trongdong
text logo

CON VÀO LỚP 1: CẢ NHÀ CĂNG THẲNG - ĐỂ VIỆC DẠY CON HỌC Ở NHÀ KHÔNG CÒN LÀ “CUỘC CHIẾN”

Tác giả bài viết: Ths. Nguyễn Thị Thanh Hoa

Thứ năm - 03/10/2024 04:30
Con vào lớp Một là chặng đường nhiều thử thách đối với cả cha mẹ và con cái. Ngoài việc tìm trường cho con, chuẩn bị các điều kiện đáp ứng, dạy con những kỹ năng cần thiết để chuyển đổi từ bậc học Mầm non lên Tiểu học, cha mẹ còn phải đối diện với một thách thức không hề đơn giản, kéo dài và mất nhiều năng lượng: dạy con học.

Không khó để bắt gặp những câu chuyện, những hình ảnh dở khóc dở cười của các ông bố bà mẹ dạy con xung quanh chúng ta và cả trên mạng xã hội. Có bố mẹ còn hài hước than rằng chẳng chung trường lớp, chẳng học diễn xuất gì cả mà sao chúng nó diễn y như kịch bản. Đứa nào cũng “con khát nước”, “con mệt”, “con muốn đi vệ sinh”, “con bị ngứa”, “con mỏi tay”... mỗi khi phải làm bài tập toán hay luyện viết chữ. Chưa hết, viết ngược số, viết ngược chữ, nhầm lẫn chữ này với chữ kia, viết quá xấu cũng “kích hoạt” sự nóng giận nơi nhiều ba mẹ - những người vốn đã phải quần quật làm việc cả ngày.

Anh0


Một bà mẹ bật khóc vì bất lực khi dạy con học
Hình: Mạng xã hội

GIẢI MÃ THÔNG ĐIỆP CỦA CON
Khi trẻ liên tục đòi đi vệ sinh, khát nước, ngứa ngáy... chính là biểu hiện của tình trạng không sẵn sàng, thiếu cảm giác thoải mái, thậm chí căng thẳng trong việc học. Việc cha mẹ cần làm không phải là thúc giục hay la mắng con, cũng không phải là khuyến khích bằng lời nói suông, nhưng là phải trợ giúp con đúng cách và hiệu quả.
1. Con quá tải và áp lực
Việc chuyển tiếp từ mầm non sang tiểu học là một giai đoạn khó khăn của trẻ, rất cần sự thấu hiểu và trợ giúp đúng cách của cha mẹ.
Với nhiều trẻ, việc viết bài và làm Toán có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Cho dù là lí do gì thì việc trẻ phải làm một điều các con không thích hoặc quá sức đều khiến trẻ tìm cách tránh né. Thêm nữa, các yêu cầu phải viết đúng độ cao, độ rộng của cỡ chữ, hoặc việc tính toán bằng những con số trừu tượng làm trẻ căng thẳng. Nếu thêm sự kỳ vọng, sự thúc giục và so sánh của cha mẹ, trẻ sẽ gặp nhiều cảm xúc và việc trẻ né tránh là một phản ứng tự nhiên. Tuy nhiên, cha mẹ lại không thể chấp nhận được điều đó và vô tình tạo ra thêm những căng thẳng cho cả hai phía.
2. Con không hứng thú với việc học
Việc phải luyện chữ và làm Toán có thể khiến trẻ cảm thấy nhàm chán. Con không hiểu tại sao mình phải làm việc đó mỗi ngày. Thêm vào đó, việc học khiến con không còn được chơi nhiều như trước. Con sẽ cảm thấy ức chế và không thích học, thậm chí ghét học.
3. Con chưa thể tập trung trong thời gian dài
Ở tuổi đầu Tiểu học, trẻ chỉ có thể tập trung tối đa khoảng 10 - 15 phút. Vì thế, trẻ sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi, chán nản khi phải tập trung quá lâu cho một nhiệm vụ mà trẻ chưa quen. Nại ra một lí do nào đó để trì hoãn nhiệm vụ như đi vệ sinh, đi uống nước... chính là cách trẻ giảm căng thẳng cho bản thân (nhưng lại vô tình tạo ra sự căng thẳng cho phụ huynh và thêm hệ lụy cho chính trẻ khi cha mẹ nổi nóng).
4. Con không hiểu hoặc không biết cách làm
Có những trẻ gặp khó khăn với việc tính toán hoặc đọc chữ. Thay vì nói rõ với cha mẹ rằng mình không hiểu, không biết cách làm để được trợ giúp, trẻ lại né tránh bằng cách nại ra nhiều lí do. Điều này phổ biến ở những trẻ sợ bị cha mẹ trách móc hay chê bai, thậm chí là bạo lực khi con làm sai hoặc không biết cách làm bài tập.
5. Con muốn được quan tâm hơn
Một số trẻ có thể không gặp thử thách với các hoạt động học tập, nhưng các con có nhu cầu được cha mẹ gần gũi quan tâm hơn sau một ngày phải xa cha mẹ để đến trường. Con nghĩ rằng trì hoãn việc học, nại ra các lí do... chính là cách để cha mẹ chú ý con hơn.
6. Con mệt mỏi
Sau một ngày học tập ở trường, một số trẻ có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi về thể chất. Việc con bị mỏi tay khi phải viết bài nhiều - đặc biệt với những trẻ có cơ tay yếu, kém linh hoạt - là chuyện tự nhiên. Hoặc con phải tiếp xúc với bài vở nhiều quá sức của con trong một thời gian dài cũng khiến con mệt mỏi.
7. Con bị phân tâm
Khi trẻ không có không gian học tập riêng biệt và thoải mái, phải học ở một không gian có nhiều hoạt động chung và có thể có nhiều tiếng ồn, trẻ thường bị những hoạt động thú vị hơn thu hút. Việc xin đi uống nước, đi vệ sinh... là những cơ hội để trẻ có thể nhìn vào màn hình tivi, ngó vào màn hình game, tham gia vào câu chuyện của người lớn, hay đơn giản là sa vào chơi trò chơi với anh/chị/em bé nhỏ gần đó.
Như vậy, việc trẻ trì hoãn học tập hoàn toàn không phải là hành vi chống đối cha mẹ hay thoái thác nhiệm vụ học tập mà là những biểu hiện rõ ràng của tình trạng trẻ cảm thấy thiếu thoải mái, chưa sẵn sàng. Trong trường hợp này, cha mẹ cần kiên nhẫn tìm hiểu lí do và có phương cách trợ giúp con hiệu quả.
Anh1

Cần có những giải pháp để trẻ tập trung
Hình: N.T.T.H, T.T.V

CHA MẸ CÓ THỂ LÀM GÌ?
1. Nói với con về giá trị của việc học và của việc làm bài ở nhà

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng việc nói với con nhỏ về giá trị của việc học hay việc làm bài tập ở nhà là điều không cần thiết hoặc chưa phải lúc vì con còn quá nhỏ, chưa hiểu chuyện. Thực tế là nếu cha mẹ biết trò chuyện đúng cách, đúng thời điểm về vấn đề này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa các hành vi khó chấp nhận của trẻ đối với việc học. Cha mẹ nên kiên nhẫn, sáng tạo và tinh tế khi nói chuyện với con nhỏ về vấn đề khá trừu tượng này. Ngôn ngữ trẻ thơ, gần gũi, ví dụ minh họa dễ hiểu, lồng vào đó là những mong ước đầy yêu thương của cha mẹ dành cho con, khơi gợi ước mơ trong con... sẽ giúp trẻ có trách nhiệm hơn với việc học, từ đó mà giảm thiểu những trì hoãn gây căng thẳng.
2. Dạy con chủ động nhờ trợ giúp
Không phải lúc nào việc học cũng đơn giản. Cha mẹ cần nói với con rằng, việc con gặp khó khăn, mệt mỏi hay chán nản là việc bình thường. Mỗi khi con cảm thấy không ổn, cần sự trợ giúp của cha mẹ, con hãy bày tỏ, cha mẹ sẵn sàng để trợ giúp con. Việc con bày tỏ cảm xúc sẽ khiến cha mẹ tiết kiệm được thời gian và giúp con được tốt hơn, con sẽ sớm hoàn thành nhiệm vụ học tập và có thời gian để làm điều con thích. Điều quan trọng là cha mẹ phải nhất quán giữa nói và làm, và tuyệt đối tránh quát mắng hay than thở, so sánh,… khiến con bị áp lực.
3. Xây dựng không gian học tập thoải mái cho con
Cha mẹ cần chuẩn bị cho con một góc học tập đủ ánh sáng, yên tĩnh, thoáng mát và xinh xắn. Ở đó, trẻ có đủ các phương tiện học tập để không mất thời gian tìm kiếm hay lấy cớ trì hoãn, cũng không lo trẻ bị xao lãng. Ngay cả bình nước cá nhân của con cũng có thể được chuẩn bị để con không mất thời gian ra vào uống nước và kéo dài thời gian học.

  

Anh3


Trẻ cần có không gian học tập riêng tư, thoải mái
Hình: N.T.T.H, T.T.V

4. Cùng con thiết lập thời gian biểu học tập
Việc học tập vào một khoảng thời gian cố định trong ngày giúp trẻ hình thành thói quen và tâm thế sẵn sàng, chủ động học tập. Khi trẻ biết rõ lịch trình học tập của mình, trẻ sẽ tránh được sự trì hoãn hay “va chạm” với cha mẹ.
Để việc tuân thủ thời gian biểu được nghiêm chỉnh và không gây áp lực, cha mẹ nên cùng thảo luận với con về lịch sinh hoạt của gia đình. Trẻ sẽ được chủ động lựa chọn khung giờ phù hợp cho việc học bài và làm bài về nhà. Được tham gia vào việc quan trọng là sắp xếp thời gian biểu sẽ khiến trẻ cảm thấy phải có trách nhiệm để thực hiện những kế hoạch mà mình lựa chọn.
5. Sử dụng phương pháp học tập ngắt quãng
Trẻ nhỏ rất khó tập trung trong thời gian dài. Học liên tục mà không được nghỉ ngơi sẽ khiến trẻ dễ chán nản và mỏi mệt. Cha mẹ cùng trẻ thống nhất các khoảng thời gian học cứ 15 – 20 phút sẽ nghỉ 5 phút để trẻ vận động hoặc chơi một trò chơi nhỏ. Đồng hồ đếm giờ hoặc thiết bị nhắc hẹn sẽ rất cần thiết cho điều này.
6. Chia nhỏ nhiệm vụ, bắt đầu từ việc dễ nhất
Khi trẻ mới bắt đầu làm quen với việc học, nếu phải bắt đầu với số lượng bài nhiều và phức tạp so với khả năng của trẻ sẽ khiến con dễ nản lòng. Cha mẹ hãy cùng trẻ đánh giá khối lượng và độ khó của các bài tập và cùng bàn bạc, chọn những bài đơn giản để làm trước. Điều này giúp trẻ giảm áp lực và cảm thấy tự tin hơn.
7. Học mà chơi, chơi mà học
Điều này là một thách thức cho cha mẹ vì không phải ai cũng có thể làm và làm tốt.
Trẻ nhỏ thường học tốt hơn nếu được kết hợp đa dạng các phương pháp học tập (học thông qua vận động, nghe nhìn...). Cha mẹ có thể biến các bài tập thành các trò chơi như đố chữ, thi làm tính nhẩm, thay phiên nhau ra đề bài và chấm điểm, thi viết nhanh hoặc viết đúng... Điều này giúp trẻ hào hứng hơn trong học tập, vì trẻ cảm giác như đang chơi chứ không phải học.

Anh5


Học mà chơi, chơi mà học
Hình: N.T.T.H

8. Khen ngợi và động viên trẻ
Khen ngợi và khuyến khích trẻ đúng lúc, đúng mức sẽ giúp con cảm thấy hứng thú và tự hào hơn về những điều mình làm được. Điều này sẽ khích lệ con nỗ lực duy trì thói quen học tập.
9. Đảm bảo trẻ khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần
Trẻ cần phải được khỏe mạnh về thể chất và thoải mái về tinh thần mới sẵn sàng cho việc học tập tốt. Vì thế, tạo cơ hội cho trẻ vận động thể chất, cân đối thời gian học tập và vui chơi của trẻ, cho trẻ thời gian kết nối với bạn bè là điều cần thiết. Giao tiếp tôn trọng, thấu hiểu và tin tưởng trẻ cũng giúp trẻ giữ tâm thế thoải mái để học tập hiệu quả.

Anh6

Trẻ học từ thực tế

Như vậy, để giúp trẻ nhỏ - nhất là trẻ mới vào lớp Một - vượt qua các khó khăn của giai đoạn chuyển tiếp này, cha mẹ cần hiểu rõ đặc điểm phát triển độ tuổi của con, hiểu con đang cần gì và cảm thấy như thế nào để trợ giúp con. Thay vì tạo áp lực cho cả mình và con, cha mẹ hãy đồng hành cùng con trong tình thương yêu, kiên nhẫn và thấu hiểu để việc học trở thành niềm vui và sự gắn kết chứ không phải là một “cuộc chiến” căng thẳng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây