Với sự biến chuyển tốc độ cao của thời cuộc, của công nghệ, báo chí cũng trong dòng chảy cuồn cuộn đó, nếu không đủ tình yêu với nghề báo, không đủ bản lĩnh, không đủ phông kiến thức sâu rộng rất khó có thể trở thành nhà báo thực thụ, có những đóng góp tích cực cho tờ báo, cho sự phát triển của xã hội.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ về công nghệ thông tin, ngày nay truyền thông được xem là một công cụ hữu ích để nâng cao uy tín, tạo lợi thế cạnh tranh và thu hút công chúng quan tâm. Tuy nhiên, cũng chính từ truyền thông, tin đồn thường là “món thơm” khiến không ít nhà báo “bắt mùi” một cách nhanh chóng. Điều rất nguy hại khi tin đồn được “chính thống hóa” trên báo chí, nó đã gây phản tác dụng với mục đích đưa tin, làm hoang mang dư luận và thậm chí ảnh hưởng tới uy tín của các cá nhân, tập thể.
Là phóng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực giải trí, anh Lê Thành Đạt, phóng viên báo Saostar chia sẻ: “Trước khi viết các bài báo liên quan tới KOLs, người có tầm ảnh hưởng lớn,… bản thân phải rất tỉnh táo và khôn khéo nhằm tránh sa vào các tin không đúng sự thật”.
Các tin đồn này xuất hiện từ nhiều mục đích: hạ bệ, bôi nhọ danh dự của các bên,… và điều này thật sự khiến cho môi trưởng truyền thông ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Theo anh Đạt, để môi trường báo chí cạnh tranh lành mạnh, nhà báo hay phóng viên nên tránh chạy theo tin bài, câu view, giật gân mà khiến cho đạo đức của nhà báo “xuống cấp”, mất đi uy tín của báo chí nói chung.
Có thể thấy, nhà báo phải chịu rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực thời gian. Báo chí là sản phẩm gắn liền với dòng chảy thời sự nên nhà báo phải giao sản phẩm về tòa soạn đúng giờ, đúng ngày, đúng thỏa thuận. Nếu chậm một vài giờ thì có thể tin đó không còn được sử dụng. Làm sao để có bài viết vừa hay vừa kịp thời là vấn đề nhà báo luôn luôn phải giải quyết.
“Là nhà báo cần có tư duy phát hiện vấn đề nhanh, tác nghiệp nhanh và kỹ năng tốt thì nhà báo mới vượt quan được áp lực thời gian. Đồng thời tin phải chuẩn mực, không thêm thắt , đảm bảo tính khách quan”, theo chị Tường Vân - phóng viên báo Lao động bày tỏ.
Làm báo trong môi trường truyền thông số
Dưới sức ép của thời đại công nghệ số, người làm báo không những phải trang bị đủ kiến thức chuyên môn mà đòi hỏi thêm sự trau dồi kĩ năng tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Trao đổi về kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện, nhà báo Nguyễn Hiếu Công - Phó ban Kinh tế Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến Zing News trong một buổi sinh hoạt chuyên đề đã giúp sinh viên biết đến sản phẩm báo chí đặc biệt có tên gọi là “Feature”. Dưới kiến thức của một người trong nghề, anh đã đưa ra ví dụ cụ thể và đi phân tích từ nội dung, ảnh, đồ hoạ, video… để sinh viên tiếp cận một cách khách quan nhất. Bên cạnh đó, Nhà báo Nguyễn Hiếu Công cũng chia sẻ thêm những kỹ năng viết bài chuyên sâu như Longform, Kover, Signature và phương pháp phỏng vấn thông qua xây dựng thương hiệu cá nhân.
Nhà báo Hiếu Công cho rằng: “Để có được những tác phẩm như vậy không hề đơn giản. Ngoài việc phải dành nhiều thời gian cho tác phẩm, đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn phải học hỏi rất nhiều từ những chuyên gia đến từ những tờ báo nổi tiếng: New York Times, Washington Post. Một bài Feature không chỉ chuyên sâu, phù hợp với tuyến bài đinh mà còn phải tạo ấn tượng nhất định cho độc giả. Muốn vậy, phải trau chuốt trong từng câu chữ và hiểu rõ vấn đề mà bản thân sẽ triển khai”.
Ngoài ra, nhà báo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thể loại phỏng vấn trong báo chí hiện nay. Là người có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp, nhà báo Nguyễn Hiếu Công cho biết, không phải ai cũng làm được một bài phỏng vấn hay. Viết một bài phỏng vấn đã khó, nhưng thuyết phục đối tượng phỏng vấn trả lời các câu hỏi mình đặt ra còn khó hơn rất nhiều. “Trước khi viết phải nghiên cứu rõ nhân vật của mình, soạn sẵn câu hỏi để nhân vật chuẩn bị tâm thế, lên kịch bản cho bài viết và quan trọng nhất là chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bản thân.Chỉ cần những việc làm tưởng chừng nhỏ nhưng đôi khi sẽ quyết định sự thành công của buổi phỏng vấn. Để có được một không khí thoải mái giữa nhà báo và nhân vật phỏng vấn, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy, làm việc ồ ạt, thiếu chuyên nghiệp.
“Nếu như đối tượng phỏng vấn là một yếu nhân, nhà báo lưu ý cần phải xây dựng cho mình một thương hiệu cá nhân, xây dựng các mối quan hệ và tạo cho mình sự chỉn chu nhất định” - nhà báo Hiếu Công lưu ý.
Hiện nay, báo chí trí tuệ không chỉ dừng lại đơn thuần ở việc ứng dụng công nghệ thông tin. Báo chí trí tuệ còn là việc vận dụng những hiểu biết chuyên sâu của bản thân, đảm bảo những công thức bất di bất dịch trong làm báo - xét cho cùng, là chinh phục công chúng bằng hàm lượng trí tuệ ở từng trang viết.
Trong một lần phỏng vấn về vấn đề này, TS. Nguyễn Tri Thức - Ủy viên Ban biên tập kiêm Trưởng ban Chuyên đề, Tạp chí Cộng sản cho hay: “Trong khi mỗi nhà báo có những cảm xúc khác nhau xung quanh một vấn đề, hiện tượng, thì trí tuệ nhân tạo không được như vậy - bởi lẽ, trí tuệ nhân tạo vốn là sản phẩm đã qua lập trình, nên ít nhiều sẽ có sự máy móc, không biểu lộ được cảm xúc thật sự. Báo chí trí tuệ không đơn thuần chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Báo chí trí tuệ còn được hiểu theo nghĩa khác, đó là “làm báo sao cho có trí tuệ”.
Bên cạnh đó, nhà báo cũng đề cấp đến vấn đề làm “báo sao cho có trí tuệ”. Trí tuệ ở đây là sự uyên bác và hiểu biết về các vấn đề. Vì vậy ngoài nguyên tắc 5W + 1H mà nhà báo nào cũng cần tuân thủ, hiện nay báo chí còn có thêm nguyên tắc 5I: Intelligent - Thông minh), Interesting - Thú vị, Insightful – Sâu sắc, Interpretation - Sáng tỏ, Informed - Am hiểu. Trong báo chí hiện đại, hai nguyên tắc này luôn song hành với nhau. Và muốn chinh phục những độc giả khó tính nhất, nhà báo cần phải đào sâu và hiểu kĩ.
Mỗi cây viết trẻ trước khi vào nghề cần phải đặt cho bản thân câu hỏi: mình thích lĩnh vực nào nhất, từ đó mới có thể dấn sâu vào những vấn đề bản thân quan tâm. Mỗi người đều có một thế mạnh và phong cách riêng, cho nên, hãy biết cách khai thác điểm mạnh, để làm sao người làm báo đi đúng định hướng và mang lại giá trị cho xã hội./.