trongdong
text logo

Đan Phượng: Kinh nghiệm trong bố trí nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Tác giả bài viết: Bảo Thanh

Thứ ba - 25/04/2023 19:38
 Năm 2015, Đan Phượng vinh dự là đơn vị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng liên tục giữ vị trí dẫn đầu toàn thành phố về kết quả đạt được. Có một Đan Phượng thành công như hôm nay chính là sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả của huyện trong bố trí nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
   
 
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, mặc dù gặp nhiều khó khăn song huyện Đan Phượng vẫn luôn ưu tiên, quan tâm chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc xây dựng nông thôn mới không chỉ khoán cho một bộ phận mà được xem như nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và được chỉ đạo quyết liệt, công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ, với sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, tích cực của các cấp, các ngành, trong từng thời kỳ cụ thể.

Bởi vậy, khi bắt tay vào thực hiện chương trình, Đan Phượng luôn xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước; việc tuyên truyền được đặt lên hàng đầu với nhiều hình thức phong phú, theo hướng gọn, rõ, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, phải phát huy dân chủ, thực hiện việc công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, nhất là việc huy động và sử dụng các nguồn lực từ nhân dân, tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện công trình, dự án của Chương trình; Quan tâm đầu tư cho phát triển, chủ động tháo gỡ, giải quyết những vấn đề bức xúc của dân. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của UBND Thành phố.
dp 2
Hạ tầng giao thông đồng bộ tại Hồng Hà - Đan Phượng
 
Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động nhân dân nỗ lực tập trung cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì thế, nhiều việc tưởng chừng rất khó như dồn điền, đổi thửa, thì đã đạt kết quả rất cao, đồng thời xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh lợi ích riêng hiến đất, mở đường, đóng góp tiền của. Mặt khác, đội ngũ cán bộ cùng người dân tổ chức nhiều cuộc họp bàn thảo một cách kỹ lưỡng và thống nhất cách làm. Những khâu quan trọng và khó nhất đều được nhân dân đồng thuận cao, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch và tính chất người dân là chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đáng lưu ý, huyện đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định cho sự thành công của chương trình. Bên cạnh việc phải bám sát định hướng xây dựng nông thôn mới của Nhà nước, vận dụng linh hoạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá khả năng đóng góp của người dân.

Chính vì vậy, luôn cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân, để người dân thực sự làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; người dân vừa là chủ thể, vừa là người thụ hưởng thành quả của xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

Đóng vai trò quan trọng, công tác cán bộ là yếu tố quyết định thành công trong xây dựng nông thôn mới, do vậy Đan Phượng đã cử những người nhiệt tình, tâm huyết, có uy tín với cộng đồng cao tham gia. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá về năng lực, phẩm chất cán bộ, nếu đồng chí cán bộ nào không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì kiên quyết phải thay ngay.

Nhờ sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, hiệu quả của trong bố trí nguồn lực, huyện Đan Phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 trên địa bàn huyện đạt 73 triệu đồng (tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2020), toàn huyện không có hộ nghèo. Trong đó, một số xã có thu nhập nổi bật, như: Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm… Đáng chú ý, hiện mỗi xã trên địa bàn huyện Đan Phượng đều có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh. Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giao tiếp, thương mại điện tử, dịch vụ xã hội và quảng bá thương hiệu, cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn không chỉ giàu đẹp mà còn văn minh, hiện đại.
Xây dựng và phát triển nông thôn mới Đan Phượng bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại
 
Với kết quả đạt được, đến nay huyện Đan Phượng có tới 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhiều nhất của thành phố Hà Nội. Trong mỗi giai đoạn, huyện Đan Phượng đều đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và có những cách làm sáng tạo.

Tin rằng, với sự đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo huyện Đan Phượng trong bố trí nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Đan Phượng sẽ phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chí quận.
Xây dựng và phát triển nông thôn mới Đan Phượng bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại
Một góc Chùa Tân Hải xã Trung Châu, huyện Đan Phượng.


= = = = =
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Có thể bạn quan tâm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây