trongdong
text logo

Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca Mnông

Tác giả bài viết: Anh Thư- Hoàng Hà

Thứ năm - 06/07/2023 22:19

Dân ca Mnông hay còn gọi là Nau M’pring ở Đắk Nông là hình thức diễn xướng dân gian (không có nhạc đệm) được người M’nông sáng tác, bắt nguồn từ lao động sản xuất, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phong phú về thể loại như: hát ru con, hát khấn thần trong các nghi lễ, hát đố, hát đồng dao, hát giao duyên, hát múa, hát khóc… Cách thể hiện thường có 2 hình thức là độc diễn và hát đối đáp: giao duyên nam nữ hoặc những người lớn tuổi với nhau.

Dân ca Mnông - Di sản văn hóa phi vật thể vô giá của người M'nông

Dân tộc Mnông có khoảng 103.000 người được biết đến là một trong những dân tộc cư trú lâu đời ở vùng đất Tây Nguyên, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, Đắk Nông. Trải qua quá trình lịch sử lâu đời, người Mnông có nền văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm đà bản sắc phong phú về loại hình, hàm chứa giá trị lịch sử, văn hóa xã hội, trong đó nổi bật là dân ca.

1
Dân ca của người M’Nông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh:BĐN

 

Năm 2020, Dân ca của người M'nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Dân ca M'nông chính là hình thức giao tiếp giữa con người với thế giới siêu nhiên, hát về tình yêu đôi lứa, ca ngợi những chàng trai anh dũng chống lại cái ác để bảo vệ buôn làng, thiên nhiên tươi đẹp. Dân ca M'nông bảo vệ và trao truyền các tri thức về tự nhiên, xã hội và con người như: các hiện tượng nắng, mưa, gió, bão, sấm sét, đêm ngày, núi rừng, sông suối, ao hồ, đầm lầy, trời đất...; ứng xử với tự nhiên trong lao động sản xuất, săn bắt, hái lượm...; ứng xử giữa con người với nhau; về văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

1 1
Nghệ nhân biểu diễn và truyền bá dân ca Mnông cho thế hệ trẻ 

 

Bên cạnh đó, dân ca M'nông góp phần cố kết cộng đồng, giáo dục các thế hệ về ý thức cội nguồn dân tộc, bản sắc tộc người, đạo đức trong gia đình và trong cộng đồng, tình yêu đôi lứa, trao truyền kinh nghiệm lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau.

Mặc dù, không có nhạc đệm, nhưng dân ca M'nông đa dạng về thang âm và giữ được những nét đặc trưng rất riêng so với các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian khác. Hình thức truyền miệng dân ca vẫn là phương thức lưu truyền, phổ biến trong cộng đồng.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông thống kê có khoảng 170 người biết hát dân ca M'nông, trong đó, có khoảng 20 nghệ nhân thường xuyên thực hành và truyền dạy dân ca Mnông.

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Mnông

Đối với đồng bào người dân tộc M'nông, dân ca đã trở thành chỗ dựa tinh thần mỗi khi người dân gặp khó khăn hay vui buồn. Nó như một lời tự sự, ước vọng, khao khát về một ngày mai tươi sáng hơn. Do đó, đồng bào nơi đây luôn mong muốn gìn giữ và phát huy nét văn hóa độc đáo lâu đời này. 

Để dân ca M'nông không bị mai một, ngành văn hóa tỉnh Đắk Nông đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này. Ngoài việc mở các lớp truyền dạy dân ca, thành lập các đội văn nghệ dân gian..., ngành văn hóa và các huyện, thành phố còn tổ chức sưu tầm, thu âm, quay phim, chụp hình, phỏng vấn già làng, nghệ nhân am hiểu về dân ca và các bài dân ca của người M'nông để lưu giữ. Đến nay, ngành văn hóa đã thu âm hơn 80 bài dân ca M'nông.

Bên cạnh đó, có rất nhiều nghệ nhân nhân dân nổi tiếng không chỉ tham gia biểu diễn mà còn tích cực góp công sức trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Trong đó, khoảng 20 nghệ nhân có thực hành và truyền dạy dân ca M’nông. 

1 2
Nghệ nhân Y Glơi Bkrông có công rất lớn trong việc giữ gìn và truyền bá dân ca Mnông. Ảnh: Internet

 

Trong những năm qua, địa phương đã xây dựng được 4 chương trình hoạt động cho hai bon văn hóa điển hình là bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) và bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (TP. Gia Nghĩa). Bên cạnh tổ chức 14 lớp truyền dạy dân ca tại các huyện, thành phố với 300 người tham gia, hiện đã có 7 đội văn nghệ dân gian điểm được thành lập.

Đặc biệt, tại xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) Dự án “Giải pháp góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc bảo tồn và lưu truyền nét đẹp dân ca M’nông tại trường THCS Lương Thế Vinh” của cô giáo H’oắt đã đoạt giải A cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, giải khuyến khích cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2022-3023 và áp dụng hiệu quả thực tiễn.

Dưới sự dẫn dắt của cô giáo H'oắt, Câu lạc bộ dân ca M’nông được thành lập, thu hút đông đảo học sinh tham gia sinh hoạt. Nhiều học sinh không phải là người M’nông nhưng vẫn tích cực tham gia tập luyện, thuộc và hát những điệu dân ca M’nông được đặt lời mới theo tiếng Việt.

Hàng năm, tại một số địa phương đã tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, lễ hội, giao lưu văn nghệ tạo sân chơi giao lưu cho các các nghệ nhân và tạo điều kiện đưa các đoàn nghệ nhân tham gia các cuộc thi, hội diễn do các cấp ngành tổ chức, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca M'nông.

Việc nỗ lực bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể dân ca M'nông là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua việc lưu giữ, bảo tồn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng, xây dựng đời sống tinh thần, nâng cao nếp sống văn hóa, xây dựng một cuộc sống cho đồng bào ngày càng tươi đẹp hơn./.

Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây