhà thờ có khuôn viên thoáng đãng nhất nhì Sài Gòn. Phía trước, bên trái nhà thờ, có tượng đài thánh tử đạo Mat-thêu Lê Văn Gẫm, bên phải là tượng đài thánh Giuse.
Anh3
Tượng Thánh Mat-thêu Gẫm bên ngoài nhà thờ Giáo xứ Chợ Đũi

Góc trái, phía trước khuôn viên nhà thờ (góc Nguyễn Trãi – Tôn Thất Tùng) là núi Đức Mẹ Lộ Đức, được xây dựng năm 1960. Hằng năm, cứ vào ngày 11/02 dương lịch, các cha sở họ Chợ Đũi đều dâng Thánh lễ tại khu vực núi này để cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân.
 
Anh15
 
Núi Đức Mẹ Lộ Đức

Được xây dựng từ thế kỷ XIX, là một trong những công trình tôn giáo mang đậm dấu ấn của văn hóa và tinh thần cộng đồng. Tinh thần ấy vẫn được tiếp nối và liên diễn đến hôm nay. Giáo xứ Chợ Đũi, nhà thờ Huyện Sỹ hợp cùng Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn mở Trường tình thương Vinh Sơn – Huyện Sỹ và duy trì hơn 30 năm qua, tại số 2B Lương Hữu Khánh, quận 1.

Trường tình thương Vinh Sơn – Huyện Sỹ giáo dục phổ cập bậc tiểu học miễn phí cho trẻ em nghèo. Học sinh của trường không chỉ các em nghèo ở thành phố, mà còn có nhiều em ở tỉnh cùng gia đình lặn lội lên thành phố kiếm sống cũng xin vào đây học. Trong mái trường ấm áp tình thương này, các em được quan tâm, được yêu thương, được thầy cô dạy dỗ cả về kiến thức và đạo đức.

30 năm qua, trường tình thương Vinh Sơn – Huyện Sỹ luôn là một điểm tựa và cũng là niềm hy vọng cho những gia đình nghèo tha thiết với việc học của con em mình; là nơi luôn yêu thương đón nhận, chia sẻ với những khó khăn của hàng trăm trẻ em nghèo, đồng thời cũng là môi trường chắp cánh cho những ước mơ chính đáng có cơ hội vươn xa.
 
Anh16
         
Anh17
   Trường tình thương Vinh Sơn – Huyện Sỹ
Hình: tư liệu của Giáo xứ
 
Anh16
Giáo dân dự Lễ Chúa nhật tại Nhà thờ Huyện Sĩ
Thánh Mat-thêu Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 (đời Vua Gia Long), họ Tắc, tại làng Long Đại, huyện Dĩ An, tỉnh Biên Hòa. Cha là ông Phao-lô Lê Văn Lài, mẹ là Maria Nguyễn Thị Nhiệm, ông bà sinh hạ được 6 người con, Mat-thêu Gẫm là con đầu lòng.

Mat-thêu Gẫm thông thuộc sông nước, ông có thuyền riêng, lại sẵn sàng phụ giúp Nhà Chung và các linh mục. Cha Lợi ở Bà Rịa thường nhờ ông đi Singapore và Pê-năng (Malaysia), đưa đón các linh mục thừa sai và các chủng sinh du học. Ông đã đi được mấy chuyến êm xuôi nhưng chuyến cuối cùng bị bắt ở cửa Cần Giờ, quân lính áp tải thuyền ông Gẫm về cảng Bến Nghé. Sau nhiều lần tra khảo, dù bị đánh đòn đau đớn, ông vẫn cương quyết không bước qua Thánh Giá, thà chết không bỏ đạo.

Ngày 11-5-1847, Mat-thêu Gẫm được đưa ra pháp trường Da Còm (tên gọi 1 cây đa già bị tróc gốc), họ Chợ Đũi, thuộc Giáo xứ Chợ Quán, đầu anh hùng tử đạo đã lìa cổ, máu đào tuôn đổ làm hạt giống đức tin trổ sinh nhiều tín hữu khác. Thánh nhân được an táng gần pháp trường. Hiện nay ngôi mộ của Thánh nhân ở số 47 Nguyễn Trãi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã phong Ngài lên bậc Chân Phước vào ngày 27-5-1900. Và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn Ngài lên bậc Hiển Thánh vào 19-6-1988.

(Tác giả dẫn lại từ bài viết “Tiểu sử Thánh Matthêu Gẫm và lịch sử hình thành Giáo xứ Thánh Gẫm” của Linh mục Gioankim Nguyễn Văn San đăng trên trang tgpsaigon.net ngày 16/05/2012)
Bài và Ảnh: Trần Thế Vĩnh

[1] Mộ của Thánh tử đạo Mat-thêu Lê Văn Gẫm (1813 – 1847)

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây