Tác giả bài viết: Nguyễn Cường (Phóng viên Văn phòng Đông Bắc)
Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chiến khu Việt Bắc, cái nôi của truyền thống cách mạng.
Giữa núi rừng xanh thắm, hiền hòa, Đại Từ ẩn hiện như một nàng tiên vừa mới thức giấc. Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên, một vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân các dân tộc Đại Từ luôn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Để rồi hôm nay, được sống trong hòa bình, được đứng chân giữa Khu di tích lịch sử 27/7, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, hòa chung lòng biết ơn sâu sắc cùng đồng bào cả nước tri ân tới các Anh hùng liệt sĩ. Biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh, ngã xuống, để quê hương tôi được thanh bình, tươi đẹp.
Ngược dòng lịch sử, trong bối cảnh cuộc chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đến tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, họp tại Đại Từ, Bắc Thái (nay là thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ), để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Tại đây, ông Lê Tất Đắc, đại diện Cục Chính trị Quân đội quốc gia đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư Người viết: “Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh… tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng lại là 1.127 đồng đồng”. Như vậy, Bác Hồ không chỉ đồng ý lấy ngày 27/7 mà còn là vị Chủ tịch nước - người công dân đầu tiên cùng các thành viên Chính phủ tỏ lòng hiếu nghĩa với thương binh. Ngày 16/12/1947, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh “Quy định về chế độ hưu, bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây được coi là văn bản đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.
Sở dĩ Bác Hồ chọn nơi đây để tuyên bố sự ra đời ngày Thương binh liệt sĩ bởi huyện Đại Từ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi chứa đựng những tình cảm sâu nặng của con người với con người. Có nhiều tấm gương sáng, điển hình như bà Nguyễn Thị Đích (thường gọi là bà Bá Huy). Cuối năm 1947, Phòng Thương binh - Cục Chính trị - Bộ quốc phòng về đóng trụ sở ở nhà bà, quân số lên đến gần 100 người, chỗ ăn, chỗ ở, chỗ chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhận được sự khuyến khích, động viên rất lớn của ông Lê Thành Ân - lúc đó là quyền Trưởng Phòng Thương binh - Bộ quốc phòng, bà Bá Huy đã giúp thương binh 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, vận động nhân dân trong xóm, trong làng làm 10 gian nhà tre và các nguyên vật liệu khác để lập Trại An dưỡng đường, gọi là Trại An dưỡng đường số I để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh.
Ngày 27/7/1997 - Kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng UBND tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành Khu di tích lịch sử 27/7 và dựng Bia kỷ niệm. Đồng thời công nhận Khu di tích là “Di tích lịch sử cấp Quốc gia”. Đây là một trong những công trình văn hóa lịch sử quan trọng của tỉnh Thái Nguyên, địa chỉ đỏ để du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Sau 76 năm, Khu di tích lịch sử quốc gia vẫn còn đó những nhân chứng, vật chứng sống cho một truyền thống mới của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Luôn là cội nguồn tri ân, điểm tựa, niềm tin, động lực để huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên khơi dậy niềm tự hào, xứng danh là quê hương của Chiến khu Việt Bắc.
Về với Khu di tích, tôi tự thấy mình như nhỏ bé lại giữa đại ngàn, giữa quê hương, giữa những hy sinh của lớp lớp cha anh. Tôi tự nhủ với bản thân, nguyện sẽ cố gắng hơn nữa, làm việc và phấn đấu, cống hiến một phần sức lực nhỏ bé để xây dựng quê hương giầu đẹp hơn.
Nguồn tin: kinhdoanhvaphattrien.vn