trongdong
text logo

MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP TỪ SEN GẮN VỚI KINH TẾ TUẤN HOÀN CỦA CHÀNG THANH NIÊN GEN Z TẠI MÊ LINH

Tác giả bài viết: Minh Anh

Thứ tư - 05/07/2023 04:28

Câu chuyện về chàng trai sinh năm 1998, Lã Xuân Khánh (thôn Liễu Trì, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) với mong muốn phát triển kinh tế nhờ trồng hoa sen. Từ khi còn là sinh viên năm hai trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải, thế nhưng Khánh đã có đam mê làm giàu từ nông nghiệp, anh đã cùng cha mẹ triển khai trồng hơn 50 hecta hoa sen các loại kết hợp với nuôi cá, đưa lại hiệu quả kinh tế lớn cho gia đình.

Chàng trai Lã Xuân Khánh

 Quyết tâm khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, chàng trai Lã Xuân Khánh khi còn là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã tiên phong thực hiện mô hình trồng sen thay cho cây lúa, bởi việc trồng lúa nhiều năm nay trong thôn không hiệu quả, thu nhập thấp nên bà con trong vùng đã bỏ hoang đồng ruộng. Nhận thấy tiềm năng phát triển ao hồ nuôi cá nơi đây nên cả gia đình Khánh đã thuê đất của bà con để cải tạo, một phần để nuôi cá, một phần để trồng sen.

Thời gian đầu Khánh cùng gia đình gặp rất nhiều khó khăn với mô hình trồng sen vì chưa có nhiều kiến thức về loài cây này. Khánh đã đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu cách thức nuôi trồng, chăm sóc hoa sen.

Khó khăn này mới được khắc phục thì khó khăn khác lại tới, gia đình đối mặt với bài toán về nguồn vốn. Với diện tích 50 hecta, để có thể phát triển được mô hình trồng sen thì phải mất ít nhất là 1 tỷ đồng để tôn tạo ruộng thành ao. Thêm vào đó là chi phí thuê nhân công trồng và thu hoạch nên chi phí đội lên rất nhiều. Cộng thêm việc chàng trai lúc này vẫn đang là sinh viên năm cuối đại học nên việc phân bổ thời gian cho việc học tập và làm việc cũng rất vất vả.

Mới đầu, sau khi tham khảo ý kiến của bố mẹ, những người trồng sen lâu năm, chàng trai trẻ đã quyết định trồng thử nhiệm sen quỳ (sen lấy hạt) trên diện tích nhỏ là 5 hecta ao, cạnh với vùng ao nuôi cá của gia đình để theo dõi hiệu quả kinh tế mà loài hoa này đưa lại. Trung bình, mỗi ngày, Khánh chỉ thu được từ 100 - 200 bông. Do số lượng hoa ít, thương buôn không lấy nên mỗi khi thu hoạch xong Khánh lại phải chở đến các cửa hàng hoa và chợ hoa lân cận để bán. 

                                                                    Bạch Liên vào vụ
Hoa sen là loài hoa tương đối khó trồng, trong quá trình nuôi trồng, nếu không được chăm sóc tốt, hoa dễ gặp những loại bệnh… khiến hoa bị hỏng. Do đó, khi nuôi trồng hoa sen, thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì Khánh sẽ lấy nước cốt tỏi pha loãng với nước để phun trực tiếp vào sen, từ đó diệt trừ một số sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình pha chế loại nước này, người pha phải pha chế sao cho vừa đủ để cho tỏi không ngấm vào bông sen vì nếu lượng tỏi nhiều quá thì hoa sen sẽ bị mất mùi.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chàng thanh niên trẻ không nản trí mà vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi ước mơ. Chàng trai trẻ cũng mạnh dạn mở rộng diện tích trồng sen từ 5 hecta sen quỳ lên 50 hecta, với nhiều loại sen Bạch Liên và sen Bách Diệp. Với diện tích 50 hecta sen các loại, trong đợt thu hoạch sen từ tháng 5 cho tới tháng 9, mỗi ngày gia đình Khánh thu hoạch vài nghìn bông hoa. Với giá đổ buôn 2 nghìn đồng/ bông, ước tính sau một vụ, gia đình Khánh thu về hàng trăm triệu đồng khi đã trừ hết chi phí. Đồng thời vào vụ sen, mô hình sen của Khánh tạo công ăn việc làm cho 25-30 lao động cho người dân địa phương.

Theo chia sẻ của Khánh thì 2 loại sen mang lại giá trị kinh tế cao đó là Sen Bạch Liên và sen Bách Diệp. Đây là loại sen lấy hoa được người chơi yêu thích vì vẻ đẹp sang trọng và mùi hương dịu nhẹ. Nếu cắm một bó hoa sen Bạch Liên trong nhà, đóng kín cửa thì sáng hôm sau, hương sen sẽ tỏa ra khắp phòng và có mùi hương rất dễ chịu, ngay cả khi hoa không còn đẹp thì mùi hương thơm dịu vẫn còn vương lại trong phòng.
 

                      Hoa sen Bạch Liên được thu hoạch trong buổi chiều để các thương lái đến thu mua.
Khi việc trồng sen đã đi vào ổn định, tận dụng nguồn tài nguyên, gia tăng giá trị. Với việc tự mày mò, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với các mô hình đã được áp dụng thành công trên nhiều địa phương khác. Khánh đã cùng với gia đình nuôi thêm cá bên dưới đầm sen. Tuy nhiên, không phải loại cá nào cũng sống được dưới tán lá sen, do đó loài cá được thả chủ yếu là các loại cá đen như cá trắm đen; cá chuối vì nguồn thức ăn của các loài cá này chủ yếu là ốc và cá con, cùng đó bóng mát của lá sen sẽ trở thành nơi trú ẩn lý tưởng trong mùa nóng cho cá.

Người ta vẫn nói “trời không phụ người có công”, mô hình trồng sen của chàng sinh viên năm nào giờ đã phát triển và được rất nhiều người biết đến và về tận nơi tìm mua những bông hoa sen Bạch Liên trắng ngần để làm đẹp cho không gian gia đình. Đặc biệt hiện nay, Khánh sẽ tìm hiểu học tập các mô hình du lịch sinh thái để phát triển trên tiềm năng đã có như hình thành các khu chụp ảnh cho các bạn trẻ; khu thưởng trà cho người lớn tuổi; khu trưng bày và bán sản phẩm để du khách có được sản phẩm từ hoa sen chất lượng, an toàn ngay tại điểm du lịch.

Rất nhiều du khách vô cùng hứng thú với trải nghiệm cùng các nghệ nhân hái sen và ướp trà sen tại vườn – một công việc cầu kỳ nhưng không kém phần thi vị: buổi sáng từ 4h30-7h có thể đi thuyền cùng công nhân hái sen hồng Bách Diệp vì loại này phải thu trước lúc mặt trời mọc, bông vừa hé mở mới giữ được nguyên hương. Sau khi hái xong thì khách về làm trà sen cùng các nghệ nhân bằng cách thả trà vào từng bông sen rồi gói lại bằng lạt. Từ 7h-9h phải buộc xong hoa, cắm vào trong nước, nuôi chúng qua đêm, sớm hôm sau mới cắt rời cuống ra, hút chân không, cho vào cấp đông bảo quản. Trà Tân Cương của Thái Nguyên là hợp nhất để ướp sen, mỗi kg cần chừng 60 bông sen. Loại trà này chúng tôi đang bán 1,2 triệu/kg. Cầu kỳ hơn là dòng trà ướp khô đúng kiểu cổ truyền, phải hái bông sen, tách riêng phần gạo trong đó, rải cứ mỗi lớp trà là mỗi lớp gạo rồi đem hấp cách thủy. Phải mất 1.500 bông sen mới được 1kg trà, lại mất hơn 20 ngày mới làm xong 1 mẻ, với nhiều công đoạn cầu kỳ như vậy nên giá bán cỡ 8-10 triệu/kg. Loại trà đặc biệt này hướng đến khách hàng cao cấp hay gửi đi nước ngoài làm quà tặng.


Bạn Lã Xuân Thanh giới thiệu về trà sen trong dịp Festival nông sản, sản phẩm OCOP năm 2022 tại huyện Mê Linh  - Hà Nội
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc trồng sen kết hợp nuôi cá, thả vịt khi hết mùa sen mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chàng thanh niên trẻ. Tận dụng được tất cả các tài nguyên và lợi thế trên đầm sen. Cây sen không dùng thuốc bảo vệ thực vật cho nên có thể  tận dụng nhiều bộ phận như ngó sen, củ sen, lá sen, hoa sen để chế biến thành các loại trà sạch như trà ướp sen, tâm trà sen, hạt trà sen, trà lá sen… Ngoài ra sen còn là gia vị, thành phần của những món ẩm thực rất độc đáo như kẹo sen, nộm ngó sen, củ sen hầm thuốc Bắc; cá dưới đầm sen cũng không nuôi bằng thức ăn công nghiệp nên rất thơm ngon. Vịt thả trên đầm nên thịt của chúng cũng rất chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá: "sản phẩm hoa sen, trà sen tuy mới phát triển nhưng đã được huyện Mê Linh rất quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu và đưa đi các hội nghị, hội chợ để quảng bá, giới thiệu. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trên địa bàn mong muốn tiếp cận mô hình kinh tế mới, có tiềm năng giá trị cao ở nông thôn". Bên cạnh đó, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cũng cho rằng, muốn phát triển bền vững nghề trồng sen, huyện Mê Linh cần nghiên cứu định hướng phát triển để hình thành một làng nghề.


Trong dịp Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 vừa qua, Lã Xuân Khánh vinh dự và tự hào là một trong những đại biểu tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ thanh niên sáng tạo dám nghĩ, dám làm tham gia Đại hội. Đại hội Đoàn vừa qua cũng đã bàn thảo đưa ra nhiều quyết sách hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong học tập, nghề nghiệp việc làm, lập thân, lập nghiệp và nhất là khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

= = = = = 
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây