Tác giả bài viết: Ban Chuyên đề
Trải qua chặng đường đầy gian khổ nhưng hết sức vẻ vang, nền Báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, với sứ mệnh cao cả, trọng trách lớn lao là phụng sự nhân dân, cùng hướng đến chân, thiện, mỹ và một xã hội công bằng, văn minh, ngày càng phát triển.
Vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng đã phát huy vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Là công cụ đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp quan trọng, động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng quân xâm lược. Những bản tin, bài báo, bức ảnh, phóng sự thu thanh từ chiến trường trên các báo thực sự là nguồn động viên to lớn và như lời hiệu triệu lớp lớp thanh niên lên đường đánh giặc.
Từ trong máu lửa chiến tranh, nhiều tác phẩm báo chí đã trở thành “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Trong kháng chiến muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, cái chết luôn cận kề, nhưng người làm báo đã ra trận với tư thế người chiến sĩ, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu, đã tạo nên những tác phẩm báo chí giàu sức sống, gắn kết hàng triệu người dân cả nước, cùng hướng về một mục tiêu, đó là giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.
Kể từ khi tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-ngày báo Thanh Niên ra số đầu tiên đã trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam). Trải qua 98 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả những mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu. Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.
Báo chí ngày một lớn mạnh, phát triển vượt bậc
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), nền Báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước.
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), báo chí đã được tiếp nhận luồng sinh khí mới. Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội, báo chí cả nước đã phát huy vai trò xung kích, thể hiện rõ chức năng giám sát của nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.
Trải qua 37 năm đổi mới (từ năm 1986), nền báo chí cả nước đã có những bước phát triển vượt bậc về đội ngũ, về kỹ thuật - công nghệ, cũng như trình độ tác nghiệp. Rất nhiều tấm gương nhà báo, phóng viên tận tâm, tận lực, có trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng khi tác nghiệp phụng sự nhân dân. Đội ngũ người làm báo có nhiều tác phẩm báo chí mang tinh thần đổi mới, ủng hộ, cổ vũ động viên những nhân tố mới, điều hay lẽ phải trong đời sống xã hội. Đồng thời, dũng cảm thực hiện nhiều tác phẩm điều tra đấu tranh chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của những người làm báo tiếp tục được phát huy. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng báo chí đã bám sát cuộc chiến đấu chống dịch bệnh quyết liệt chưa từng có. Báo chí được ví như một “binh chủng” đặc biệt thực hiện thông tin tuyên truyền để người dân hiểu biết về dịch bệnh, tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, động viên tinh thần quả cảm của các lực lượng tham gia chống dịch. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nổi lên như điểm sáng, bài học quý cho thế giới trong công tác chống dịch Covid-19 là nỗ lực lớn của cả nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng và rất tự hào của báo chí.
Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, Báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
Nguồn tin: doanhnghiepvakinhtexanh.vn