Tác giả bài viết: Vĩnh Long (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị)
Qua việc thường xuyên giao ban, chủ động nắm bắt tình hình các vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên tham gia môi trường mạng xã hội, Tỉnh ủy Quảng Trị đã chủ động, kịp thời tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội tuân thủ đúng các quy định; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội.
Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị trong thời gian vừa qua dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội như: Luật An ninh mạng; Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, chỉ đạo xử lý hoặc phối hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trang thông tin giả mạo, xấu, độc, xuyên tạc. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý vi phạm thì tùy theo mức độ mà cấp ủy, tổ chức đảng kịp thời xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở Quy định của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội với nhiệm vụ và nội dung chính, quan trọng đó là tăng cường công tác quản lý đảng viên, nhất là về chính trị tư tưởng, về việc lập và sử dụng các trang thông tin trên internet, mạng xã hội. Quán triệt đến từng cấp ủy, tổ chức đảng về việc hướng dẫn cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; chấn chỉnh nhắc nhở việc cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, đăng tải, chia sẻ, bình luận nội dung không phù hợp trên internet, mạng xã hội…
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị cũng thường xuyên kết hợp thông qua các hội nghị báo cáo viên, giao ban dư luận xã hội, hội nghị giao ban báo chí để định hướng và cung cấp các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng, thông tin về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là thông tin liên quan về những vấn đề dư luận quan tâm của địa phương, đất nước. Qua đó, không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức tổ chức kỷ luật, bồi dưỡng khả năng “tự miễn dịch” cho đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội, các phóng viên, biên tập viên trên địa bàn tỉnh, trong đó số lượng cán bộ, đảng viên chiếm đa số.
Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cán bộ tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên”, xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nội dung cốt lõi của công tác xây dựng Đảng, mang yếu tố quyết định đến thành bại của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, vai trò của cán bộ, đảng viên càng được khẳng định hơn nữa trong mặt trận đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch trên môi trường internet, mạng xã hội.
Ảnh minh họa (Nguồn: tuyengiao.vn). |
Có thể thấy rằng, trong thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị khi tham gia hành động, phát ngôn trên môi trường mạng xã hội, tận dụng ưu thế của môi trường internet, mạng xã hội để tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước. Bám sát tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, hình ảnh tích cực, truyền đi thông điệp nhân văn, lan tỏa gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Đồng thời, rất nhiều cán bộ, đảng viên chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách chia sẻ, giải thích cho Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch trên không gian mạng. Bằng chính những việc làm, hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên nêu trên đã góp phần trực tiếp vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch, văn minh trên không gian mạng và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ những thông tin xấu độc, sai trái, thù địch.
Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn cán bộ, đảng viên gương mẫu, xây dựng và củng cố niềm tin dư luận trên không gian mạng thì thời gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên vì nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan, đã cố ý hay vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động khi tham gia môi trường mạng xã hội. Những việc làm đó đã thách thức trực tiếp đến nhiệm vụ, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, một số hành vi cụ thể phải kể đến đó là:
- Một số cán bộ, đảng viên lợi dụng vị trí, công việc tiếp xúc được với một số nguồn thông tin chưa được kiểm chứng, xác thực, thông tin không chính thống để dẫn lại, phát tán trên môi trường mạng xã hội; thậm chí còn thực hiện thông tin lấp lửng nước đôi để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội có chiều hướng gia tăng nhằm suy diễn, thể hiện cái tôi của bản thân...
- Cá biệt, một số đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh, từ đó tạo điều kiện cho số lượng lớn người quan tâm, bình luận, giúp họ có rất nhiều lợi thế trong việc tạo ra và dẫn dắt dư luận theo ý mình. Thực tế chỉ ra rằng, nhóm người sử dụng mạng xã hội lớn tuổi và ít có kiến thức về công nghệ thông tin, sự cả tin và chịu sự tác động của các tin giả, tin xấu lại nhiều hơn nhóm người trẻ tuổi. Và trong trường hợp này, không loại trừ cán bộ, đảng viên lớn tuổi nhưng ít có kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội có thể trở thành những người bị lợi dụng, bị tác động tiêu cực nhiều nhất bên cạnh những cán bộ, đảng viên trẻ tuổi có kỹ năng sử dụng mạng xã hội tốt nhưng lại có hạn chế về kiến thức, nhận thức và bản lĩnh chính trị của mình.
- Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ, đảng viên dùng mạng xã hội chưa thật sự quan tâm, chú ý bảo mật thông tin riêng tư, cá nhân, đời sống thường nhật, thậm chí là cả những thông tin bí mật trong công việc. Việc ý thức trách nhiệm bảo mật chưa tốt, trong khi các tài liệu, hoạt động được lưu ở máy tính cơ quan, đơn vị hay những bàn luận thiếu chủ đích của cán bộ, nhân viên có thể được đưa lên các trang mạng xã hội dẫn đến lộ lọt tài liệu, thông tin mật của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch phản động luôn tăng cường lợi dụng internet và mạng xã hội để lôi kéo, tuyên truyền, dày công xây dựng các tài liệu, dẫn chứng khai thác các vấn đề “nhức nhối” trong xã hội, các hoạt động chính trị lớn, quan trọng của đất nước. Khi tham gia mạng xã hội nếu cán bộ, đảng viên tiếp nhận các thông tin trên, chỉ vì một phút hoài nghi, dao động, nghi ngờ, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì họ có thể bình luận, chia sẻ, đăng tải những thông tin đó. Việc những thông tin, hình ảnh xấu độc được đăng tải trên tài khoản cá nhân của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, dù vô tình hay hữu ý đều gây hậu quả và hệ lụy xã hội vô cùng lớn. Bởi tiếng nói của những cá nhân này thường thu hút sự chú ý, quan tâm, theo dõi của người dùng mạng xã hội, gây tác động không nhỏ đến nhận thức của họ.
Với nhiệm vụ tham mưu công tác tư tưởng lĩnh vực báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị đã tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng thông tin kịp thời cho báo chí; chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền, cổ vũ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Phát huy vai trò dẫn nguồn, chi phối thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội để cộng đồng mạng, trong đó, có đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, đủ sức “đề kháng” trước các quan điểm sai trái, thù địch.
Thực tiễn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, việc quản lý cán bộ, đảng viên sử dụng mạng xã hội nói riêng còn nhiều khó khăn nhưng với việc chú trọng triển khai các giải pháp quản lý mạng xã hội, môi trường internet, thiết lập, sử dụng trang thông tin cá nhân, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng, cấp ủy, tổ chức đảng giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về sử dụng mạng xã hội, về vai trò của quan trọng của nhiệm vụ này trong thời gian tới./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn