trongdong
text logo

LÀNG NGHỀ TRẠCH XÁ – 1.000 NĂM GIỮ LỬA CHO NHỮNG TÀ ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG

Tác giả bài viết: Linh Bảo

Thứ tư - 14/06/2023 21:10
Ngôi làng với 90% người dân sinh sống bằng nghề may áo dài truyền thống, làng Trạch Xá hàng nghìn năm luôn tự hào vì đã từng may áo cho vua quan thời nhà Nguyễn. 90% các công đoạn của việc may áo dài được làm thủ công với các đường kim, mũi chỉ tỉ mỉ, thẳng tắp tạo nên những chiếc áo dài mềm mại, thướt tha, khoe được các nét duyên dáng, quyến rũ của người phụ nữ Việt Nam.
Làng Trạch Xá, tên Nôm là Trầm Che, đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Trầm Lộng, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng; đầu thế kỷ XX thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông; nay là thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Ngôi làng này cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km.         
TX1
Làng Trạch Xá, xã Hoà Lâm, huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội cách trung tâm thành phố Hà Nội 45km
Sự ra đời của làng nghề may Trạch Xá

Theo lời kể của các nghệ nhân trong làng, bà Tổ nghề may của làng là bà Nguyễn Thị Sen. Gia đình bà có nghề tầm tang canh cửi. Vào tuổi trăng tròn bà là người con gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, giỏi giang việc trồng dâu, dệt vải, may mặc, thêu thùa.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân là lên làm vua, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử đất nước. Vùng đất Sơn Nam nổi tiếng có nhiều người giỏi, Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt và bà Nguyễn Thị Sen đã trở thành thứ phi của vua Đinh Tiên Hoàng. Trở về kinh đô Hoa Lư, bà được vua phong là Tứ Phi (năm 969).

Với trí thông minh, sự khéo léo và sáng tạo, bà đã làm nên các mẫu quần áo của hoàng đế, cung phi, hoàng thân, quốc thích... Bà dạy các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ phát triển nghề may trong cung.

Năm 979, bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã hoàng cung về Trạch Xá sau khi Đinh Tiên Hoàng và con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễu bị sát hại. Bà truyền dạy nghề may cho nhân dân trong làng, để rồi nghề may được cha truyền con nối, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau và trở thành nghề truyền thống của làng. Ngày 12 tháng Chạp cũng là ngày mất của bà được lấy làm ngày giỗ tổ nghề nghề may Việt Nam và ngày 4 tháng Giêng là ngày khai kim, khai kéo, để các con cháu đi làm ăn ở nơi xa.
TX2
Lễ giỗ Tổ nghề may tại làng Trạch Xá
Kỹ thuật may áo dài Trạch Xá

Để may được một chiếc áo dài đẹp đòi hỏi thợ may phải rất kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến họa tiết trang trí. Một trong những nét độc đáo của áo dài Trạch Xá là được may thủ công mà mũi chỉ vẫn đều, thẳng tắp, tà áo mềm mại, thướt tha, khoe được nét duyên dáng, quyến rũ của phụ nữ Việt Nam.

Điều này đòi hỏi người thợ may phải đo và cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi”. Đặc biệt là kỹ thuật khâu tay dọc, rất khó, là bí quyết mà chỉ người trong làng mới biết. Người Trạch Xá cầm kim mà như không cầm. Lúc khâu, ngón trỏ bàn tay phải người thợ có nhiệm vụ giữ chắc mũi kim, đồng thời dùng lực ngón giữa của tay phải đẩy cây kim còn các các ngón tay trái sẽ làm nhiệm vụ điều chỉnh vải và điều hướng cho mũi kim bằng cách chuyển động mặt vải lên xuống nhịp nhàng. Với kiểu cầm kim tay dọc, người Trạch Xá khi khâu áo không hề nhìn thấy kim. Sản phẩm sau khi hoàn thiện, mép trong áo không lộ đường chỉ mà phẳng như dán hồ, còn mặt ngoài vải, có các mũi chỉ thằng hàng, đều tăm tắp như phô trứng rận.
TX3
 
TX4
Làng nghề Trạch Xá có những nghệ nhân vinh dự được may áo cho vua quan trong triều đình nhà Nguyễn. Đặc biệt nghệ nhân Tạ Văn Khuất mặc dù khi mới 30 tuổi đã may được áo cho vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng Hậu cho dù chỉ được đứng từ xa để ước lượng. Trải hàng trăm năm, nghề may đã gắn bó với nhân dân làng Trạch Xá. Nhiều thế hệ người thợ của Trạch Xá tay nghề cao đã vượt ra khỏi lũy tre làng đi mở cửa hàng, cửa hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và đặc biệt là có mặt ở khắp nơi ở Hà Nội.
TX 5
Nghệ nhân Đỗ Minh Tám đang may áo dài rất tỉ mỉ với từng đường kim mũi chỉ
Lưu giữ và phát triển làng nghề may truyền thống Trạch Xá

Trải qua một quá trình lịch sử đầy biến động, đã từng có thời điểm làng Trạch Xá đứng trước nỗi lo mất nghề, chiếc áo ngũ thân được ưa chuộng gần 1 thế kỷ cũng dần bị biến mất.

Sau năm 1975 áo truyền thống gần như không còn xuất hiện trong cuộc sống của người Việt. Thay vào đó là sự chiếm lĩnh thị trường của các loại áo dài cách tân mới với nhiều kiểu dáng khác nhau. Những người thợ trước đây sống bằng nghề may áo ngũ thân cũng đã từng đứng trước thời kỳ khủng hoảng, số phận làng nghề chịu chung với chế độ nên chỉ có thể tồn tại một cách lay lắt. Nhưng vượt qua những tháng năm gian khó, làng Trạch Xá vẫn trường tồn để tiếp tục tạo ra những sản phẩm áo dài truyền thống mang những tinh hoa của người Việt.
TX 6

Nghề may vá xưa nay vốn chỉ dành cho phụ nữ, thế nhưng đối với Trạch Xá, nghề may lại chỉ được truyền cho con trai. Lý do là trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, người dân phải đi xa để may áo dài cho những nơi có lễ hội, đến khi nào kết thúc công việc mới trở về, mà đi làm nơi xa thì phụ nữ không thể đi, nên buộc phải ở nhà cho nam giới đi. Trong thời gian đó chỉ có phụ nữ, người già, trẻ nhỏ ở nhà. Do đó, một thời gian dài, làng Trạch Xá còn được xem là “Làng đàn ông may áo dài”. Khi xã hội thay đổi quan niệm, người phụ nữ đã được bình đẳng làm nghề như nam giới.

Hiện nay, Làng Trạch Xá hiện có khoảng 540 hộ thì 90% số hộ dân sinh sống bằng nghề may áo dài. Nghề may áo dài được cha truyền con nối, vì thế mà nghề được bảo tồn và phát triển qua các thời kỳ. Trẻ con trong làng từ 6-7 tuổi đã được làm quen với việc may, đo, đến khi 15-16 tuổi là có thể tự may được một chiếc áo dài truyền thống. Muốn học được nghề thành thạo, các thợ may phải mất từ 3-5 năm. Nhiều gia đình gắn bó với nghề may áo dài từ đời này sang đời khác, 3-4 thế hệ.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội: "sự phát triển làng nghề Trạch Xá đã tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả lao động già cả, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề  Trạch Xá còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác". 


Năm 2004, làng Trạch Xá được UBND tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) công nhận là “Làng may áo dài truyền thống”. Trong làng, có rất nhiều thợ giỏi được công nhận là nghệ nhân. Sản phẩm của làng Trạch Xá đã tham dự nhiều hội chợ làng nghề của Hà Nội. Hiện, Trạch Xá không chỉ là một làng nghề truyền thống mà còn là địa điểm văn hóa thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

 Để nhớ về nguồn gốc của nghề, các hiệu may ở làng nghề đã lấy tên cửa hiệu như Mỹ Trạch, Vạn Trạch, Phương Trạch, Đức Trạch, An Trạch… làm nên thương hiệu của phố nghề. Các phố nội đô như Khâm Thiên, Lương Văn Can, Cầu Gỗ đều do những người con của Trạch Xá làm chủ đã từng bước khẳng định được thương hiệu “Áo dài Trạch Xá” với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
TX 7
Ngày nay, làng nghề Trạch Xá không chỉ may đo áo dài mà còn may áo bông, áo kép, làm khăn, chăn, ga, gối,... để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và một số nước châu Á. Để đủ điều kiện xuất hàng vào thị trường châu Âu khó tính, những người dân làng nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt về mặt chất liệu và kỹ thuật. Toàn bộ hàng phải làm bằng chất liệu thuần Việt với các họa tiết và kỹ thuật thủ công là chủ yếu.

Trước những biến động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu áo dài từ các vùng miền khác nhau, nhưng các thế hệ Trạch Xá vẫn ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo để gìn giữ, phát triển và khẳng định chỗ đứng của “Áo dài Trạch Xá” không chỉ trong nước mà còn góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa Việt Nam, nét đẹp phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
------
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây