Tác giả bài viết: Đoàn Tuấn - Thu Nhài
Thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) - một thôn chủ yếu là đồng bào Tày sinh sống, chiếm trên 70 % dân số toàn thôn. Chỉ sau 1 năm xây dựng mô hình “Thôn hạnh phúc”, thôn Hạnh Phúc đã trở thành một vùng quê đáng sống với bản làng xanh, sạch, đẹp, yên bình, đường bê tông phong quang, rộng mở, cây xanh, hoa hai bên đường như bức họa đẹp mắt cùng nhiều tiện nghi khác khiến thôn Hạnh Phúc đang trở thành nơi nhiều người “muốn đến, muốn trở về”.
Quay ngược thời gian về thời điểm trước khi thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên thực hiện mô hình “thôn Hạnh Phúc”, một bản làng hiển hiện với những khó khăn chống chất điện lưới quốc gia chưa có, sản xuất, dịch vụ, đời sống của người dân khó khăn, công tác tiếp cận thông tin hạn chế; Hệ thống cống rãnh đường thôn còn bề bộn, mất vệ sinh, đa số các hộ dân xả rác thải gia đình xuống rãnh thoát nước; Đường hoa, đường điện thắp sáng đường quê chưa hình thành; Các hoạt động văn hóa hóa văn nghệ, thể dục thể thao còn hạn chế; Đặc biệt là còn tồn tại nhiều phong tục tập quán cổ hủ lạc hậu trong đời sống của người dân.
Thế nhưng chỉ sau 1 năm xây dựng mô hình "thôn Hạnh Phúc”, thôn Hạnh Phúc đã trở thành một vùng quê đáng sống với bản làng xanh, sạch, đẹp, yên bình, đường bê tông phong quang, rộng mở, cây xanh, hoa hai bên đường như bức họa đẹp mắt cùng nhiều tiện nghi khác khiến thôn Hạnh Phúc đang trở thành nơi nhiều người “muốn đến, muốn trở về”.
Đến thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp mới cảm nhận rõ được sự bình yên, hạnh phúc và hài lòng của người dân nơi đây. Bà Hoàng Thị Xuyến - thôn Hạnh Phúc nói: “Mỗi buổi sáng sớm và chiều chiều, tôi và người dân trong thôn lại ra tuyến đường ngay trước cửa nhà để quét dọn sạch đường thôn và chăm sóc hoa hai bên đường. Đường xá giờ được bê tông hóa rộng rãi, được người dân trồng cây bóng mát và hoa sắc màu hai bên đường, đã làm cho miền quê mình sống xanh đẹp, không khí trong lành.”
Nép mình dưới những đồi quế xanh ngút ngàn, những ngôi nhà kiên cố, rộng rãi, khang trang mọc lên san sát. Trước sân nhà được bao quanh là hoa, cây cảnh xanh mát. Trong giọng nói không giấu được niềm tự hào, niềm vui mừng khi cuộc sống của người dân trong thôn như sang trang mới. Anh Nguyễn Văn Ngôn, thôn Hạnh Phúc chia sẻ: “Mỗi người, mỗi gia đình đều đoàn kết, tích cực lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh việc tự làm đẹp cho những ngôi nhà của mình, làm hàng rào cây xanh, rồi trồng hoa nơi mình ở làm đẹp cảnh quan chung, mọi người đã cùng tích cự tham gia các hoạt động của địa phương. Ai nấy đều vui vẻ, cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống”.
Luôn nỗ lực đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của xã, người dân thôn Hạnh Phúc đang nỗ lực, phát huy thành quả, tiếp tục xây dựng quê hương thành “miền quê đáng sống”. Trên những con đường bê tông trải dài, được tô điểm bởi những loài hoa, tận mắt thấy những ngôi nhà khang trang, Internet, các thiết bị nghe nhìn, vật dụng tiện nghi trong sinh hoạt gia đình đủ đầy, có thể thấy rõ nếp sống mới của người dân nơi đây. Thôn hiện có 328 hộ , 1.275 khẩu, với sự nỗ lực cố gắng của chính quyền, sự quan tâm đầu tư của nhà nước và sự chung sức đồng lòng, mỗi gia đình không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn quan tâm chăm chút cho mái nhà, mảnh vườn, khoảnh sân gọn gàng, sạch đẹp. Khi thấy được lợi ích của các phong trào xây dựng quê hương giàu đẹp mang lại, ai cũng tích cực tham gia, tự nguyện học theo, làm theo để nơi mình sống trở nên hạnh phúc hơn.
Ông Nguyễn Văn Phú - Trưởng thôn Hạnh Phúc cho hay: “Đến nay thôn Hạnh Phúc có trên 1.100 ha quế, các hộ trong thôn đều có ít nhất từ 10 ha quế trở lên, toàn thôn có 45 hộ gia đình có từ 20 đến 30 ha quế. Hạnh Phúc giờ đây chỉ còn 61% hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 20%, nhiều gia đình đã trở nên khá giàu với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng Quế tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Biên, Trần Hồng Điều, Phạm Văn Hôi, Nguyễn Văn Mộc, Chu Văn Xanh, Đặng Văn Dũng…. Tỷ lệ hộ khá giầu chiếm trên 30%, có 120 hộ đã có nhà xây kiên cố, công trình vệ sinh đạt chuẩn chiếm 87% số hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/ người/ năm.”
Đặc biệt, những ngày tháng qua, bà con trong thôn đã tích cực tham gia hiến công, hiến đất để mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng; đóng góp ngày công, kinh phí để nâng cấp, xây mới nhà văn hóa thôn; Thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường… Được lựa chọn để xây dựng thôn hạnh phúc của xã, của huyện, Chi bộ thôn đang nỗ lực vận động đảng viên và nhân dân đồng lòng đóng góp 2,1 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động, hiến trên 2.000 m2 đất để xây dựng hoàn thành tuyến đường bê tông liên thôn dài 10 km, tạo điều kiện cho nhận dân đi lại thuận tiện, giao thương phát triển kinh tế, nâng cao giá trị cây quế ... Đồng thời hoàn thành xây dựng nhà nhà văn hóa thôn tổ chức các sự kiện của thôn và là nơi giao lưu, kết nối bà con trong thôn.
Đồng chí Nguyễn Thị Ánh - Bí thư chi bộ thôn Hạnh Phúc cho cho biết: “với chủ trương của huyện, sự trợ lực từ chính quyền địa phương, cộng đồng người Tày ở thôn Hạnh Phúc đã từng bước đẩy lùi và loại bỏ các hủ tục lậc hậu, các gia đình trong thôn chung sống hòa thuận, vui vẻ cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thôn đã xây dựng được 2 km tuyến đường hoa “xanh - sạch - đẹp” với những hàng cau, hoa ban, vàng anh đẹp mắt, 5 mô hình “nhà sạch vườn đẹp”, 235 hộ đạt tiêu chuẩn “5 không, 3 sạch”, 3 đội văn nghệ xung kích, 3 đội bóng chuyền .. Vào mỗi buổi chiều, người dân trong thôn lại rộn ràng tiếng nói cười tham gia vào hoạt động thể thao, tăng tình đoàn kết xóm làng. Ai cũng phấn khởi và thấy hạnh phúc bởi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. Hiện toàn thôn có trên 75% hộ gia đình được đánh giá là Hạnh phúc.”
Để việc xây dựng mô hình thôn "thôn Hạnh Phúc" tại địa phương, lan tỏa thành phong trào, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt, để việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trở thành động lực, nền tảng tinh thần, nhất là với mỗi người dân trong xây dựng cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc, thôn, bản hạnh phúc, Tân Hợp đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tính nhân văn tới từng người dân, hộ gia đình, thôn, bản, thông qua các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể và bằng nhiều hình thức sáng tạo khác. Đồng thời, bám sát vào các chỉ tiêu cụ thể, phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp. Đồng chí Trần Văn Tặng - Bí thư Đảng bộ xã Tân Hợp khẳng định: “Một trong những nội dung quan trọng tác động tích cực đến việc nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đó chính là việc nâng cao mức sống cho nhân dân. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy chính quyền địa phương, sự nỗ lực cố gắng của người dân, Tân Hợp đã xây dựng mô hình thôn Hạnh Phúc với việc tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện kinh tế vật chất, nâng cao sự hài lòng của người dân về điều kiện sống. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; nỗ lực xây dựng gia đình hạnh phúc, khu dân cư hạnh phúc. Đồng thời hạn chế thấp nhất mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường để nâng cao sự hài lòng của người dân về môi trường sống”.
Sự hài lòng trước cuộc sống hiện tại hiện rõ trên gương mặt, nụ cười, trong những câu chuyện đầy yêu thương của người dân thôn Hạnh Phúc hiền lành, chất phác - nơi đó, nếp sống văn hóa, văn minh, các giá trị văn hóa tốt đẹp được bồi đắp trong từng gia đình; xóm làng rộn rã niềm vui,đời sống tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt từ các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Người dân thôn Hạnh Phúc đang mỗi ngày hạnh phúc.
Có thể khẳng định, sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo của huyện ủy, UBND huyện, của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng những thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Hạnh Phúc hôm nay là minh chứng rõ nét cho định hướng đúng đắn của tỉnh Yên Bái về nâng cao “Chỉ số hạnh phúc” cho người dân theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh. Và cũng từ mô hình này được xác định là điểm tựa, là đòn bẩy để triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, trọng tâm là hình thành và xây dựng những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội tại địa phương, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trở thành động lực để thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn xã Tân Hợp nói riêng và huyện Văn Yên nói chung./.
Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn