Tác giả bài viết: Thanh Thanh
Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: Nguyễn Tư Giản thuộc lớp nhà nho đã đặt nền móng cho những tính cách tiêu biểu của người Hà Nội hôm nay, như đức tính hiếu đễ; hiếu học; vượt khó vươn lên; đền ơn, đáp nghĩa những người vì dân vì nước, vì Hà Nội; đề cao tinh thần thống nhất non sông…
Phố Nguyễn Tư Giản là một con phố ở bờ hữu sông Hồng, ngoài bãi Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Tên danh nhân được đặt cho con phố ấy chính là Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890). Ông vốn tên là Nguyễn Văn Phú, tự Tuân Thúc, bút hiệu Thạch Nông, Vân Lộc là người làng Du Nội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. Tên Tư Giản là do Vua Tự Đức ban. Nguyễn Tư Giản là người văn tài “ít có người bằng” – như Vua Tự Đức đã có lần hạ dụ. Ông là người thông minh, tài chí và đầy nghị lực: 5 tuổi mồ côi mẹ, 11 tuổi mồ côi cha, 22 tuổi đỗ đại khoa. Tuổi thơ của ông gắn liền với Hà Nội 36 phố phường cổ: Ông theo học cụ nghè Vũ Tông Phan ở thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên, sống ở nhà ông ngoại ở phía Bắc thành, gần chùa Phổ Quang, lớn hơn một chút ông ra sống riêng ở phố Hàng Bồ…
Sau khi đỗ Hoàng Giáp năm 22 tuổi, Nguyễn Tư Giản được bổ làm quan, đến Thượng thư bộ Lại sung Cơ mật viện đại thần thời vua Tự Đức. Ông làm quan gần 40 năm, phục vụ bảy đời vua nhà Nguyễn. Ông đã từng được Vua giao đi sứ Trung Quốc.
Di cảo mà Nguyễn Tư Giản (Thạch Nông tiên sinh) để lại là 12 tập thơ, 8 tập văn cùng rất nhiều liễn đối, tiêu biểu như các tác phẩm: Thạch Nông thi văn tập, Thạch Nông tùng thoại, Yên Thiều thi thảo…Đáng lưu ý trong đó có nhiều bài thơ, câu viết thể hiện tình cảm, niềm tự hào về Hà Nội và người Hà Nội của ông, với tiếng gà Thọ Xương, chùa Phổ Quang, trường học nghè Tự Tháp, miếu Trung Liệt…Tiêu biểu như bài: Xuân mới đi chơi phố, Nhà tôi ở bắc Nhị Hà…:
Ba bậc người giỏi có khí hạo nhiên
Mỗi người một địa vị đều liều mình vì nghĩa
Sông Nhị không có hàng tướng
Núi Nùng có nhiều vĩ nhân
Dân mãi về sau còn rơi lệ
Việc đã qua thêm chua cay
Chốn này xưa là nơi nhà học
Nay thấy ngôi miếu mới dựng lên.
(Nhà tôi ở Bắc Nhị Hà)
Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: Nguyễn Tư Giản thuộc lớp nhà nho đã đặt nền móng cho những tính cách tiêu biểu của người Hà Nội hôm nay, như đức tính hiếu đễ; hiếu học; vượt khó vươn lên; đền ơn, đáp nghĩa những người vì dân vì nước, vì Hà Nội; đề cao tinh thần thống nhất non sông; Hà Nội vì cả nước, cả nước với Hà Nội. Bài thơ tiễn bạn về Nam – nơi đang còn bị quân Pháp đô hộ, Nguyễn Tư Giản ao ước:
Bao giờ Bến Nghé lại trong
Cho dòng sông Nhị vang lừng khải ca…
Tài văn thơ của ông là được thừa hưởng từ ông nội Nguyễn Án – một bậc danh nho, dòng dõi họ Nguyễn làng khoa bảng Vân Điềm ( tương truyền họ Nguyễn này vốn là dòng dõi Vua nhà Lý). Ông Nguyễn Án là đồng tác giả với Phạm Đình Hổ trong cuốn sách “Thương tang ngẫu lục” viết về lịch sử, danh thắng, phong tục của đất Thăng Long – Hà Nội cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn.
Chân dung danh nhân Nguyễn Tư Giản
Nhắc đến Nguyễn Tư Giản, người ta vẫn nhắc đến một người yêu Hà Nội, yêu quê hương và thương dân vô cùng. Ông yêu làng Du Nội bên sông Thiên Đức (sông Đuống) tươi đẹp, bình yên đến nỗi nhiều đêm trong lầu son gác tía giữa kinh thành Huế mà không sao chợp mắt được .
Năm 1857, Nguyễn Tư Giản xin phép nhà Vua về quê, thấy nước sông Hồng, sông Đuống dâng cao, dân bỏ quê ly tán khắp nơi, ông càng thấy thương dân, thương quê. Trở về Huế, ông dâng một tờ sớ đầy thống thiết tâu với nhà vua về tình cảnh dân chúng ngoài Bắc mùa mưa lụt; đồng thời kèm theo 10 điều về việc trị thủy, đắp đê phòng lụt. Bản điều trần (Điều trần trị hà sự nghị) đầy công phu, tâm huyết ấy của ông đã thuyết phục được vua Tự Đức cùng các quần thần. Hơn 150 năm trôi qua, nhiều điều trong đó vẫn còn nguyên giá trị. Như: Đắp đê dọc biển; Nạo vét cửa bể; Khơi thông dòng chảy; Đào các sông nhánh để giữ dòng chính,;Dự trữ tiền gạo để có sẵn chi phí; Trả công hậu hĩnh cho những người tham gia đắp đê; Quyên góp cho việc hộ đê… Nhờ có những giải pháp trị thủy ấy mà đến nay Hà Nội mới có những con đê thành lối xe đầy kỷ niệm của người Hà Nội và có ý tưởng xây dựng thành phố bên sông Hồng…
Phố Nguyễn Tư Giản, quận Hoàn Kiếm
Làng Du Nội – Quê hương của danh nhân Nguyễn Tư Giản giờ khang trang, không bị lũ lụt
Nguyễn Tư Giàn còn được nhắc đến khi ông cùng nhiều danh sĩ cùng thời dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị một chương trình canh tân đất nước như cho mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài để học kỹ nghệ mới lạ. Ngoài ra, tư tưởng canh tân đất nước của Nguyễn Tư Giản còn nhằm vào việc cải cách bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước mà trước hết và trọng tâm là thải bớt quan lại nhàn tản, xây dựng đội ngũ quan lại tài năng và thanh liêm, trả lương thích đáng để họ yên tâm làm việc…Ông còn là một nhà sử học, người đã tham gia biên soạn bộ sử lớn của nhà Nguyễn là Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
Ngoài Hà Nội, tên của danh nhân Nguyễn Tư Giản còn được đặt cho nhiều đường phố, trường học ở nhiều địa phương trong cả nước.
Nguồn tin: sovhtt.hanoi.gov.vn