Tác giả bài viết: Hoàng Hà
Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Sa Pa là điểm đến lý tưởng quanh năm. Ngoài vẻ đẹp những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín, Sa Pa còn hút khách nhờ các sản phẩm của thổ cẩm Lan Rừng tinh xảo. Thổ cẩm Lan Rừng được thêu tay và dệt thủ công bằng khung cửi. Các mẫu mã hoa văn được lấy nguyên mẫu từ kho tàng hoa văn của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy…
Du khách đến với Sa Pa (Lào Cai), thường được người dân địa phương dẫn đến mua các sản phẩm thổ cẩm thủ công của Hợp tác xã (HTX) Lan Rừng, với các sản phẩm đa dạng và phong phú như trang phục truyền thống của các dân tộc, túi, khăn, gối… được thêu dệt tỉ mỉ và vô cùng khéo léo, tinh xảo.
Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng (Lan Rừng) có tiền thân là HTX thổ cẩm Lan Rừng, hình thành và phát triển cách đây hơn 15 năm, với khởi điểm ban đầu chỉ có vài chục xã viên. Sau 15 năm hoạt động, Lan Rừng đã có hơn 100 xã viên tham gia. Chủ yếu các xã viên ở các bản Tả Van, Tả Phìn, Trung Chải, Lao Chải và bản Cát Cát.
Các sản phẩm của Lan Rừng đều làm thủ công rất tinh xảo, được thêu tay và dệt bằng khung cửi. Các mẫu mã hoa văn được lấy nguyên mẫu từ kho tàng hoa văn của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Xa Phó, mang đậm nét văn hóa của các dân tộc nơi đây. Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thổ cẩm của Lan Rừng là sợi cây đay (cây lanh) có sẵn tại địa phương. Để có sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều các công đoạn tỉ mỉ và vô cùng kì công như tuốt đay, se sợi, dệt, nhuộm vẽ sáp ong, thêu... Ngày nay, một số làng nghề thổ cẩm đã hiện đại hóa việc dệt nhuộm bằng các loại máy móc thì tại Công ty Lan Rừng vẫn giữ được quy trình sản xuất truyền thống. Sản phẩm của Công ty không chỉ dựa trên cơ sở kinh nghiệm thêu dệt truyền thống của các dân tộc mà còn được tìm tòi, bảo tồn và cải tiến hoa văn, mẫu mã để đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
Nhờ đó, các loại sản phẩm thổ cẩm của Lan Rừng dần từng bước tiếp cận với thị trường và được đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế đón nhận. Sản phẩm thổ cẩm Lan Rừng đa dạng và phong phú, không chỉ phù hợp mua làm quà lưu niệm như trang phục truyền thống các dân tộc, túi, khăn, gối… Bên cạnh đó, Lan Rừng còn cải tiến mẫu mã từ những chất liệu thổ cẩm thô sơ trở thành những mặt hàng vô cùng đặc sắc dùng để trang trí nội thất cho nhà hàng, khách sạn.
Hiện, Lan Rừng còn nhận may đồng phục cho ngành dịch vụ. Bên cạnh những sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống còn có những sản phẩm cách điệu có sự kết hợp hài hòa giữa hoa văn truyền thống với kiểu dáng hiện đại, nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Được biết, vào cuối năm 2016, Lan Rừng đã phối hợp với UBND huyện Sa Pa, Trung tâm dạy nghề Phú Minh tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề thêu dệt thổ cẩm cho bà con các dân tộc ở Sa Pa. Đến nay, các lớp dạy thêu, dệt, thổ cẩm, vẽ sáp ong nhuộm chàm vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, thu hút nhiều người dân tham gia.
Tính đến hiện tại, Lan Rừng đã tham gia triển lãm, hội chợ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Hà Giang, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh, Lai Châu, Phú Quốc, Quảng Ninh, Điện Biên...
Ông Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng cho biết, Sa Pa là mảnh đất du lịch gắn liền với hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng cao. Văn hóa thổ cẩm dường như cũng gắn liền với văn hoá địa phương từ đó. Trước đây, những sản phẩm chỉ đặc thù là quà tặng nhưng bây giờ nâng lên trở thành sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn. Đó là sản phẩm decor trang trí nội thất, làm sofa hay trang trí trong phòng khách sạn.
Không giống như nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác thường dễ tìm đường xuất khẩu, các sản phẩm của Lan Rừng khá khó khăn để xuất khẩu bởi nó có những đặc thù riêng. Cụ thể, do làm hoàn toàn thủ công nên hàng sản xuất ra không thể giống nhau hoàn toàn. Dưới tay nghề của bà con, chất lượng hàng hoá cũng không thể đồng đều 100%. Trong khi đó, để xuất khẩu được thì hàng hoá phải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn rất cao của thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính.
Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các sản phẩm thổ cẩm của Lan Rừng đã được nhiều du khách yêu mến, hiện nhiều sản phẩm đã “xuất ngoại” sang thị trường các nước như Úc, Mỹ theo một số đơn đặt hàng của du khách với các sản phẩm là đồ trang trí nội thất gia đình, nhà hàng, khách sạn, quà tặng lưu niệm. Thu nhập từ làm nghề thổ cẩm và phát triển du lịch đã giúp bà con nơi đây có cuộc sống ổn định hơn. Do đó, Lan Rừng đặt mục tiêu chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Bởi hiện nay, tại thị trường trong nước có rất nhiều khách hàng thích dùng sản phẩm thổ cẩm để trang trí nội thất. Đây là cơ hội để vừa tiêu thụ vừa quảng bá sản phẩm.
Hiện, Lan Rừng đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu như đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao năm 2020 là vỏ gối thổ cẩm, tranh thổ cẩm, túi thổ cẩm; 1 sản phẩm đạt OCOP 3 sao năm 2021 là bộ trang trí bàn ăn dân tộc Xa Phá. Thổ cẩm Lan Rừng đạt danh hiệu “Top 100 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng tại Việt Nam” năm 2016 do Bộ Công Thương tổ chức; Giải nhì thiết kế sản phẩm quà lưu niệm do tỉnh Lào Cai tổ chức... Theo chia sẻ, thời gian tới, Lan Rừng hướng tới xây dựng một khu đặc thù nghề, để cho học sinh, các bạn trẻ, du khách trong và ngoài nước đến đây được trải nghiệm cách làm nghề thổ cẩm như tập dệt, tập thêu hoặc tập vẽ sáp ong trên những tấm vải, tập nhuộm chàm… Khi làm ra những sản phẩm đó thì du khách cũng có thể là mang về để làm quà. Đây cũng là cách giúp vừa kinh doanh, vừa phát triển du lịch, đồng thời truyền bá được văn hóa thổ cẩm địa phương ra thế giới.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn