Nếu một ghé thăm Bangkok, thủ đô của Vương quốc Thái Lan thì bạn đừng nên bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm tour du lịch sông nước độc đáo, trên những du thuyền sang trọng, thưởng thức các dịch vụ ăn tối, giải trí thú vị, cùng ngắm nhìn những cung điện, đền đài cổ kính, phong cảnh thơ mộng, hữn tình bên dòng sông Chao Phraya huyền thoại đang lững lờ, êm ả trôi xuôi về phương Nam. Những cảm xúc đặc biệt cho một hành trình sông nước, ở đó chúng ta tạm quên đi những vất vả, lo toan trong cuộc sống hàng ngày để tận hưởng không gian văn hóa đặc sắc, hòa mình vào vùng đất mang dấu ấn lịch sử, tâm linh kỳ bí, cùng những sắc thái hiện đại của một đô thành sôi động, nhộn nhịp, đang phát triển bậc nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Chao Phraya, dòng sông của những huyền thoại
Giống như Hồng Hà hay Cửu Long ở Việt Nam, Chao Phraya là một trong những dòng sông chính, chảy qua 10 tỉnh/thành, là con đường thủy lưu, huyết mạch theo hướng Bắc - Nam ở Thái Lan, mang phù sa bồi đắp cho những vùng đồng bằng màu mỡ, tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, gắn với cuộc sống lao động nông, lâm, ngư nghiệp phong phú, sinh động của các cư dân.
Bắt đầu từ dòng hợp lưu giữa sông Ping và sông Nan tại tỉnh Nakhon Sawan, Chao Phraya uốn mình trên những đồng bằng rộng lớn, chạy qua các trung tâm, thị thành, cắt ngang thủ đô Bangkok và vươn mình tới Vịnh Thái Lan để kết thúc hành trình dài khoảng 372 km. Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, với những dòng chảy không gian, thời gian, khi êm ả, bình yên, khi dữ dội, mạnh mẽ, dâng trào…Chao Phraya là một nhân chứng thiên nhên sống động, ghi lại tất cả những câu chuyện kỳ thú từ huyền thoại đến lịch sử, từ quá trình lao động, sản xuất đến đời sống văn hóa, tâm linh, giá trị, để trở thành niềm tự hào và biểu tượng đặc biệt nhất của người dân Thái Lan.
Tên cổ xưa của Chao Phraya là Mae Nam (tiếng Thái: แม่น้ำ, Việt Nam gọi là Mê Nam) , ghép chung của từ “mae” có nghĩa là “mẹ” và “nam” nghĩa là “nước”. Ngay từ tên gọi “nước mẹ”, tên dòng sông đã biểu tượng cho nguồn sống, sự sinh sôi và trường tồn, đại diện cho một nền văn minh nông nghiệp cổ xưa dựa trên sông nước của người Thái.
Bến cảng sau chùa Wat Phra Kaew
Tương truyền, Chao Phraya góp phần tạo nên một trong những nền văn minh sớm nhất ở Đông Nam Á với sự thành lập của là vương quốc Mon cổ đại và nền văn minh Dvaravati rực rỡ từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XI. Sau này, phần hạ lưu Chao Phraya cũng trở thành khu vực phát triển kinh tế sầm uất và thành lũy tự nhiên quan trọng của Vương quốc Ayutthaya vào thế kỷ XIV. Bên cạnh đó, Chao Phraya đóng vai trong đặc biệt quan trọng trong việc thành lập thủ đô Thonburi dưới triều vua Taksin và Bangkok vào năm 1782.
Dưới triều đại của Rama IV (Mongkut) trị vì từ năm 1851 đến 1868, sông Chao Phraya đã được đầu tư, khai thác nhiều hơn cho các hoạt động thương mại, giao thông đường thủy và các công trình công cộng xung quanh được xây dựng, góp phần trực tiếp vào công cuộc cải cách Thái Lan theo tinh thần tiếp thu những ý tưởng, công nghệ tốt nhất của phương Tây phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong suốt hơn gần 200 năm nay, sông Chao Phraya đã gắn liền với sự phát triển của thủ đô Bangkok từ hoạt động quản lý đến chiến lược phát triển tạo nên động lực quan trọng cho một trong những thành phố có nhịp sống hiện đại, sôi động bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Ngày nay, người Thái còn gọi Chao Phraya là “con sông lớn”, “con sông của các vị thần”, “trái tim của thủ đô Bangkok”, “dòng sông của các vị vua huyền thoại” với sự ngưỡng mộ, tôn kính nhất như đối với Phật giáo và Hoàng gia trong văn hóa Thái Lan.
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều năm qua Chao Phray không chỉ là dòng sông mang biểu tượng tự nhiên, lịch sử, văn hóa, tâm linh mà con trở thành điểm đến khai thác du lịch hiệu quả đem lại sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ cho Thái Lan.
Từ những năm 1990, với tư duy khai phóng du lịch, chính quyền đã cho phép tổ chức các tour du lịch sông nước, đặc biệt lả hình thức du thuyền kèm dịch vụ ăn uống trên sông Chao Phraya. Trong khoảng thời gian này, du thuyền đêm Chao Phraya chủ yếu được tổ chức bằng các tàu gỗ thô sơ, những bữa tối được chuẩn bị là các món ăn đơn giản và dịch vụ hạn chế. Tuy nhiên cho đến nay, đã có hàng loạt công ty lớn khai thác dịch vụ “hái ra tiền” này bằng cách đầu tư hàng trăm du thuyền khác nhau để phục vụ du khách. Có không ít các dịch vụ 5 sao hình thành, tạo nên sự trải nghiệm sang trọng cho các cuộc hành trình, bao gồm ẩm thực và các chương trình giải trí đa văn hóa trên mỗi loại du thuyền Chao Phraya.
Với khoảng 30 km cắt ngang thủ đô Bangkok, sông Chao Phraya ngày nay được khai thác tuyến đường du lịch chạy qua các địa danh, thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô như Wat Arun (Chùa Bình Minh), Cung Điện Hoàng Gia, Wat Phra Kaew (Chùa Phật Ngọc)…các tòa nhà cao tầng nổi tiếng như Lebua State Tower, Banyan Tree Bangkok, Shangri La Hotel Bangkok, các di tích của khu vực Thonburi cổ kính, những cây cầu lớn như cầu đường sắt Rama VI, cây cầu dây văng không đối xứng, một cây cầu dây văng bán đối xứng, Cầu Mega…
Đền, chùa và ánh sáng đêm Chao Phraya
Đối với du khách quốc tế, du thuyền đêm trên sông Chao Phraya ở Bangkok từ lâu đã trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một thành phố mang dấu ấn đặc trưng phương Đông, từ những góc nhìn nhìn độc đáo trên sông nước.
Asiatique - Điểm đến đầu tiên hành trình
Tour đêm đường thủy Chao Phraya mới đầu không nằm trong lịch trình khám phá Bangkok của chúng tôi. Người bạn trong đoàn có thời gian học tập, lao động ở Thái Lan nói đùa rằng “nếu không book tour này thì coi như chưa đến Bangkok”. Sự hào hứng của người bạn qua những câu chuyện kể làm đoàn 18 thành viên chúng tôi nổi lên ý định tò mò về điểm đến “danh bất hư truyền” này. Việc thay đổi lịch trình, làm cho mỗi người trong chúng tôi phải chi phí 1500 Bath Thái (tương đương 1.140.000 Vnđ) để đặt kịp chỗ cho hành trình cùng Vela Cruise, khởi hành lúc 7 giờ tối từ bến tầu Asiatique.
Asiatique điểm đến đầu tiên của chúng tôi có tên đầy đủ là Asiatique The Riverfront là trung tâm mua sắm, giải trí nổi tiếng của Bangkok và là nơi tập kết, tổ chức các tour du thuyền Chao Phraya.
Từ trung tâm thương mại, mua sắm Siam - Bangkok, chúng tôi di chuyển đến Asiatique (cách khoảng 6-7 km) bằng xe khách do bên tour bố trí, trải nghiệm cảm giác một chiều cuối tuần ngắm cảnh tắc đường ở thủ đô Bangkok. Qua những câu chuyện của Tom, người dẫn đường đáng yêu của chúng tôi thì những ngày cuối tuần vẫn là những ngày “may mắn” khi lưu lượng xe trong nội thành giảm đáng kể so với ngày thường. Tom cũng cho biết từ Siam đến Asiatique sẽ có nhiều phương tiện di chuyển khác nhau như taxi, tàu diện trên cao, tàu thủy, xe buýt, xe Tuk-tuk (taxi truyền thống ba bánh, có mái che và ghế ngồi cho 2-3 người). Thời gian di chuyển nhanh hay chậm cũng phụ thuộc vào phương tiện và hiện trạng giao thông ở thành phố đông đúc với hơn 11 triệu dân này.
Anh Tom, anh Trung hai người dẫn đường và nhà báo Hàn Vũ Linh trên xe khách
Đúng 5 giờ chiều, chúng tôi đặt chân tới Asiatique và không bỏ lỡ cơ hội vươn tay chạm tới những ánh nắng chớm hoàng hôn của Chao Phraya thơ mộng. Đập vào mắt chúng tôi là một khu vực phố xá đi bộ sầm uất, rộng lớn, có kiến trúc nửa Âu, nửa Á như lạc bước giữa “Phố Tây” những năm giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Đài phun nước, chiếc đồng hồ cổ châu Âu được thiết kế ở khu trung tâm nối vào những khu chợ, quán ăn được thiết kế theo mô hình mái cong truyền thống Thái Lan. Nhạc đồng quê (country), tiếng Anh, tiếng Thái, những lời mời chào, giải thích ngọt ngào, tinh thần hiếu khách của những người bán hàng trên phố là những âm thanh pha trộn nhau, tạo nên không khí náo nhiệt, những vẫn đậm chất văn hóa du lịch, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, dẫn dắt từng bước chân du khách.
Asiatique quyến rũ đến say lòng
Xa xa là những những thảm cỏ được tỉa đều, xanh mướt chạy dài theo bờ sông Chao Phraya dẫn đến những khu vui chơi trẻ em, vòng quay Asiatique Sky, một trong những vòng quay cao nhất, có thể ngắm nhìn toàn cảnh Bangkok. Những quán bar, quán cafe ven đường luôn đón chào sự dừng chân của du khách, thưởng thức dư vị của một hoàng hôn trầm mặc, yên bình. Những cuộc đàm đạo thú vị với bạn bè hay một sự “trốn chạy” nào đó tìm kiếm khoảng khắc tự do, đắm chìm trong khung cảnh đất trời, sông nước, nắng gió dường như đều có vẻ hợp lý và mang lại những xúc cảm rất riêng cho mỗi người.
Asiatique The Riverfront tọa lạc trên bờ sông Chao Phraya, được mở cửa từ năm 2012 và nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến nổi bật ngành công nghiệp du lịch Bangkok. Trước đây Asiatique là một nhà máy cũ, cạnh một cảng sông, sau này TCC Land, một công ty thuộc tập đoàn TCC Group của Thái Lan, hoạt động trong các lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bán lẻ đầu tư, xây dựng và quản lý.
Khu vực Asiatique hiện nay ước tính có khoảng hơn 1.500 cửa hàng, bao gồm các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng quà tặng và các thương hiệu nổi tiếng. Điểm nổi bật của khu vực này mà du khách có thể tìm mua nhiều loại sản phẩm từ quần áo, phụ kiện thời trang, đồ lưu niệm, đến các sản phẩm thủ công truyền thống, mỹ nghệ, đồ trang sức, đồ trang trí nội thất cho đến các mặt hàng gia dụng, tiện lợi mang đặc trưng phong cách Thái Lan.
Đến với Asiatique cũng là đến với thế giới ẩm thực phong phú của những “nghệ sĩ” nấu bếp Thái. Chủ yếu phục vụ người nước ngoài, nên các món ăn bày bán ở đây khá trung thành với các công thức nấu ăn truyền thống. Asiatique cung cấp hàng trăm sự lựa chọn cho du khách từ các quán ăn đường phố cho đến các nhà hàng sang trọng, nhưng ở đâu thì cũng không thể thiếu các món nướng, gia vị cay, nóng hay các món Pad Thai, Som Tum và Tom Yum Goong…. làm nên thương hiệu ẩm thực Thái Lan.
Bên cạnh đó, Asiatique còn là trung tâm giải trí phong phú với các trò chơi, các chương trình giải trí và sự kiện định kỳ, từ các buổi biểu diễn âm nhạc, múa lân, đến các chương trình nghệ thuật truyền thống, các rạp chiếu phim, sân khấu thường xuyên có các buổi biểu diễn đặc sắc và chương trình giải trí khác.
Lạc lối giữa Asiatique gần 1 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi không quên ghé Big-C thu nhỏ, ai cũng túi to, túi nhỏ cố gắng mang về ít đặc sản Thái làm quà cho người thân, gia đình, bạn bè.
Thật may mắn vì đã gần 6 giờ chiều nhưng dường như ở nơi xứ sở không biết đến mùa Đông, trời vẫn còn sáng. Với tiếng nhạc xập xình, những ánh điện le lói bật lên nơi các quán bar ven sông, phản chiếu thứ ánh sáng mờ ảo, mê hoặc giữa ráng chiều hoàng hôn làm chúng tôi bừng tỉnh, vội vã dành khoảng thời gian ít ỏi còn lại để check in mình trên những khung hình Chao Phraya rực rỡ và đa sắc. Có cảm giác như Asiatique là một cô gái hoạt bát, năng động, hiếu khách thì trái lại, Chao Phraya giống như một cô gái lãng mạn, huyền bí, đắm say lòng người với từng hàng cây, bến tầu, con phố, các chứng tích lịch sử, kiến trúc về một thời kỳ gặp gỡ, giao thương Đông - Tây sinh động nhất.
Dừng chân trước một con tàu có tên The Anantara Song, với những cánh buồm trắng cao khoảng 4-5m mang phong cách Âu, nằm trên bến cảng gần khu vực mua sắm, ngỡ mình đang “xuyên không” về một thời đại xa xưa nào đó trong lịch sử hàng hải thế giới. Ý tưởng thiết kế Anantara Song do TCC Group nghiên cứu, thực hiện theo mô phỏng tàu cổ châu Âu như một kỷ niệm về lần đầu văn hóa châu Âu đã góp mặt trên sông Chao Phraya. Anantara Song cũng là tàu gỗ, thiết kế thủ công truyền thống và các họa tiết trang trí cổ điển, kết hợp với công nghệ hiện đại, còn được gọi là “sampan” (thuyền nhỏ truyền thống) trong tiếng Thái. Hiện nay một số tàu mô hình cổ như Anantara Song được sử dụng làm nhà hàng hoặc quầy bar để du khách có cơ hội trải nghiệm, vừa ngắm cảnh, vừa nhâm nhi những ly coctaik, trải nghiệm cảm giác như người Âu châu lần đầu ghé thăm mảnh đất xa lạ vùng viễn Nam xa xôi này.
Du thuyền the Anantara Song
Tạm chia tay Asiatique, đúng 7 giờ tối, Vela Cruise đã cập cảng. Một đêm Chao Phraya tráng lệ và huyền bí đang chờ chúng tôi đến hành trình khám phá và trải nghiệm…
Top of Form
Bottom of Form
Asiatique về đêm
Hành trình Chao Phraya cùng Vela Cruise
Trước khi nói đến Vela Cruise, thì hiện nay ở Bangkok có rất nhiều mô hình du thuyền trên sông Chao Phraya có thể kể tên như: Passenger Ferries (Du thuyền Chở khách), Sunset Cruises (Du thuyền Ngắm hoàng hôn), Social or Party Cruises (Du thuyền Xã hội) Dinner Cruises (Du thuyền Ăn tối), Sightseeing Cruises (Du thuyền Tham Quan), Luxury Cruises (Du thuyền Sang trọng)…Điểm chung của các loại hình đều là trải nghiệm phong cảnh, thiên nhiên sông nước Chao Phraya. Tuy nhiên với mỗi loại hình lại có các đặc trưng khác nhau về đẳng cấp và dịch vụ. Với mỗi loại hình sẽ có những du thuyền được đặt tên và có thương hiệu, phong cách riêng.
Vela Cruise là thế hệ du thuyền “sinh sau, đẻ muộn” được đưa vào hoạt động vào năm 2014. Tàu được thiết kế để cung cấp trải nghiệm du lịch sang trọng kết hợp giữa phong cách truyền thống, hiện đại và dịch vụ cao cấp. Vela xuất phát tiếng Latin có nghĩa là “cánh buồm” hoặc “vải buồm” mang biểu tượng cổ điển của ngành hàng hải. Trong ngữ cảnh du lịch, cái tên Vela Cruise mang thông điệp cho một chuyến đi khởi nguồn từ gió mang đến cảm giác thư giãn, phong cách lịch sự và sang trọng.
Mặc dù chưa đạt đến đẳng cấp Luxury Cruises (Du thuyền Sang trọng), tuy nhiên Vela Cruise vẫn đạt một số tiêu chuẩn 5 sao cho loại hình du thuyền trên sông Chao Phraya. Kích thước Vela Cruise vào khoảng 41 mét dài và 8,5 mét rộng, không gian thiết kế 2 tầng, có sức chứa và phục vụ được khoảng 200-300 khách, tùy theo chuyến đi thường xuyên hay sự kiện đặc biệt được đặt trước theo nhu cầu của khách.
Vela Cruise cập bến, những tiếp viên nam thanh, nữ tú ăn mặc trang phục truyền thống với những nụ cười trên môi bước xuống thuyền, đứng 2 bên chào đón chúng tôi trên lối vào. Trải nghiệm văn hóa xếp hàng, đặc trưng của người Thái nhưng vẫn không cảm thấy quá lâu, chúng tôi mỗi người 1 vé trên tay, ai nấy đều đầy hào hứng, phấn kích bước qua cửa soát vé. Do đặt trước, chúng tôi được bố trí ngồi ở tầng 2, khoảng không gian đẹp nhất trên du thuyền.
Khác với tầng 1 thì được thiết kế như phòng kín, 2 bên là của sổ nhìn ra ngoài, thì tầng 2 của du thuyền gần như là không gian ngoài trời, được thiết kế mái che, các bàn ăn và chỗ ngồi được thiết kế theo hình xương cá từ đầu thuyền, đến cuối thuyền. Phần “xương sống” cá là chỗ bày hàng trăm món ăn buffer từ các món quốc tế phổ thông cho tới các món ăn truyền thống Thái Lan như cá dolly chiên, các loại thịt nướng, sasemi cá Hồi, sushi Nhật Bản, hải sản, tôm sông nướng, tempura rau trộn, Som Tum, Tom Yum Goong…
Một show múa truyền thống trên Vela Cruise
Các chỗ ngồi trên du thuyền được thiết kế tinh tế, trang nhã, bắt mắt với sự chú trọng đến từng chi tiết: sàn gỗ kết hợp đá, bàn ghế bọc da, ánh sáng dịu mắt, thay dổi mầu sắc trên từng chỗ ngồi tạo nên không gian khá ấm cúng và sang trọng. Phía trên là một sân khấu mini, bên cạnh ban nhạc, là một cô ca sĩ đang hát những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng những thập niên 70 – 90 của thế kỷ XX. Cũng lâu rồi, tôi lại được nghe các ca khúc bất hủ như: Love me tender, More than I can say, Speak softly love….trong một không gian Âu như thế. Có lẽ Chao Phraya được mệnh danh là “Venice của phương Đông” nên những người làm du lịch cố gắng tạo ra phong cách Á – Âu kết hợp và luôn đảo nhau trên mỗi du thuyền như vậy.
Không gian ngoài trời trên du thuyền khá ổn, tầm nhìn không hạn chế với cảnh vật ven sông, đặc biệt là cả những di tích, di chỉ có thể từ trên thuyền quan sát tới bờ bên kia sông. Du khách cũng có thể thoái mái đi lại trên du thuyền, tiến đến phần mũi thuyền để tận hưởng cảm giác của 2 nhân vật Jack Dawson và Rose DeWitt Bukater trong bộ phim nổi tiếng Titanic, phát hành năm 1997.
Đúng 7 giờ 15 phút, sau lời phát biểu của người đại diện thuyền trưởng, cuộc hành trình bắt đầu. Chúng tôi tranh thủ rời khỏi chỗ ngồi và lấy đồ ăn. Điểm đặc biệt của Vela Cruise hơn các du thuyền khác là ngoài các món ăn buffer thì bia tươi được phục vụ miễn phí. Thưởng thức những món ăn độc đáo và đặc sắc, trong khung cảnh lãnh mạn, nên thơ, âm nhạc du dương, tiếng nói cười của bạn bè và đặc biệt là Top of FormBottom of Formchiêm ngưỡng những ánh đèn lung linh, huyền ảo, diễm lệ của thành phố bên sông. Ánh sáng phản chiếu trên mặt nước, soi gương những công trình tạo nên một bức tranh rực rỡ và lôi cuốn không chỉ là thiên nhiên, tạo hóa ban tặng mà ở đó còn là vẻ đẹp của bàn tay lao động cần cù, khéo léo mỗi người thợ, người dân nơi đây.
Những nghệ sĩ Vela Cruise và nhà báo Hàn Vũ Linh
Hành trình đến mỗi điểm tham quan, dường như du thuyền lại đi chậm lại để du khách ngắm nhìn và chụp ảnh lưu niệm với Cung điện Hoàng gia, những ngôi đền, chùa cổ kính như Wat Arun, Wat Kanlaya, Wat Pho.. du thuyền cũng đi dưới gầm cầu Tưởng niệm, cầu Rama VIII, khu chợ, bến tầu, chen lẫn những tòa nhà, cao ốc chọc trời…Bangkok về đêm là ánh sáng, một thứ ánh sáng rực rỡ, muôn mầu trải dài trên thành phố không ngủ như có trong tên gọi đầy đủ của chính địa danh này “Thành phố của các thiên thần, thành phố vĩ đại, thành phố của chùa vàng, nơi trú ngụ của các vị vua, thành phố của các dinh thự vĩ đại, thành phố của sự thịnh vượng và hạnh phúc, nơi của các bậc hiền trí và nơi của các công trình nghệ thuật và trí tuệ” .
Cung điện Hoàng gia tọa lạc bên Chao Phraya
Một điều bất ngờ và thú vị đã xảy ra với đoàn chúng tôi. Trên sân khấu bất ngờ xuất hiện lời chúc mừng sinh nhật và vang lên bài hát Happy birthday. Các nhân viên phục vụ trên du thuyền tiến dần đến bàn chúng tôi với một chiếc bánh sinh nhật, cùng những chiếc nến nhỏ xinh. Một nghi thức đặc biệt không thể thiếu dành cho một du khách may mắn có mặt trên du thuyền đúng ngày sinh nhật của mình. Dù đã là lần sinh nhật thứ 43, nhưng người bạn tôi và những người Việt Nam đều thực sự xúc động về một ngày kỷ niệm đặc biệt tại khung cảnh lãng mạn, trữ tình ở nơi xa xứ như vậy.
Sau hơn 1 giờ lênh đênh sóng nước, thả hồn nơi “gió mát, trăng thanh” thì đến một điểm gần Chùa Wat Arun (Chùa Bình Minh), du thuyền thông báo kết thúc nửa hành trình và quay đầu trở về theo hướng Asiatique. Cuộc vui lại tiếp tục khi các nghệ sĩ Thái Lan bắt đầu lên sân khấu biểu diễn các điệu múa và các ca khúc truyền thống Thái Lan. Các đoàn du khách cũng bắt đầu được mời tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ với các nghệ sĩ.
Dường như không chỉ có chúng tôi là đoàn Việt Nam duy nhất trên Vela Cruise, đặc biệt theo thống kê ngành du lịch Thái, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 6 trong số khách du lịch đến Thái Lan. Một thành viên của đoàn chúng tôi cao hứng chọn bài hát Nối vòng tay lớn bắt đầu truyền cảm hứng cho một không gian văn hóa Việt trên du thuyền. Tất cả mọi người cùng đứng dậy, cùng hát, kết vòng tay đi vòng quanh sân khấu. Những người xạ lạ, chưa từng quen, lại đang ở rất gần nhau, nắm tay nhau, hát vang, nhảy múa phá tan một khoảng lặng không gian, thời gian bằng những cảm xúc ngập tràn hướng về quê hương, tổ quốc.
Có lẽ dù nghe ca khúc cả trăm lần, chúng tôi cũng không thể nào hình dung một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại hay đến vậy, xuất hiện trong khung cảnh kỳ lạ đến vậy, biết bao giá trị hào hùng, tự hào người Việt hiện lên trên từng nốt nhạc và ca từ “ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà…dòng máu nối con tim đồng loại, dựng tình người trong ngày mới… và nụ cười nở trên môi...”
Asiatique điểm đầu tiên và điểm cuối của cuộc hành trình
Những người bạn đến từ Ấn Độ, Trung đông, từ trời Âu và cả những người bạn Thái Lan cùng chúng tôi nối dài mãi vòng tay Việt Nam, kết thúc cho một hành trình có hậu, đáng nhớ trong đêm Chao Praya.
Tạm biệt Chao Praya dòng sông huyền thoại, "vang bóng một thời" của đất nước Chùa Vàng, ngày mai chúng tôi lại trở về với Hồng Hà, Cửu Long với những dòng sông và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của đất nước Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ vươn đến tầm cao khu vực và thế giới.
Những chuyến đi, những kỷ niệm, những bài học trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa là những động lực cho chúng tôi tiếp tục lao động, sáng tạo và cống hiến mỗi ngày. Hẹn gặp lại Chao Praya trong những trải nghiệm mới của tương lai.