trongdong
text logo

Long An: Phát triển kinh tế Rừng hướng đến sự bền vững

Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc - Trung Phong -Hữu Huyền

Thứ sáu - 21/07/2023 00:39

Tỉnh Long An sẽ tập trung phát huy tiềm năng, vai trò, tác dụng của rừng và cây phân tán để phát triển lâm nghiệp hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Là vùng đất phèn chua, tỉnh Long An trong những năm gần đây tập trung phát triển, nghiên cứu các giống cây rừng sức sống cao và hiệu quả kinh tế như cây Tràm cừ, tràm gió, cây bàng. Có thể nói, cây tràm gắn liền với Long An đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười từ ngày mở đất.

Tràm là loại cây thích hợp với vùng đất chua, phèn, ngập nước và được xem là một đặc trưng của vùng ĐTM. Từ hàng trăm năm trước, cây tràm có mặt ở ĐTM, tồn tại, phát triển cho đến ngày nay.

Cây tràm cừ thân thẳng, cao hàng chục mét, thường dùng làm đòn tay, kèo, cột nhà và đóng cừ trong xây dựng. Cây tràm gió thân khẳng khiu, lá chứa nhiều tinh dầu.

Hiện nay, tỉnh Long An còn khoảng 22.000ha rừng, cây tràm vẫn là loài chiếm đa số diện tích. Khoảng một nửa diện tích rừng thuộc sở hữu hộ gia đình và dùng vào mục đích sản xuất với loại tràm được trồng chủ yếu là tràm cừ. Thạnh Hóa và Đức Huệ là 2 địa phương còn nhiều diện tích tràm nhất hiện nay. Tuy nhiên, giá cây tràm có thời điểm sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, dẫn đến việc nông dân chuyển đổi cây trồng.

Hiện nay diện tích rừng tràm đang giảm dần vì giá tràm “chạm đáy”

Theo Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Long An cho hay: “Những năm gần đây, giá tràm chỉ khoảng 25 – 27 triệu/ha. Tuy nhiên, người dân phải đầu tư, chăm sóc thời gian từ 5 – 7 năm, trong thời gian này người dân sống nhờ diện tích đất được phép sản xuất nông nghiệp cùng những hoa lợi dưới tán rừng. Hiện nay, giá tràm quá rẻ làm cho người dân kéo dài thời gian thu hoạch để chờ lên giá, đồng thời cũng ngại trồng mới”.

Theo đó, chi phí đầu tư mỗi ha tràm khoảng 25 triệu. Trong quá trình trồng, người dân phải chăm sóc, tỉa cành, nhánh cho cây nên phải thêm chi phí. Để cây tràm quá lứa thêm 1-2 năm thì khó bán được. Giá giảm sâu thì nói chung ảnh hưởng nhiều. Cây tràm đã rớt giá thời gian dài làm ảnh hưởng kinh tế, bởi đó là thu nhập bền vững của người dân sống với rừng.

Những năm gần đây, diện tích rừng tràm có dấu hiệu giảm do khai thác chưa trồng lại và rừng đặc dụng bị chết.

Theo ông Bùi Đắc Hướng - Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thu Ngân chia sẻ, để cây tràm phát triển bền vững, không chỉ cần quan tâm đến quy trình canh tác mà còn phải chú trọng đầu ra. Đồng thời, đòi hỏi sự hỗ trợ từ chính sách, kinh phí từ địa phương để người dân có đủ điều kiện chăm sóc cây tràm đến thời kỳ thu hoạch.

Song song đó, để phát triển rừng tràm bền vững, hiệu quả thì các cấp, ngành phải quy hoạch vùng trồng, tránh cung vượt cầu cũng như hỗ trợ tạo kết nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, nhà máy để các loại cây chủ lực của địa phương có hướng đi bền vững hơn.

Bên cạnh đó, phát triển, tận dụng tiềm năng của rừng tràm để làm khu du lịch sinh thái, nuôi trồng, sản xuất các đặc sản rừng tràm như: chuột đồng, cá đồng, ếch, rắn, nấm tràm, mật ong tràm,….

Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập đã tận dụng đặc trưng của rừng tràm đem đến cho khách du lịch nhiều món đặc sản như: chuột, cá, chim,..

Vì để phát triển ngành lâm nghiệp bền vững, hướng đến ngành kinh tế trọng điểm của tình, tháng 3/2023, UBND tỉnh có Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Long An năm 2023 nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng độ che phủ, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn nguồn gen của các loài động, thực vật; góp phần tăng trưởng kinh tế; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh

Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu trồng thêm 650ha rừng tập trung trong năm 2023, trong đó, tỉnh sẽ trồng 150 ha rừng đặc dụng tại Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen trồng (huyện Tân Hưng), Khu Bảo tồn đa dạng sinh học - cây Dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa) và rừng phòng hộ biên giới huyện Thạnh Hóa; phòng hộ biên giới; trồng lại sau khai thác 500 ha; đồng thời, tỉnh thực hiện trồng gần 1,6 triệu cây xanh và cây phân tán các loại.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng giúp người dân hiểu hiệu quả thiết thực của trồng rừng, trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện trong mùa khô hàng năm; thực hiện đúng quy định pháp luật, của nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng.

UBND tỉnh Long An yêu cầu các tổ chức có rừng, UBND cấp huyện có rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định phòng cháy, chữa cháy rừng của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp để đảm bảo bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có do địa phương quản lý. UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức quản lý phần đất công và giao khoán cho các tổ chức, đoàn thể, hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán bảo vệ trồng, chăm sóc....

Cũng theo UBND tỉnh Long An, phát triển cây lâm nghiệp, đặc biệt là rừng đặc dụng góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen của các loài động, thực vật, đảm bảo tính đặc hữu, bảo vệ các loài sinh vật dưới tán rừng và rừng phòng hộ vùng biên giới; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo công bố hiện trạng rừng của UBND tỉnh, tính đến ngày 31/12/2022, tổng diện tích tự nhiên là 449.478,66 ha, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh là 21.826,49 ha.

Trong đó, rừng trồng trên diện tích đất có nguồn gốc đất rừng là 19.788,31 ha; rừng trồng trên đất nông nghiệp và các loại đất khác là 2.038,18 ha. Phân chia theo loại rừng: rừng tự nhiên là 838 ha; rừng trồng là 20.988,49 ha. Phân theo mục đích sử dụng: rừng đặc dụng là 1.813,14 ha; rừng phòng hộ là 2.075,63 ha; rừng sản xuất là 17.937,72 ha.Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ là 17.992,62 ha, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh là 4,0 %. Diện tích đất có rừng trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 3.833,87 ha.

So với năm 2021, diện tích rừng thực giảm 172,24 ha (gồm khai thác rừng sản xuất chưa trồng lại 21,73 ha tại huyện Thạnh Hóa, khai thác rừng phòng hộ chưa trồng lại 11 ha tại huyện Mộc Hóa và giảm 139,51 ha rừng đặc dụng Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, diện tích này sẽ được trồng lại giai đoạn 2023-2025).

Nguồn tin: moitruongvaxahoi.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây