Tác giả bài viết: Hoàng Chiều – Vân Anh: Trung tâm QLDTPTDL
Trang phục là một trong những yếu tố tạo nên đặc thù của mỗi dân tộc, góp phần giải mã nền văn hóa của tộc người đó và mang tính khác biệt rất rõ nét trong mỗi cộng đồng. Người Phù Lá ở vùng Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên cũng vậy, thông qua trang phục truyền thống họ đã tạo cho mình một nét trang phục riêng độc đáo, khác biệt.
Nhóm người Phù Lá (Xa Phó) vốn sinh sống ở trên những triền núi cao nên cuộc sống của đồng bào chủ yếu là hình thức tự cung tự cấp là chính, vì vậy những dụng cụ sinh hoạt cũng như trang phục được tự sản xuất ra từ những nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Từ xa xưa, người Phù Lá (Xa Phó) đã biết trồng bông để tự dệt vải, khâu vá, thêu thùa... Với sự cần cù trong lao động sản xuất, trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Phù Lá đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, thể hiện qua những nét hoa văn trên bộ trang phục mang bản sắc riêng của tộc người. Qua cách trang trí và những đường nét hoa văn trên trang phục cho thấy người phụ nữ Phù Lá (Xa Phó) rất tinh tế, cách tạo hình và bố cục hoa văn đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Trang phục của người Phù Lá ở Châu Quế Thượng chỉ có chung trang phục dành cho phụ nữ và đàn ông, người Phù Lá không có sự phân chia trang phục theo địa vị xã hội hay dành riêng cho cô dâu, chú rể, người già trẻ nhỏ, trang phục hội hè hoặc trang phục lao động. Các bộ trang phục đều sử dụng chất liệu chung, có hình dáng, màu sắc, hoa văn trang trí thể hiện được chiều sâu văn hóa cũng như những quan niệm thẩm mỹ, trình độ lao động sản xuất và kỹ thuật thủ công của tộc người. Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục là sự sáng tạo, mang đậm các yếu tố riêng của chị em phụ nữ, họ biết chắt lọc và sử dụng để trang trí cho những bộ váy áo được đẹp hơn, hấp dẫn và độc đáo hơn. Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng để giúp cho người Phù Lá tạo nên cho tộc người mình một kiểu trang phục riêng. Trải qua quá trình hình thành phát triển, trang phục của người Phù Lá đã trở thành một sản phẩm văn hóa phản ánh toàn diện về đặc điểm sinh sống, phong tục, tập quán, tôn giáo, lễ nghi...
Bộ y phục nữ dân tộc Xá Phó được dùng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn mặc của người dân, nó còn thể hiện được trình độ thêu dệt với kỹ thuật cao.
Khăn (ư ty): Chiếc khăn đội đầu không thể thiếu trong trang y phục của người phụ nữ Phù Lá có chức năng giữ tóc cố định không bị đổ.
Áo (khợ to lo): Chiếc áo là điểm nhấn trong trang phục của người phụ nữ Phù Lá (Xá Phó). Chiếc áo ngắn ngang thắt lưng được thêu trang trí rất tỉ mỉ, hoa văn rực rỡ chủ yếu là các gam màu nóng vượt khỏi sắc mầu thiên nhiên. Thân áo ngắn bó sát người - điểu này không chỉ làm tôn thêm vẻ đẹp mà còn là một trong những đặc điểm để nhận biết sự khác biệt với các tộc người khác. Áo nữ dân tộc Xá Phó là kiểu áo chui đầu, không mở vạt, cổ áo vuông tương đối rộng, ống tay hẹp và thẳng đều. Vai liền, nối ở ống tay áo, gấu bằng. Cả thân trước và thân sau giống nhau, đều ghép ngang vải ở giữa lưng và dưới ngực. Hoa văn trên áo của phụ nữ Phù Lá tập trung trang trí ở hai cánh tay và trước ngực.
Váy (họ): Váy của phụ nữ Phù Lá được thiết kế hơi có độ xoè ở phía dưới để người mặc có thể dễ dàng di chuyển khi bước đi hay làm việc.
Thắt lưng là một phụ kiện trong trang phục của phục nữ Phù Lá (Xá Phó). Phụ kiện này có tác dụng giữ không để áo ngắn bung ra ngoài chân váy, không để chân váy bị tụt. Chính chức năng này đã giúp cho cơ thể người phụ nữ được giữ kín, giữ ấm kể cả khi vận động mạnh hay trong lao động.
Trang phục của người đàn ông Phù Lá (Xá Phó): Bộ y phục nam giới Phù Lá (Xá Phó) gồm có: Khăn, áo, quần, đều được làm thủ công bằng tay, với chất liệu là vải bông tự dệt, tự thêu có nhuộm chàm đen.
Áo (khợ to lo): Áo chỉ có một kiểu độc nhất là nền áo màu chàm đen, xẻ ngực không cài cúc, xẻ tà hai bên sườn và được trang trí hoa văn.
Quần: Quần đàn ông Phù Lá (Xá Phó) là kiểu quần chân què,chiều dài thông thường là 110cm (một số người cao thì quần sẽ dài hơn), được may theo kiểu quần đũng chéo, kéo từ cạp xuống hai bên tạo thành ống quần.
Khăn (ư tỵ): Được làm bằng nột mảnh vải đen có chiều dài 140cm, rộng 12cm, khi quấn gấp đôi theo chiều dọc của khăn và quấn như kiểu khăn xếp của người Kinh.
Trang phục truyền thống của đồng bào không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay. Tri thức dân gian về trang phục người Phù Lá (Xá Phó), xã Châu Quế Thượng là một thành tố văn hóa quan trọng không thể thiếu, góp phần phong phú đa dạng cho nền di sản văn hóa truyền thống độc đáo Việt Nam./.