trongdong
text logo

Từ phong trào “Ba trách nhiệm” đến việc xây dựng đạo đức công vụ và thực thi văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trẻ trên môi trường số hiện nay

Tác giả bài viết: Viện Nghiên cứu Thanh niên

Thứ bảy - 08/03/2025 21:00
Xây dựng và phát triển văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức là vô cùng quan trọng, góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức hướng đến xây dựng một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ nhân dân. Từ thực trạng và những yêu cầu mới đặt ra trong việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/12/2018 nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Cho đến nay, văn hóa công vụ đang dần được hình thành và ngày càng hoàn thiện hơn đặc biệt trong hình thành chuẩn mực giao tiếp, ứng xử và đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ, công chức, viên chức trẻ là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ tiên phong, sáng tạo, đổi mới khi tham gia vào nền hành chính công trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt phương châm: Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, lấy con người là trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ và thúc đẩy. Bởi vậy, việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trẻ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy thực thi văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trẻ trên môi trường số.

Trong khuôn khổ tọa đàm, chúng tôi chia sẻ góc nhìn từ nghiên cứu về đạo đức công vụ và ý thức trách nhiệm thực thi văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trẻ hiện nay, đồng thời đưa ra một số quan điểm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ tiên phong, xung kích, trách nhiệm, gương mẫu trong cải cách hành chính và phấn đấu vì một Việt Nam hùng cường.

Từ phong trào “Ba trách nhiệm” đến việc xây dựng đạo đức công vụ và ý thức trách nhiệm thực thi văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong quá trình chuyển đổi số

Được phát động triển khai rộng rãi trong khối thanh niên công chức, viên chức từ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, phong trào “Ba trách nhiệm” đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả tới đoàn viên, thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ năng động, sáng tạo, giỏi nghề, trong sạch, yêu nước. Việc cụ thể hóa phong trào “Ba trách nhiệm” với các định hướng nội dung trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với nhân dân và trách nhiệm với chính mình đã mang lại những tác động tích cực trong quá trình nâng cao ý thức trách nhiệm và ý thức tự rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong các cơ quan, đơn vị; đồng thời, phát huy hiệu quả trí tuệ tập thể, tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc đảm nhận những khâu khó, việc mới, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng phát triển.

Mỗi một phong trào do tổ chức Đoàn phát động đều nhận được hiệu ứng tích cực từ đoàn viên, thanh niên khối công chức, viên chức, đặc biệt là việc triển khai phong trào đặc thù riêng trong khối đã thúc đẩy mạnh mẽ ý thức tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong mỗi cơ quan, đơn vị, đồng thời phát huy vai trò xung kích của cán bộ, công chức, viên chức trẻ tham gia việc mới, việc khó của đất nước. Qua phong trào “Ba trách nhiệm”, số sáng kiến, giải pháp sáng tạo trong công tác, phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng nhiều, mang lại những giá trị thiết thực phục vụ cho nhân dân và đất nước. Hiệu ứng từ phong trào đã phát huy khả năng sáng tạo, tìm ra các sáng kiến, cải tiến mang lại giá trị, hiệu quả, nhất là đội ngũ cán bộ công chức trẻ trong công tác tham mưu, phục vụ nhân dân, cải cách hành chính. Ngày càng nhiều số công chức, viên chức trẻ giỏi được Đoàn các cấp tuyên dương trong phong trào “Ba trách nhiệm”.

Cán bộ, công chức, viên chức trẻ tích cực tham gia hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ, hướng dẫn các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, xây dựng công sở văn minh, hiện đại… Nhìn chung, những tác động tích cực từ các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ cả nước, đặc biệt là phong trào “Ba trách nhiệm” trong thanh niên công chức, viên chức trong thời gian qua đã góp phần tích cực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ ra sức thi đua, đóng góp vào việc xây dựng văn hóa công vụ, nâng cao đạo đức công vụ, đồng thời mang lại nhiều sáng kiến có giá trị thiết thực trong quá trình thực thi công vụ.

Có thể nói, đạo đức công vụ cũng là một dạng đạo đức nghề nghiệp, nhưng là dạng đạo đức đặc biệt, bởi vì khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cán bộ, công chức vừa phải đảm bảo những tiêu chí, giá trị đạo đức chung, vừa phải tuân thủ những nguyên tắc trong thi hành công vụ, bảo đảm hài hòa vừa hợp hiến, hợp pháp, hợp lý. Đạo đức công vụ chính là những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, khi thực thi công vụ, cán bộ, công chức phải tuyệt đối chấp hành. Do vậy, chuẩn mực đạo đức công vụ, cũng chính là cơ sở hình thành văn hóa công vụ - mà trong bối cảnh hiện nay, văn hóa công vụ còn được biểu hiện trên môi trường số bởi quá trình thúc đẩy cải cách hành chính công và dịch vụ công điện tử. Bởi vậy, việc hình thành ý thức trách nhiệm trong việc rèn luyện đạo đức công vụ và văn hóa thực thi công vụ cho cán bộ công chức, viên chức trẻ trong môi trường số là vô cùng quan trọng.

Cán bộ công chức, viên chức trẻ là đội ngũ tiên phong, xung kích, sáng tạo trong thực hiện các cải cách hành chính và thực thi công vụ trên môi trường số, họ cũng có mong muốn được quan tâm, hỗ trợ, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao năng lực số để đáp ứng trước bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Mặc dù không thể phủ nhận, công chức, viên chức trẻ là nhóm lực lượng tinh hoa được trải qua đào tạo nghề nghiệp bài bản, tuy nhiên, trước bối cảnh chuyển đổi số, nhìn chung năng lực số của nhóm công chức, viên chức trẻ vẫn còn những điểm hạn chế cần phải bồi dưỡng, rèn luyện nhiều hơn. Trong một cuộc điều tra về năng lực số của thanh niên được Viện Nghiên cứu Thanh niên thực hiện năm 2022, từ mẫu khảo sát công chức, viên chức cho thấy họ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ như: sử dụng các thiết bị (chiếm 46,2%), sử dụng phần mềm, ứng dụng trực tuyến (chiếm 45,6%), bảo vệ thiết bị, thông tin cá nhân (chiếm 42,6%), an toàn, an ninh mạng (chiếm 38,4%)… Đặc biệt, nhu cầu tiếp cận thông tin về chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở nhóm công chức, viên chức trẻ (chiếm 56,1%) là cao hơn so với các đối tượng thanh niên khác. Điều đó cho thấy nhu cầu học hỏi và ứng dụng năng số của thanh niên vào trong công việc của đối tượng thanh niên công chức, viên chức là tương đối lớn.

Trong các mong muốn về điều kiện, môi trường thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong ứng dụng kiến thức, kỹ năng số, có xấp xỉ 60% thanh niên công chức, viên chức tham gia khảo sát cho rằng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, năng lực số (chiếm 58,4%) và được trạng bị đầy đủ máy móc, phương tiện, thiết bị số (chiếm 58,7%). Những số liệu nêu trên cho thấy sự kết nối giữa việc thực thi văn hóa công vụ trên môi trường số với việc phát triển năng lực số cho đội ngũ công chức, viên chức trẻ, từ đó họ tự tin hơn trong việc giao tiếp và thực hiện công vụ trên môi trường số.

Trước tình hình mới với sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi thực hiện công vụ trên môi trường số, cán bộ, công chức, viên chức trẻ cần tuân thủ quy tắc “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trên không gian mạng. Đồng thời, đội ngũ công chức, viên chức trẻ cần trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử trên không gian mạng để không vi phạm các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo tính pháp lý và tính kỷ luật.

 
AMH
Ảnh minh họa - nguồn Internet
 
Tuân thủ đạo đức công vụ gắn với thực thị văn hóa công vụ chính là việc cán bộ công chức, viên chức trẻ cần giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, đơn vị khi tham gia môi trường số. Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ công chức, viên chức trẻ cần đảm bảo đúng quy trình, thẩm quyền được giao, đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quá trình giải quyết công việc đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Ngoài ra, môi trường số đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ, đồng thời phải luôn chủ động, sẵn sàng trong ứng phó trong xử lý sự cố, khủng hoảng từ công nghệ số, bởi vậy, họ cần được trang bị năng lực số để đảm bảo thực thi công vụ hiệu quả.

Như vậy, nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi văn hóa công vụ và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong môi trường số là một vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm sự hoạt động hiệu quả và bền vững của các cơ quan nhà nước. Để thực hiện điều này, cần quan tâm đến các vấn đề sau:

 
  • Nâng cao năng lực số cho thanh niên công chức, viên chức. Việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ công chức, viên chức trẻ có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc của thanh niên trên môi trường số, đồng thời giúp họ ứng biến linh hoạt trong xử lý công việc trên môi trường số. Xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn, các chương trình đào tạo về kỹ năng sử dụng công nghệ số, bảo mật thông tin, và các quy tắc ứng xử trong môi trường số phù hợp với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trẻ.
 
  • Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của tất cả cán bộ, công chức, viên chức trẻ về chuyển đổi số, sự cần thiết xây dựng văn hóa số để xây dựng chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0. Chuyển đổi số trong cơ quan công quyền là tất yếu và quá trình này cũng góp phần hình thành và phát triển những chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc gắn với môi trường số. Cần có các chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đạo đức công vụ và văn hóa công vụ, và tạo diễn đàn cho cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ tham gia vào các diễn đàn, hội thảo để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về việc thực hiện các quy tắc đạo đức trong môi trường số.
 
  • Thúc đẩy xây dựng và phát triển văn hóa học tập liên tục và học tập suốt đời cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Để thực thi công vụ hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải có đẩy đủ các kỹ năng gắn với làm việc trên môi trường số. Do vậy, với phương châm “học tập suốt đời”, “học để làm việc, làm người, làm cán bộ”, sẽ giúp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ có thể tích lũy kiến thức mới và phát triển kỹ năng số, văn hóa hình thành chuẩn mực của văn hóa số, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị hiện nay.
​​​​​​​
  • Nêu gương cán bộ, công chức, viên chức trẻ tiêu biểu. Khuyến khích các cán bộ, công chức, viên chức trẻ làm gương về thực hành tốt đạo đức công vụ và văn hóa công vụ trong môi trường số. Đồng thời, có những khen thưởng, ghi nhận những cá nhân hoặc tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực thi văn hóa và đạo đức công vụ.
 
Các nội dung đề xuất trên cần được triển khai đồng bộ và liên tục để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm và thực thi văn hóa công vụ cũng như đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong môi trường số. Cốt lõi để thực hiện tốt đạo đức công vụ và thực thi văn hóa công vụ trên môi trường số chính là đòi hỏi sự tự rèn luyện, phát triển về nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong quá trình thực thi công vụ hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 “Về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ” của Thủ tướng Chính phủ;
2. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2013), Hướng dẫn triển khai phong trào “Ba trách nhiệm” trong thanh niên công chức, viên chức, số 26 HD/TWĐTN ngày 21/10/1013.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Kết luận số 14-KL/TWĐTN-CNĐT, ngày 25-12-2014, về “Một số giải pháp đẩy mạnh phong trào “3 trách nhiệm” trong đoàn viên, thanh niên cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2015 - 2017”.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (2014), Hướng dẫn số 58-HD/TWĐTN-CNĐT, ngày 25-12-2014, về việc “Hướng dẫn thực hiện “3 trách nhiệm” trong đoàn viên, thanh niên cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2015 - 2017”
5. Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (2017 - 2022), số 318-BC/TWĐTN-VP ngày 13/8/2020.
6. Viện Nghiên cứu Thanh niên (2022), Báo cáo điều tra nhu cầu và năng lực số của thanh niên hiện nay. Hà Nội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây