trongdong
text logo

Tăng cường năng lực cạnh tranh doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Tác giả bài viết: TS. Lê Thành Ý

Thứ năm - 31/08/2023 22:27

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng là nhiệm vụ hết sức cần thiết. Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, các nguồn lực sản xuất trong nước có hạn, kỹ thuật sản xuất, chế biến chưa hiện đại, cơ giới hoá sản xuất thấp, công nghệ sinh học chưa phát triển, nhiều yếu tố đầu vào cho sản xuất lại lệ thuộc vào thị trường thế giới đang trở thành vấn đề mang tính cấp bách.

Ngày 29 tháng 08 năm 2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã phối hợp cùng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương Đảng tổ chức Tọa đàm “Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam” nhằm gợi ra những đánh giá, nhận định về thực trạng nền nông nghiệp, sự tham gia của các doanh nghiệp vào đầu tư; đồng thời đưa ra phân tích, tổng hợp những tác nhân tác động chính đến khó khăn của nông nghiệp trong năm 2023.

Ban tổ chức tọa đàm mong muốn diễn đàn là nơi các cơ quan, doanh nghiệp tham dự trình bày các giải pháp giúp tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và cung cấp vật tư nông nghiệp, qua đó hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp vật tư giải quyết khó khăn, gợi mở những chính sách hỗ trợ phù hợp để tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy nông nghiệp phát triển,đáp ứng được nhu cầu gia tăng của thị trường thế giới.

Tọa đàm nhận thấy, xung đột Nga-Ukraina và tác động của hậu đại dịch COVID-19 đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu. Giá nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng với ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn,... đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp thế giới.

Trước những khó khăn nội tại và tác động từ bối cảnh bên ngoài, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt kết quả khá. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Bên cạnh những thành công, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế đó là phát triển thiếu bền vững, giá vật tư đầu vào cho sản xuất ở mức cao; thị trường thu hẹp, một số thị trường truyền thống gặp khó khăn. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Nhiều loại giống cây trồng, giống vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ban tổ chức tọa đàm cho biết, quý I năm 2023 tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lại tăng 2,52%, đóng góp trên 8,8% vào mức tăng trưởng chung là mức đóng góp lớn của cả ba khu vực kinh tế.

Trong nông, lâm nghiệp và thủy sản, nông nghiệp vẫn là ngành phát triển ổn định. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, một số loại sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế;

Tọa đàm nhận thấy, những thách thức với nông nghiệp tập trung vào chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, thiếu ổn định; tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn hạn chế trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn.

Về tổ chức ngành chủ yếu vẫn dựa vào hộ sản xuất quy mô nhỏ của trên 9,1 triệu hộ nông dân; sản xuất thiếu bền vững trong xu hướng tăng đầu vào để nâng cao năng suất và phòng, chống dịch bệnh phức tạp còn phổ biến. Tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế là chủ yếu nên giá xuất khẩu thấp hơn sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Năng lực chủ động và khả năng thương thuyết trong thương mại quốc tế, năng lực phân tích thông tin và dự báo thị trường còn nhiều hạn chế.

Cùng với những hạn chế này, cơ sở hạ tầng thương mại, logistics, giao thông vận tải thiếu đồng bộ và không đáp ứng được nhu cầu nội địa; thiếu các trung tâm kết nối nông sản tại các vùng miền, thiếu hệ thống kho ngoại quan và trung tâm hậu cần phục vụ xuất khẩu. Các trung tâm logistics kết nối với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng đúng mức.

Tham luận tại tọa đàm, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các chính sách của Chính phủ, bộ, ngành nhằm tăng khả năng phát triển, năng lực cạnh tranh và việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp.

Đồng thời với những đánh giá, một số đại biểu cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội tăng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có lợi thế trong thương mại, nhiều cơ hội lựa chọn thị trường và đối tác hơn, nhờ đó, giảm được mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh hội nhập với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững nông nghiệp thế giới./.

Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây