trongdong
text logo

Ngày xuân với Hội “Minh thề” chống tham nhũng nổi tiếng của Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn thời Mạc

Tác giả bài viết: GS.TS. Lê Thị Quý

Thứ năm - 13/02/2025 21:40
Vũ Thị Ngọc Toàn là một người phụ nữ kỳ lạ. Bà là Hoàng hậu của Thái tổ Mạc Đăng Dung, sau lại là Thái hoàng thái hậu mẹ của vua Mạc Thái Tông, bà của vua Mạc Phúc Hải. Bà là người phụ nữ có vị trí cao nhất trong vương triều nhà Mạc suốt 30 năm.
Anh1
Ban thờ Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn
 
Ở trên ngôi quyền quý như vậy nhưng ít ai hiểu rằng bà lại là một trong những kiến trúc sư dù ẩn mình nhưng lại là rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới và canh tân đất nước nổi tiếng của chồng là Thái tổ Mạc Đăng Dung. Ông bà đều xuất thân từ những người lao động, làm nghề đánh cá nên đều am hiểu cuộc sống cần lao khổn khổ của dân chúng, quyết tâm làm thay đổi đất nước mang lại cuộc sống tốt lành hơn cho mọi người.
 
Khi đã là Hoàng hậu, bà không chỉ an hưởng một mình mà bà nghĩ nhiều về xã hội, về những người dân “thấp cổ, bé họng”. Từ thân phận làm vợ của một người đánh cá bình thường, không được qua trường lớp đào tạo nào nhưng bà đã tỏ ra là người cai quản nội cung và ngoại trị rất giỏi, có tầm vóc trước các vấn đề xã hội. Bà được nhân dân ca ngợi là một bậc “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thánh thiện”, “Phật sống” và đúc tượng ngay khi bà còn sống. Tên bà được ghi khắc tôn kính trong nhiều tấm bia Nhà Mạc ở trong nhiều ngôi chùa cổ.
 
Ngay từ khi còn trẻ, bà đã hướng theo đạo Phật, chuyên tâm làm điều công đức, thiện nguyện với mục đích là để khơi dậy lòng tứ bi, thương yêu lẫn nhau của con người, cứu giúp người dân ra khỏi bể khổ, làm đúng mục đích Phật dậy. Bà còn khuyên bảo các hoàng hậu, vương phi, các vị phu nhân của các bậc công hầu và các công chúa, quận chúa cùng làm công đức.
 
Trong những năm đầu của vương triều Mạc, khó khăn chồng chất, cuộc sống dân chúng đầy lầm than, đói khổ. Bà đồng tình với vua Mạc giảm bớt thuế má, cải cách điền địa, chia lại ruộng cho dân chúng, khai thông đường xá, cầu cống, mở thêm chợ, đẩy mạnh giao thương. Bà trực tiếp bỏ tiền mua ruộng để phân phát cho người nghèo khó, lập chùa, làm từ thiện…      
 
Nhận thấy hậu quả của nạn tham nhũng từ triều trước vẫn còn tồn tại nặng nề, bà đề nghị với chồng quyết tâm làm trong sạch xã hội. Từ năm 1561, nhân khi lòng dân đang phấn khởi hướng về một cuộc sống mới, bà đã đề xuất một phương thức tốt để chống lại những kẻ tham nhũng, nhiễu sách dân chúng. Đó là buộc các quan chức trong triều phải tuân theo những nguyên tắc của việc chống tham nhũng. Bà tự mình nghiên cứu, lấy ý kiến, đóng góp vào việc ban bố ra bản “Hịch văn Minh thề” (lời văn cho một buổi uống máu ăn thề thề trang trong).
Anh2
Hội đồng bô lão tại Miếu thờ Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn
 
Nội dung “Hịch văn Minh thề” ngắn gọn nhưng rất rõ ràng, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng lần đâu tiên được biên soạn trong lịch sử nước ta. Hịch văn Minh thề cũng quy định lấy “chí công” làm trọng, không xâm phạm của công, kết hợp tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách con người. Hơn 500 năm qua, Hội Minh thề đã lần đầu tiên được tổ chức trên thực tế
 
Minh Thề là một Hội thề độc đáo, một phong tục tốt đẹp, với nghi lễ thiêng liêng của người dân thể hiện quyết tâm bài trừ tệ nạn tham nhũng, cho đến nay chỉ có ở làng Hòa Liễu. Những người tham gia gồm chánh tổng, lý trưởng, các chức sắc và người dân trong làng được cấp ruộng. Tất cả đều phải thề nguyện tuân thủ lời thề mà hằng năm, đều được đọc trang nghiêm trước cột đá thề trước sân đền.
 
Văn trong Minh thề có những đoạn như sau: “Dù là người có chức có quyền trong làng, người dạy học hay nông dân đều phải lấy lời hay lẽ phải mà dạy bảo con cháu làm điều tốt đẹp, tuân theo thuần phong mỹ tục của làng. Nếu dùng uy quyền làm những việc ác, lấy của công đem về làm của tư, nguyện cầu thần linh đả tử…”  “Từ cụ già đến tuổi 18 ở dân thôn, trong làng vườn tược, buồng cau trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham lam vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp của nhau, nguyện cầu thần linh đả tử. Y như lời thề...”; “Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin trời tru đất diệt” ...
 
Anh3
Đại diện Hội đồng bô lão đọc lời thề  khấn thiêng liêng trước bàn thờ
 
Lễ Hội “Minh thề” được tổ chức trong dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, vào ngày 14 tháng giêng tại chính đền thờ của Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Tại đây, dân làng đã lập Đài thề tại miếu thờ Thành hoàng (ngay khuôn viên khu đền chùa Hòa Liễu hiện nay).

Trong không khí vui vẻ đón xuân hàng năm, với hoa cỏ chan hòa màu sắc, những cánh đào bay trong gió xuân, tiếng pháo nổ và hương vị bánh trưng lan tỏa, những nghi lề “Minh thề” đã được tổ chức rất trịnh trọng. Mọi người tham dự đều ăn mặc tề chỉnh, nét mặt trang nghiêm. Không khí Tết bỗng trở nên tĩnh lặng và sâu lắng hơn.

Mở đầu, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn công đức của Thánh vương, làm lễ dâng rượu, nước rồi tập trung trước miếu. Tại đây, chủ lễ cầm dao bầu làm động tác chỉ trời vạch đất, vẽ một vòng tròn lớn đường kính 2 mét để làm đài thề.

Sau khi lắng nghe vị Chủ tể dõng dạc đọc hết những lời nguyện thề, mọi người đều hô “Y như lời thề”. Sau đó vị chủ tế cầm dao cắm mạnh xuống giữa vòng tròn, biểu thị sự quyết tâm, rồi rút dao bầu lên, cắt cổ một con gà trống, cho tiết vào hũ rượu lớn để mọi người cùng uống máu ăn thề, tượng trưng cho sự đoàn kết, nhất trí.

Việc tổ chức lễ hội Minh thề được diễn ra liên tục trong nhiều thế kỷ. Ở thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho lễ hội Minh thề.

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng đề nghị chính quyền thành phố Hải Phòng mở rộng mô hình hội Minh thề ra các địa phương khác nhằm lan tỏa một phong tục tốt đẹp, có ích để xây dựng một xã hội mới. Năm 2017, Lễ hội Minh thể được Nhà nước công nhận là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia.

Dù rằng đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp Quốc gia, nhưng cho đến nay vào mùa xuân hàng năm, lễ Minh Thề vẫn do dân làng Hòa Liễu tự tổ chức để giáo dục con em chống gian dối, tham nhũng.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta đang được toàn thể nhân dân ủng hộ mạnh mẽ, ngọn lửa trong lò chống tham nhũng cũng đang  nóng rực hiên nay, rõ ràng rằng Lề Hội Minh Thề cũng cần được nâng cấp hoạt động mang tầm cở rộng lớn hơn.

Những bài học từ lễ Hội Minh Thề từ dân làng Hòa Liễu thật đáng trân trọng và đang tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chúng ta.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây