trongdong
text logo

Khởi sắc diện mạo nông thôn mới Ba Vì

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng

Thứ năm - 06/04/2023 21:59
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế đặc thù phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để tạo nên một diện mạo mới cho kinh tế khởi sắc và tươi sáng.
Nỗ lực vượt qua những khó khăn

Huyện Ba Vì bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 trong điều kiện xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng manh mún; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao chiếm 15,1%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 21,7 triệu đồng.

Đứng trước nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới. Công tác quán triệt quan điểm của Đảng và chủ trương của Thành ủy Hà Nội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai sâu rộng. Để Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, Huyện ủy - HĐND - UBND - UB MTTQ huyện đã tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa Chương trình xây dựng NTM; Huyện cũng kịp thời ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa bằng các đề án, các chương trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, xác định rõ từng mục tiêu, giải pháp cụ thể, nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về lợi ích, trách nhiệm trong xây dựng NTM, mặt khác huyện cũng đã tổ chức phát động và ký cam kết giữa các cụm thi đua, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, thành phố, sự hỗ trợ của các quận nội thành; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng huyện nông thôn mới của Ba Vì đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nông thôn mới đem lại diện mạo kinh tế phát triển mạnh

Thể hiện rõ nét đó là kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Các địa phương tiến hành đồng loạt việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, mở đường cho sản xuất phát triển, chỉ số về năng suất lao động nông nghiệp trên một số lĩnh vực sản xuất vốn thấp kém đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Các địa phương đã dồn điền đổi thửa được trên 5.700 ha, đạt 123,3% kế hoạch. Huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển các vật nuôi chủ lực như: bò sữa, bò thịt, đà điểu, gà, cá và các cây trồng như: bưởi, cam, ổi, dứa, lúa, rau màu các loại.

Năm 2022 giá trị sản xuất nhóm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 12.700 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng hàng năm gần 22.600 ha. Giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác đạt 198 triệu đồng.

Chăn nuôi phát triển ổn định, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng bưởi kết hợp nuôi gà thả vườn ở xã Vật Lại, trồng cam xã Khánh Thượng, nuôi bò sữa tại các xã Minh Châu, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, mô hình nuôi Đà điểu xã Vân Hòa, Tản Lĩnh vv...
ba vì 2
Phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái, huyện Ba Vì luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa địa phương, huớng đến nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nguời nông dân, phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói.

Kết quả sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đã tạo ra đuợc chuyển biến lớn trên nhiều lĩnh vực. Toàn huyện hiện có 102 HTX đang hoạt động, trong đó, có 14 HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 HTX đuợc cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn huyện có 125 trang trại, 20 làng nghề đuợc công nhận. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa, huyện Ba Vì là vùng đất thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây, con có giá trị. Có 5 sản phẩm: Sữa, chè, khoai lang Đồng Thái, Gà đồi, Miến dong Minh Hồng đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
ba vì 3
Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định công nhận 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Gồm nhiều sản phẩm đa dạng như: Mật ong thiên nhiên; Mật ong hoa rừng Tản Viên Ba Vì; Tinh bột nghệ nếp đỏ, Rau các loại; Bưởi Yên Bài; Tương Khê Thượng; Rượu mơ Tản Viên Các sản phẩm chế biến đồ ăn chay; thịt - giò Đà điểu; nem; khoai môn; Một số sản phẩm đồ gỗ....
ba vì
Tổng nguồn vốn huy động đầu tư thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đạt hơn 9.900 tỷ đồng. Đặc biệt, cán bộ và Nhân dân Ba Vì đã đóng góp gần trên 335 tỷ đồng, hàng vạn ngày công, hiến vạn m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các điểm sinh hoạt văn hóa.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, bề thế, hiện đại

Đặc biệt, năm 2022 với việc phát động và triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn”, nhân dân huyện Ba Vì đã chung sức, đồng lòng cùng kiến thiết lại làng quê với số tiền huy động xã hội hóa trên 80,8 tỷ đồng. Cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm ở các thôn, xóm phong quang, xanh, sạch, đẹp hơn; nhiều mô hình mới, cách làm hay được vận dụng sáng tạo linh hoạt và lan tỏa sâu rộng. 
ba vì 4
Với nhiều giải pháp thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, 100% số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao chiếm 13,3%; thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh; Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của địa phương đạt trên 99%.

Bài học xuyên suốt trong phong trào xây dựng NTM ở huyện Ba Vì, đó là vai trò của Ban lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, thời gian tới đây Ba Vì tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; Phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, lựa chọn tiềm năng, thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng huyện Ba Vì ngày càng văn minh, giàu đẹp.


= = = = = 
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây