Ba Vì là một xã miền núi của huyện Ba Vì – TP. Hà Nội, phía bắc giáp xã Ba Trại, phía đông giáp xã Tản Lĩnh, phía tây giáp xã Minh Quang và phía nam là núi Ba Vì. Người dân nơi đây gồm 3 dân tộc: Kinh, Mường, Dao với 2.378 người, trong đó phần lớn là người Dao với 98% dân số, định cư ở ba thôn Hợp Nhất, Yên Sơn và Hợp Sơn.
Người Dao ở Ba Vì thuộc nhóm Dao Quần Chẹt, di cư từ Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Phú Thọ đến núi Ba Vì để tìm kế mưu sinh bởi nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Đến Ba Vì, họ cư trú trên sườn núi Ba Vì và sống chủ yếu bằng đốt rừng làm nương. Sau cuộc vận động hạ sơn năm 1968, đặc biệt từ khi Nhà nước có quyết định thành lập Khu bảo tồn vườn Quốc gia Ba Vì năm 1990 thì toàn bộ người Dao đang sống rải rác trên núi đều được chuyển xuống định cư quanh chân núi Ba Vì. Người Dao được nhà nước giao đất để trồng trọt, họ đã thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ phá rừng làm rẫy sang trồng và bảo vệ rừng, biết tận dụng nghề thuốc nam để phát triển kinh tế. Cho đến nay, cuộc sống của người Dao ở Ba Vì đã phát triển hơn trước, tỉ lệ hộ nghèo giảm. Thu nhập bình quân đạt: 52 triệu/ người/ năm.
Mặc dù là một xã miền núi, điều kiện kinh tế có phần khó khăn nhưng với những gì thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu trong lành, mát mẻ, sự phát triển đa dạng của các loài thực vật trong đó có những loại dược phẩm vô cùng quý hiếm, người dân Ba Vì đã tận dụng những tiềm năng, lợi thế về tự nhiên mà đã trồng và phát triển rất nhiều nguồn dược liệu quý. Do đó mà mỗi khi nhắc đến xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội mọi người sẽ không khỏi nhắc đến vùng đất có truyền thống chữa bệnh bằng cây thuốc Nam và bảo tồn được rất nhiều nguồn dược liệu quý.
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng các bài thuốc đã được cải tiến đa dạng thành nhiều dạng tiện lợi hơn mà vẫn giữ được công dụng của thuốc như nấu cao, nghiền thành bột, thuốc nước để nhỏ, thuốc đắp. Ngoài phương thức chữa bệnh tại chỗ, các bài thuốc Nam của Ba Vì hiện nay còn theo chân thầy lang rong ruổi khắp các chợ phiên trong vùng, đến cả các tỉnh lân cận như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh…
Trước sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, nghề thuốc Nam nơi đây cũng gặp không ít khó khăn. Muốn hội nhập xã hội, gia nhập vào thị trường lớn hơn với các khách hàng khó tính hơn cả trong nước lẫn quốc tế thì buộc những người làm thuốc nam phải thay đổi: thay đổi về tư duy, về quy trình sản xuất, bảo chế phải tuân thủ các quy trình và đạt tiêu chuẩn, thay đổi về mẫu mã, bao bì sản phẩm, gắn công nghệ QR truy vết nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và các loại giấy tờ khác minh chứng chất lượng sản phẩm…. Tất cả những điều đó đang khiến người dân, những người làm thuốc Mam ở Ba Vì gặp khó khăn và lúng túng trước sự thay đổi và yêu cầu của thị trường.
Trong bối cảnh ấy, có một số cá nhân, doanh nghiệp tại địa phương đã tiên phong trong việc bảo tồn nguồn dược liệu quý này, chuẩn hoá các sản phẩm nam dược của Ba Vì đồng thời đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, trong đó có vợ chồng Lương y Lăng Thị Châm. Họ là một trong những người tiên phong thành lập nên Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn.
Bà Lăng Thị Châm - Chủ tịch Hồi đồng quản trị HTX Nam dược Tản Viên Sơn. Ảnh: Hồng Đạt.
Được sinh ra trong gia đình nhiều đời làm thuốc Nam, Lương y Lăng Thị Châm hàng ngày theo mẹ lên rừng hái thuốc và được dạy về tác dụng chữa bệnh của các loài cây. Nhận thấy giá trị từ những bài thuốc Nam, bà đã cùng một số người tâm huyết, tiên phong thành lập Hợp tác xã thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao tại thôn Yên Sơn (xã Ba Vì). Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa sản phẩm thuốc đến với thị trường Thủ đô và các tỉnh, bà cùng các cộng sự quyết định phát triển nguồn cây dược liệu. Cùng với đó, Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn chủ động đầu tư nhà máy sản xuất thuốc Nam hiện đại tại thôn Bát Đầm (xã Tản Lĩnh) giáp thôn Yên Sơn và đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP).
Nhà máy hiện đại của HTX. Ảnh: Tư liệu
Với hướng đi riêng, đến nay, thuốc cao của Hợp tác xã được cô đặc bằng nồi nấu chân không kết hợp pha chế trong các bồn hút chân không, sản phẩm bảo đảm an toàn theo quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín. Đặc biệt, Hợp tác xã cũng xây dựng các phòng nghiên cứu vi sinh, hóa lý và tuyển dụng nhiều bác sĩ, nhà nghiên cứu thuốc, hóa sinh có trình độ, kiến thức chuyên môn cao nhằm cung ứng ra thị trường sản phẩm thuốc Nam đạt tiêu chuẩn của ngành Y tế.
Đóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn (huyện Ba Vì). Ảnh: Thu Hằng
Nhờ những thích ứng nhanh chóng trong việc kết hợp khoa học công nghệ vào trong sản xuất sản phẩm thuốc Nam từ những bài thuốc gia truyền của người Dao tại Ba Vì, Hợp tác xã Nam Dược đã sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang thương hiệu "Tản Viên Sơn" được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Một số sản phẩm của Hợp tác xã được đánh giá đạt chuẩn OCOP 4 sao như Trà bổ thận, Cao dưỡng khớp, Bổ phế, nước rửa An nữ nhi và dầu gội từ thảo dược An nữ nhi.
Đánh giá về tình hình phát triển nông nghiệp nông thôn của Ba Vì hiện nay, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Hiện Ba Vì đang tập trung phát triển kinh tế tập thể, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, phát huy những mô hình kinh tế trọng điểm, phấn đấu trở thành huyện NTM trước năm 2025. Theo đó, Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị giúp xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Nhiều HTX trên địa bàn, tiêu biểu là HTX Nam dược Tản Viên Sơn có những hoạt động hiệu quả đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn".
Để nguồn dược liệu thuốc Nam đến với đông đảo khách hàng, người bệnh, hiện nay HTX Nam Dược Tản Viên Sơn đã và đang phát triển mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây thuốc Nam tại địa phương. Cụ thể, du khách đến nơi đây có thể trải nghiệm các phương thức sản xuất thuốc truyền thống từ hái lá, thái, sơ chế, phơi, chế biến thủ công… và cách thức chữa bệnh cũng như hiểu thêm về các loại thuốc quý, thêm trân trọng những tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc nước ta. Đặc biệt, với việc được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm của Hợp tác xã sẽ được quảng bá và mở rộng thị trường hơn nữa…
Thuốc Nam là tài sản quý giúp bảo vệ sức khỏe cho con người. Việc bảo tồn, phát triển nghề thuốc Nam không chỉ góp phần bảo đảm sinh kế cho người dân tộc Dao ở huyện Ba Vì mà còn bổ sung vào kho tàng thuốc Nam của cả nước. Sự thay đổi trong tư duy, phương thức sản xuất sẽ là cú hích để giữ gìn, phát triển cây dược liệu, bài thuốc quý, chuẩn hóa các bài thuốc dân tộc, góp phần phát triển bền vững cây thuốc Nam nói riêng và dược liệu Việt nói chung. Xây dựng sản phẩm đặc trưng của huyện Ba Vì, vươn tới tầm cao hơn nữa.
= = = = =
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI