Tác giả bài viết: Diệp Anh
Kỷ nguyên số đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam. Công nghệ số đã đang làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa, vì vậy để các ngành nghệ thuật Việt Nam thích ứng và phát triển trong kỷ nguyên số luôn là vấn đề được quan tâm.
Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức trong bối cảnh công nghệ số. Khi mà sự biến đổi không ngừng của công nghệ diễn ra từng ngày, từng giờ, khi nền nghệ thuật thế giới luôn phải bắt kịp và thích ứng để sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật có sự hỗ trợ tối đa bởi công nghệ, thì các đơn vị, công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Việt Nam cũng đang cố gắng thích nghi và phát triển hoạt động trong kỷ nguyên số.
Được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian tới, ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam bộc lộ nhiều lợi thế và đứng trước cơ hội vươn lên trở thành một trong những khu vực có khả năng thích ứng cao với những đổi mới như vũ bão của kỷ nguyên số, đóng góp cho sự tăng trưởng về kinh tế và ổn định xã hội của Việt Nam.
Dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi
Dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi là cách mà cả các đơn vị Nhà nước hay các công ty tư nhân, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp… đều đang thực hiện để gặt hái những thành công trong kỷ nguyên số.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mạnh dạn đổi mới sau thời gian dài "ngủ đông" để kéo du khách đến với bảo tàng, nơi mà trước kia nếu ai đi ngang qua chỉ nghĩ là cơ quan công quyền nào đó, nơi mà các hướng dẫn viên du lịch trước đây rất ngại đưa khách vào bởi không biết sẽ thuyết minh như thế nào nếu không hiểu về các tác phẩm mỹ thuật.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ, Bảo tàng từng có giai đoạn vắng khách, hay "kén khách" như cách mà những người trong ngành thường nói. Khoảng 6-7 năm trước đây, 90% khách tham quan bảo tàng là người nước ngoài, khách Việt Nam chỉ chiếm 10%.
"Các hướng dẫn viên du lịch rất sợ vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bởi vì họ không biết hướng dẫn như thế nào, không hiểu tác phẩm như thế nào, do đó họ ngại đưa khách vào bảo tàng. Vì vậy, lượng khách đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam rất ít. Chính những thách thức như vậy chúng tôi đã dựa vào công nghệ để giải bài toán này", ông Nguyễn Anh Minh nói.
Năm 2017, khi mới về làm Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Anh Mình nghĩ phải thay đổi. Công nghệ số chính là công cụ sẽ giúp thay đổi được điều đó. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần Phần mềm di động Việt Nam (Vinmas) xây dựng đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là một Đề án chưa có tiền lệ, là sự hợp tác công tư, dự án win-win (2 bên cùng có lợi), vì vậy Bộ phải vận dụng những chính sách phù hợp.
"Chúng tôi góp về tài nguyên di sản, phía đối tác hỗ trợ về công nghệ và vận hành khai thác dự án này. Sau 2 năm triển khai, đến tháng 5/2021, dự án Thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA đã được đưa vào sử dụng.
iMuseum VFA giới thiệu hơn 100 hiện vật bằng 8 thứ tiếng, có thể sử dụng ở bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào, chỉ cần có mạng internet và thiết bị điện tử.
Hiện nay chúng tôi chuẩn bị đưa vào 9 ngôn ngữ. Đây là công nghệ tiên tiến so với công nghệ cùng thời ở trong nước cũng như trên thế giới đã đáp ứng được những tiêu chí đặt ra. Từ khi đưa vào sử dụng đã được công chúng đón nhận và đánh giá rất cao", Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Minh cho biết, trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu được gần 600 triệu từ khách tham quan trả cho việc sử dụng công nghệ thuyết minh này.
Tuy đây là con số nhỏ, nhưng cũng đã thể hiện sự thành công ban đầu của hợp tác công tư. Điều đó không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật.
Thời gian tới Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp tục xây dựng những hình thức công nghệ mới gắn với mỹ thuật để góp phần lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến với công chúng không chỉ trong nước và quốc tế.
Mạnh dạn bước ra thế giới
Đối với một đơn vị Nhà nước, việc thay đổi những gì vốn đang có không phải đơn giản, đặc biệt là việc tiếp cận với công nghệ số trong thời đại kỷ nguyên số tuy nhiên đối với những doanh nghiệp non trẻ, chưa có tên trên thị trường thì bắt buộc họ phải bước ra thế giới để học hỏi và lĩnh hội những gì hay nhất, tiên tiến nhất.
Bà Lê Quỳnh Như, Công ty DeeDee Animation Studio (công ty chuyên sản xuất phim hoạt hình) chia sẻ về 4 điều tiên quyết mà công ty bà đã thực hiện khi khởi nghiệp để đạt được những thành công bước đầu như ngày hôm nay.
Thứ nhất là không ngừng học hỏi và chuyển giao công nghệ với chất lượng quốc tế. "Chỉ khi chúng ta hợp tác với các studio lớn, những studio có quy trình chuẩn thì đó là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất cho một studio ở một nước chưa có nền công nghiệp hoạt hình phát triển như Việt Nam", bà Lê Quỳnh Như khẳng định.
Thứ hai là kết nối và mở rộng quan hệ. Phải tạo ấn tượng ngay từ ban đầu khi làm việc với khách hàng nước ngoài để họ quay lại lần thứ 2, thứ 3 và họ giới thiệu đến các đối tác lớn như: Wanna Bross, Walt Disney, Flix.
Thứ ba là tạo độ uy tín nhất định bằng cách cung cấp các sản phẩm dịch vụ tốt nhất. Theo bà Lê Quỳnh Như, hiện nay, hoạt hình Việt Nam trên "bản đồ thế giới" gần như chưa có gì, do đó đây là thách thức khi làm việc với các đối tác nước ngoài, vì vậy phải cung cấp những sản phẩm dịch vụ tốt nhất mà mình có, đó cũng là bước đầu tạo uy tín để hỗ trợ rất tốt cho các dự án sau này.
Thứ tư là tiếp cận được vốn. Sau 5 năm xây dựng được nền móng vững chắc thì bước thứ tư là bước chuyển mình. Ở nước ngoài có nhiều phương thức hợp tác, họ đầu tư trực tiếp vào studio, hoặc đồng sản xuất. Sau khi đồng sản xuất, họ sẽ khai thác ở thị trường thế mạnh của họ và mình khai thác ở thị trường thế mạnh của mình. Từ đó để cùng ngồi vào bàn đàm phán, cùng hợp tác đầu tư sản xuất và cùng khai thác những giá trị ở từng khu vực.
Vậy làm sao để bước ra thế giới? Theo bà Lê Quỳnh Như, chúng ta phải đi mới đến, với những công ty non trẻ thì đều phải có 2 yếu tố khi bước ra bên ngoài đó là phải chủ động, sẵn sàng dấn thân và dám thử.
Mặt khác cũng cần phải tỉnh táo và thận trọng. Khi bước ra thế giới, câu chuyện về luật pháp, đàm phán hợp đồng, quyền lợi giữa hai bên không còn đơn giản là chúng ta làm tốt mà phải tỉnh táo và tập trung tất cả nguồn lực để hỗ trợ nhằm đạt được dự án.
Đối với DeeDee Animation Studio, từ ngày khởi nghiệp, công ty đã xây dựng chiến lược rõ ràng cho 2 năm đầu tiên, 3 năm tiếp theo và 5 năm sau… Trong 2 năm đầu tiên công ty xác định phải bán thứ mình tự tin, do đó 2 năm đầu tiên tập trung làm sản phẩm của công ty và gửi đi các liên hoan phim thế giới, tham dự gần như tất cả các hội chợ về hoạt hình trên thế giới.
Chiến lược 2 năm đầu tiên là bán thứ mình tự tin, thứ khách hàng muốn mua và đã đạt được những thành công nhất định. Trong thế giới công nghệ số hiện nay, kể cả những khách hàng khó tính, họ cũng đang đi tìm những studio làm việc có chất lượng và họ đi tìm mình, mình cũng đi tìm họ.
Bà Lê Quỳnh Như cho biết, từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp non trẻ như DeeDee Animation Studio mong muốn được lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ và đồng hành. Đặc biệt, Nhà ước cần có hỗ trợ tích cực hơn về luật pháp, về kết nối và marketing…
Đồng hành trong phát triển công nghiệp văn hóa
Việt Nam đã có hệ thống chính sách vĩ mô, các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng số, các chính sách về văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa nói chung và các chính sách riêng cho từng ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Làm sao để bảo vệ được các ngành nghệ thuật không bị xâm phạm trong kỷ nguyên số luôn là vấn đề được quan tâm.
Là nhân vật thường được "chọn mặt gửi vàng" trong các vụ tranh chấp pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa, giải trí tại Việt Nam, LS. Phan Vũ Tuấn cũng đã đưa ra các lời khuyên vô cùng xác đáng mà những doanh nghiệp, người làm văn hóa, sáng tạo Việt Nam nên có để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
LS. Phan Vũ Tuấn cho rằng, người Việt Nam rất sáng tạo, những sản phẩm sáng tạo của Việt Nam có thể nằm ở tầm cao ở thế giới tuy nhiên trình độ xâm phạm bản quyền ở Việt Nam cũng rất phổ biến, vì vậy, cần có tòa án riêng về sở hữu trí tuệ để xử lý các vấn đề liên quan được nhanh hơn.
Chúng ta đang xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, về vấn đề này có những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật lại không biết đến, không quan tâm.
Vì vậy, theo ông Phan Vũ Tuấn, những người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần phải quan tâm hơn vì liên quan sát sườn đến chính nghề nghiệp của mình. Mỗi người nghệ sĩ nên tham gia tuyên truyền đến cộng đồng về chống xâm phạm bản quyền, không nghe nhạc lậu. Các hiệp hội cùng chung tay, hỗ trợ để chống xâm phạm bản quyền.
Cũng theo LS. Phan Vũ Tuấn, Luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có nhiều điểm tiến bộ, hỗ trợ tích cực cho các nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.
Nhạc sĩ Quốc Trung - nhà sản xuất âm nhạc nhận định, quy trình quản lý của chúng ta không theo kịp, thủ tục hành chính chưa được tự động hóa, đơn giản hơn. Thành công của dự án phải xác định là nhiệm vụ của cả doanh nghiệp và nhà quản lý. Nhà quản lý, doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp có sự tin tưởng, trao trách nhiệm. Trong thời đại số, sự quản lý rõ ràng sẽ giảm thiểu thời gian về thủ tục hành chính, từ đó mở rộng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ.
"Như vậy, quản lý, sản xuất, nghệ sĩ phải thành một khối chung. Tôi nhận thấy chúng ta có quá nhiều nỗi lo sợ, sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ ngay cả đồng nghiệp của mình... thì làm sao phát triển được", nhạc sĩ Quốc Trung nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa có bề dày phát triển công nghiệp văn hóa, những người tham gia vào quá trình này chưa có sự đồng cảm với nhau vì chưa hiểu bản chất các ngành này khi gắn với môi trường công nghệ số; chưa có kinh nghiệm thực hành. Chúng ta có khát vọng nhưng kỹ năng, kiến thức chưa mạnh.
Chúng ta cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng những người tham gia vào các ngành công nghiệp văn hóa, để họ hiểu giá trị của sáng tạo, bảo hộ bản quyền, ứng dụng khoa học-công nghệ… Bên cạnh đó, cần tạo ra mô hình gồm nhà sáng tạo, nhà đầu tư, nghệ sĩ, chuyên gia, ở đó có sự đồng cảm, đồng lợi ích, đồng hành với nhau trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Xung quanh những mong muốn của doanh nghiệp, nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo đối với các cơ quan Nhà nước, rất cần những hỗ trợ, chia sẻ từ phía Nhà nước nhằm giúp doanh nghiệp, người làm nghệ thuật có thể thuận lợi vượt qua thách thức, nắm bắt hiệu quả cơ hội khi hoạt động trong môi trường số.
Nguồn tin: Theo www.chinhphu.vn: