Xã hội ngày nay khi các điều kiện sống càng phát triển thì quan điểm và lối sống cũng dần thay đổi theo xu hướng dân chủ và cởi mở hơn, trong đó có vấn đề tái hôn của người cao tuổi. Thực tế cho thấy khi tuổi thọ ngày càng được cải thiện thì cuộc sống của người cao tuổi cũng có nhiều thay đổi, nhu cầu của những người cao tuổi cô đơn, sống một mình muốn đi “thêm bước nữa”, hoặc tái hôn là một trong những nhu cầu cơ bản và thiết yếu. Thêm một người “tri âm, tri kỷ”, người “bạn đời” đồng hành, chia sẻ mọi khó khăn trong phần đời còn lại sẽ giúp cho người cao tuổi có thêm sinh lực, trí lực và tinh thần lạc quan, để sống vui, sống khỏe, tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Cần buông bỏ những định kiến xã hội để tích cực ủng hộ và hỗ trợ người cao tuổi trong những quyết định, những trường hợp muốn chung sống hoặc tái hôn hướng đến mục đích an vui tuổi già.
Từ những năm 2000, nhà biên kịch Lê Chí Trung đã công bố tác phẩm chính kịch “Người yêu của cha tôi” (Sau này sân khấu kịch Hồng Vân dựng lại, đổi tên là “Mẹ và người tình”) kể về câu chuyện tình yêu và nhu cầu tái hôn của người cao tuổi. Bối cảnh vở kịch xoay quanh câu chuyện người cha sau nhiều năm ở cảnh “gà trống nuôi con”, khi các con trưởng thành, ông muốn tái hôn nhưng hết lần này đến lần khác, bị các con phản đối. Chỉ khi ông mất, những người con mới nhận ra sai lầm của mình, vì những định kiến lễ giáo mà đã ứng xử có phần “tàn nhẫn” với bố đẻ của mình khiến ông không thể với tay tới một chút hạnh phúc nhỏ nhoi và riêng tư của bản thân mình. Thực tế xã hội cho đến nay vẫn khá định kiến với tình yêu, hôn nhân của người cao tuổi, cho rằng người cao tuổi là độ tuổi không còn nhu cầu và phù hợp với các mối quan hệ khác giới. Nếu người cao tuổi góa chồng/vợ thì chỉ cần sống trong gia đình, an vui với con cháu, con cháu chăm lo phụng dưỡng là đủ.
Khi người cao tuổi đang dần trở thành trung tâm của các chính sách, thì cần phải thay đổi nhận thức xã hội hướng đến những giá trị tích cực hơn đối với người cao tuổi, nhất là sự tôn trọng quyền và nhu cầu chính đáng của người cao tuổi. Rất nhiều hoàn cảnh thực tế của người cao tuổi thuộc những điều “không ai mong muốn” khi người bạn đời ra đi trước họ, họ sẽ phải sống trong cả phần đời còn lại thiếu sự chia sẻ về tình cảm vợ chồng. Con cháu, là những người khác thế hệ, dù hết mực yêu thương, kinh trọng ông bà, cha mẹ mình thì mọi sự suy nghĩ, chia sẻ của con cháu không thể thay thế cho quan hệ vợ chồng. Tục ngữ xưa người Việt vẫn nói “con chăm cha, không bằng bà chăm ông” để khẳng định các mối quan hệ gia đình đều mang tính đặc thù riêng và không thể thay thế.
Người cao tuổi vẫn có những tình cảm đặc biệt với người khác giới, sự khát khao khi có người vợ, người chồng, người “bạn đời già” bên cạnh mỗi lúc vui buồn, có thể thương yêu, chăm sóc cho nhau mỗi lúc lúc “nắng mưa”, “trái gió trở trời” và những sự thấu cảm khác trong cuộc sống không dễ mô tả thành lời. Đôi khi trong cuộc sống hàng ngày, người cao tuổi thường che dấu những tâm trạng “thầm kín” của mình để làm “tròn vai” người ông, người bà, người cha, người mẹ mẫu mực trong gia đình và ngoài xã hội. Đôi khi “vỏ bọc” càng lớn lại càng làm người cao tuổi trở nên cô đơn hơn. Điều này đôi khi không hiểu được hết khi ở suy nghĩ của con cháu, nhất là họ cũng bận rộn với công việc gia đình, kiếm sống và sự nghiệp riêng, không thể “toàn tâm toàn ý” nghĩ và làm các việc cho bố mẹ mình.

Người cao tuổi đi bước nữa - Ảnh minh họa, nguồn Internet
Những người cao tuổi ngày nay thừa nhận nhu cầu về tình cảm, tình yêu, mong muốn sống chung hay tái hôn với người khác giới thì đó là sự dũng cảm vưởi qua các định kiến truyền thống. Gia đình và xã hội cần nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề này, thay đổi quan điểm, để giải phóng các giá trị sống cho người cao tuổi. Việc người cao tuổi có tình yêu nam nữ, không phải là sự vi phạm đạo đức, chuẩn mực hay vi phạm tính biểu tượng của người cao tuổi trong gia đình. Người cao tuổi kết hôn không sai về pháp luật hay đạo đức mà sai trong suy nghĩa của xã hội. Người cao tuổi không phải là “tài sản” riêng thuộc quyền “sở hữu” của con cháu mà họ có quyền được sống, được lựa chọn giá trị riêng cho mình.
Cả cuộc đời những người cao tuổi đã dành cho việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cháu trưởng thành, thành đạt. Khi về già họ cần được sống cho mình, được an vui, được làm những việc theo sở thích, tâm nguyện bản thân. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại “ràng buộc” những “trách nhiệm vô hình” đối với người cao tuổi. Thậm chí sẽ là sai lầm khi đánh tráo khái niệm đạo đức của người cao tuổi. Khi xã hội thiếu tôn trọng quyền riêng tư của người cao tuổi, viện dẫn mọi lý do đạo đức để lên án tình yêu, hôn nhân người cao tuổi, đó mới là xã hội thiếu đạo đức.
Trách nhiệm con cháu trong gia đình là những người đầu tiên phải thay đổi quan niệm về cuộc sống của cha mẹ mình khi ông bà cha mẹ là người cao tuổi. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tâm lý mgười cao tuổi độc thân, ở độ “xế chiều” thường có có biểu hiện giống với “các em nhỏ”: dễ tự ái, dễ bị tổn thương, hay suy nghĩ, cần sự quan tâm, giao tiếp thường xuyên với mọi người. Tuy nhiên quá trình giao tiếp khác thế hệ lại gặp không ít khó khăn và không hoàn toàn có thể đem lại sự thỏa mãn tinh thần cho người cao tuổi như sự tương đồng thế hệ. Trong tình cảm cũng vậy, những gia đình có đủ cả ông, cả bà thì luôn vui vẻ, rộn rã tiếng cười hơn là gia đình chỉ có một người cao tuổi sống độc thân. Vì vậy, con cháu không chỉ nên quan tâm đến bữa cơm, chén thuốc của người cao tuổi mà nên quan tâm đến đời sống riêng tư của ông bà, cha mẹ mình, nên ủng hộ ông bà, cha mẹ mình nếu muốn đi bước nữa, vì có như vậy chính họ được giảm đi khá nhiều áp lực trong quá trình chăm sóc ông bà, cha mẹ mình.
Thực tế nhu cầu tình yêu hay tái hôn của người cao tuổi không giống như những người trẻ tuổi. Tình yêu tuổi trẻ thường sôi nổi, lãng mạn đôi khi có phần cảm tính, bồng bột thiên về những thứ hình thức, biểu hiện bên ngoài. Người cao tuổi lại khác. Tình yêu với họ là những cảm xúc và suy nghĩ chín chắn, sâu sắc ở những người trải nghiệm đã đi qua tất cả những thành công, thất bại, buồn vui trong cuộc sống. Khi xã hội vẫn còn nhiều định kiến, người cao tuổi giữ những cảm xúc về tình yêu trong lòng mình như những câu chuyện “bí mật”, họ cũng suy nghĩ không nhất thiết hướng đến mục tiêu về sống chung nhà hay kết hôn. Không đến được thì người cao tuổi vẫn cố gắng giữ quan hệ bạn bè, là những người “tri âm, tri kỷ” làm bầu bạn tâm sự, chia sẻ và đồng hành cùng nhau qua vui, buồn.
Bên cạnh tâm lý e ngại về tình yêu tuổi già, thì người cao tuổi cũng lo ngại khi tái hôn sẽ xảy ra tình trạng “con anh, con tôi” và thái độ phản ứng của con cái trong mối quan hệ của họ dễ xảy ra những mâu thuẫn gia đình. Tâm lý con cháu thì không chỉ thường ích kỷ, muốn chia sẻ ông bà, cha mẹ mình với những mối quan hệ khác mà còn sợ xã hội chê cười, sợ vướng vào các vấn đề phát sinh như phân chia tài sản, ứng xử trong quan hệ họ hàng… Thực tế hiện nay rất ít người cao tuổi và gia đình họ vượt được qua rào cản để tái hôn. Thoáng lắm thì thấy có đám cưới cụ ông với các phụ nữ trẻ tuổi, trung tuổi, còn hầu như không thấy có đám cưới cụ bà tái hôn.
Đã đến lúc cần phải tôn trọng quyền của người cao tuổi hơn: quyền được yêu, được kết hôn, được sống độc lập với gia đình riêng, không phụ thuộc vào con cháu. Sự cấm cản các mối quan hệ khác giới của người cao tuổi, không chỉ đem đến những mâu thuẫn gia đình mà còn tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực với sức khỏe, tinh thần người cao tuổi. Cần cổ vũ, động viên, hỗ trợ người cao tuổi đi bước nữa khi người cao tuổi dũng cảm nói và thừa nhận nhu cầu chính đáng của mình. Người cao tuổi, bên cạnh sự đóng góp cho gia đình và xã hội họ cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu bản thân, cần tận hưởng cuộc sống, làm nốt những cái điều mà mình muốn làm mà chưa làm được, giữ một thái độ tích cực, lạc quan, yêu đời và giảm bớt sự phụ thuộc vào con cháu trong cuộc sống.