Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, khoa đã đạt nhiều thành tích nổi bật, có uy tín hàng đầu trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, xuất bản, hợp tác trong nước và quốc tế. Hiện nay, khoa được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo hai ngành Xã hội học và Công tác xã hội ở bậc cử nhân và Xã hội học ở bậc thạc sĩ. Trên chặng đường phát triển của mình, Khoa Xã hội học và Phát triển đã ghi nhiều dấu ấn, với sự góp mặt, chung tay, đóng góp trí tuệ, công sức của nhiều thế hệ giảng viên, cán bộ, học viên và sinh viên. Cùng ôn lại những chặng đường, những tháng năm thăng trầm nhưng đầy tự hào và cảm xúc trên gương mặt rạng ngời của các thầy cô và sinh viên, cùng chúc cho khoa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống để phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng đầu tàu trong ngôi nhà báo chí, truyền thông và sự nghiệp trồng người ở Việt Nam.
Vào những năm 1980, Xã hội học còn là một ngành khoa học mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên ngành khoa học này lại có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu thực nghiệm, nắm bắt thực tiễn, để từ đó rút ra những luận cứ khoa học khuyến nghị cho việc xây dựng và thực thi chính sách hiệu quả.
Các thế hệ lãnh đạo Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đặc biệt quan tâm đến Xã hội học từ rất sớm, gắn Xã hội học với nghiên cứu, đánh giá dư luận xã hội, hoạt động tuyên giáo và công tác chính trị, tư tưởng. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Tổ bộ môn Xã hội học, được thành lập, trực thuộc Khoa Kiến thức bổ trợ đảm nhận giảng dạy cho nhà trường 3 môn trong chương trình đào tạo các môn chung: Xã hội học, Tin học và Dân số học.
Đến năm 1992, việc đào tạo cử nhân Xã hội học được đặt ra như một nhu cầu cấp thiết của khoa học và xã hội, Ban lãnh đạo nhà trường đã nghiêm túc nghiên cứu, chỉ đạo Tổ bộ môn, trên cơ sở sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành xây dựng chương trình đào tạo cử nhân chính quy Xã hội học.
Theo quyết định 53 QĐ/TC ngày 18/02/1992 của Đại học Tuyên giáo (đổi tên từ Trường Tuyên Huấn Trung ương), Tổ bộ môn Xã hội học được tách ra khỏi khoa Kiến thức bổ trợ, từng bước xây dựng chương trình đào tạo và thành lập khoa mới. Ngày 20/08/1994 theo quyết định 475 /QĐ-TC của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (đổi tên từ Đại học Tuyên giáo) Tổ bộ môn Xã hội học được chuyển thành Khoa Xã hội học. Sau khi trình và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phể chuẩn chương trình đào tạo cử nhân, ngày 3/10/1994 khoá đào tạo cử nhân đầu tiên (lớp Xã hội học 1) với 42 sinh viên đã được chính thức khai giảng với chương trình đào tạo 4 năm.
Khi bắt đầu thành lập, Khoa Xã hội học chỉ có 11 giảng viên và cán bộ, phần lớn đều là những người chuyển công tác từ các ngành khoa học khác sang và các giảng viên trẻ mới vào nghề. Các giảng viên Khoa đã không ngừng học tập, cập nhật, bổ túc kiến thức về một ngành khoa học mới mẻ, hấp dẫn phục vụ công tác nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy. Nhiều giảng viên đã tự ứng tuyển các quỹ học bổng, được cử đi học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ Xã hội học trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Khoa cũng xin nhà trường, mở rộng cơ chế thu hút nhân tài, tạo cơ sở để nhiều cán bộ có năng lực chuyên môn về công tác tại khoa.
Cho đến những năm 2000, Khoa Xã hội học, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền đã hoà nhập vào mạng lưới đào tạo cử nhân Xã hội học và nâng cao vị thế, uy tín, nhờ kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và chất lượng đầu ra của đào tạo. Không dừng ở việc đào tạo chính quy tại Phân viện, Khoa từng bước mở rộng hệ đào tạo cử nhân tại chức dành cho cán bộ đang công tác tại hành loạt tỉnh thành như An Giang, Đồng Tháp, Yên Bái, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng. Các thầy cô cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù khó khăn, vất vả trên con đường mang tri thức Xã hội học đến với các vùng, miền trong cả nước góp phần phát triển ngành, đào tạo nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
Điểm đặc biệt trong chương trình đào tạo chính khóa của Khoa là tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng Xã hội học, dạy kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, tăng cường các hoạt động thực hành, thực tập trên lớp và thực địa, nghiên cứu điền dã, gắn đầu vào với đầu ra của sinh viên. Trong quá trình đào tạo, các thế hệ sinh viên được tiếp xúc với nghiên cứu khoa học từ rất sớm, cập nhật các lý thuyết Xã hội học trên thế giới, tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học với các thầy cô, có tên trong các công trình khoa học, đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, cấp bộ. Riêng môn phương pháp Xã hội học được chú trọng giảng dạy cho sinh viên từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 đảm bảo cho sinh viên không chỉ có tư duy lý luận, lý thuyết mà còn nắm vững các kỹ năng phát hiện vấn đề, tổ chức triển khai và hoàn thiện một công trình nghiên cứu độc lập. Khoa cũng mạnh dạn xây dựng các môn học chỉ có tại Học viện và mang thương hiệu riêng của Học viện như Xã hội học Lứa tuổi, Xã hội học Truyền thông đại chúng, Tuyên truyền vận động các vấn đề xã hội…
Sau 30 năm thành lập, mặc dù số lượng đội ngũ giảng viên không tăng lên nhưng đã có nhiều giảng viên đạt học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao trong nghiên cứu, giảng dạy ngành Xã hội học. Các môn học được các giảng viên Khoa hoàn toàn đảm nhiệm, không phải mời chuyên gia ngoài như những thời kỳ trước. Từ năm học 2012-2013, phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, Khoa đã nghiên cứu, mở thêm chương trình cử nhân ngành mới là ngành Công tác xã hội. Từ năm 2013-2014 Khoa đã được chính thức tuyển sinh, đào tạo thạc sĩ ngành Xã hội học.
Khoa Xã hội học vinh dự được đổi tên thành Khoa Xã hội học và Phát triển từ năm 2018 theo theo quyết định số 6591-QĐ/HVCTQGHCM về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (đổi tên từ Phân viện Báo chí và Tuyên truyền).
Năm 2022 khoa Xã hội học cùng 3 khoa gồm Triết học; Quan hệ Quốc tế; Quan hệ công chúng và Quảng cáo là những đơn vị đầu tiên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đăng ký kiểm định các chương trình đào tạo và được cấp giấy Chứng nhận chương trình đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đào tạo với ngành Xã hội học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trải qua 30 năm hình thành, phát triển từ những khó khăn, thách thức tưởng như những ngọn núi cao sừng sững, uy nghi, hiện hữu trước mặt, thử thách ý chí con người, nhưng với tất cả sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của các thầy cô, những ngọn núi dần được chinh phục, những ngọn cờ Xã hội học và Phát triển lần lượt được cắm trên những đỉnh núi đó, những thành công, những thành quả lao động của những người “công nhân cổ trắng”, từ mồ hôi, nước mắt đến hạnh phúc ngọt ngào, viên mãn đã trở thành truyền thống tự hào của tất cả các thế hệ giảng viên, học viên, sinh viên.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy đã thực sự trưởng thành với 03 Phó giáo sư (một trong 2 khoa có nhiều phó giáo sư nhất Học viện) và nhiều tiến sĩ, thạc sĩ. PGS. TS Phạm Hương Trà, trưởng khoa Xã hội học và Phát triển cho biết với 30 thế hệ cử nhân xã hội học tốt nghiệp, nhiều cựu sinh viên đã trở thành những cán bộ lãnh đạo quan trọng, những chuyên gia giỏi đầu ngành, những nhà công tác xã hội năng động, nhiệt huyết, lao động, cống hiến trên mọi lĩnh vực, mọi miền đất nước. Câu slogan “Phát triển toàn diện - Kết nối tương lai” luôn nhắc nhở các thế hệ giảng viên, cán bộ, học viên, sinh viên cần tiếp lửa giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của khoa, tiếp tục có nhiều công trình, sản phẩm, nhân lực chất lượng cao trên con đường chinh phục thử thách mới, đóng góp cho sự phát triển khoa học và đất nước.
Cựu giảng viên và giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển ngày gặp mặt 9/2024
PGS. TS. Phạm Hương Trà, trưởng khoa Xã hội học và Phát triển
TS. Phạm Đình Huỳnh (bên phải), Nguyên giám đốc Học Viện Chính trị Khu vực 4, Nguyên trưởng Khoa Xã hội hoc và Phát triển và TS. Đặng Vũ Cảnh Linh (bên trái), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, nguyên giảng viên Khoa Xã hội hoc và Phát triển
Các thầy nguyên giảng viên Khoa Xã hội học và Phát triển
Thầy Nguyễn Đình Chấn (bên trái), nguyên trưởng khoa Xã hội học đầu tiên và TS. Lưu Hồng Minh, nguyên trưởng khoa Xã hội học
30 năm một chặng đường phát triển