trongdong
text logo

Việt Nam - Na Uy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển

Tác giả bài viết: T.Lan

Thứ hai - 05/06/2023 22:05

Với đường bờ biển dài, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng và nhiều mối quan tâm chung. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy sẽ đưa ra những gợi ý giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển mạnh và bền vững hơn.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam) 

Ngày 5/6, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra hội thảo “Na Uy-Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển”.

Mục tiêu của hội thảo là tạo một diễn đàn để các bên liên quan đến từ khu vực nhà nước, tư nhân và các nhà nghiên cứu cùng thảo luận về lộ trình phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững cũng như vai trò của các bên liên quan trong quá trình đó. Tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và các giải pháp công nghệ đối với sự phát triển của ngành cũng như cách thức đào tạo lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng yêu cầu của ngành...

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Solbakken tin tưởng, sự kiện này tạo một động lực mới cho hợp tác song phương Na Uy - Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản và để triển khai Ý định thư giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy ký kết năm 2021 về Tăng cường hợp tác song phương trong ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. 

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Solbakken phát biểu tại Hội thảo. 

Tại hội thảo, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản Bộ NN&PTNT chỉ ra rằng: “Mặc dù có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, và thiếu lao động có trình độ cao,... Với đường bờ biển dài, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng và nhiều mối quan tâm chung. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy sẽ đưa ra những gợi ý giúp chúng tôi giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển mạnh mẽ và bền vững hơn”.

Đồng quan điểm, bà Anne B. Osland, Vụ trưởng Vụ Cấp phép nuôi trồng, Cục Quản lý nuôi trồng và Vùng bờ, Tổng cục Thủy sản Na Uy nhấn mạnh, trong xu thế chuyển dịch sang các hoạt động nuôi trồng bền vững, để tiếp tục phát triển, ngành nuôi trồng thủy sản của Na Uy buộc phải chú trọng tới các quy trình bền vững. Khởi điểm là phải có quy hoạch và chính sách hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành.

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Na Uy, chỉ sau dầu mỏ và khí đốt. Ngành này đã trở thành một ngành công nghiệp với năng suất cao và chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 người trong các cộng đồng cư dân sinh sống ven biển. Đổi mới sáng tạo và phát triển những loại hình công nghệ mới là chìa khóa đảm bảo sự thành công trong tương lai. Việc nghiên cứu và phát triển các quy trình sản xuất mới, bền vững hơn có thể diễn ra trong toàn bộ chuỗi giá trị, trong đó phải kể tới vai trò then chốt của khu vực tư nhân. Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, ngành công nghiệp và giới nghiên cứu là một yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công nói trên của ngành nuôi trồng thủy sản Na Uy. Vì thế, công nghệ và tính bền vững hiện đang trở thành một xu thế chung chiếm lĩnh toàn ngành.

Trong khi đó, Việt Nam đang triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/10/2021 nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển một cách đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển. Giảm khai thác tăng nuôi trồng cũng được Bộ NN&PTNT coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Vì vậy, chuyển đổi sang nuôi xa bờ, phát triển nuôi cá quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Vietnam sẽ là xu hướng tất yếu.

*Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu đã có chuyến đi thực tế tới thăm trang trại nuôi cá của Công ty TNHH Australis Việt Nam ngoài Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu về các phương thức nuôi biển công nghiệp và các trang thiết bị hệ thống tự động giúp giảm phát thải carbon từ hoạt động nuôi trồng thủy sản./.

Nguồn tin:  dangcongsan.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Có thể bạn quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây