ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa
Gia Bách: Xin chào ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa. Cảm ơn cô đã nhận lời trò chuyện với chúng tôi. Chúng ta sẽ trao đổi về một chủ đề đang rất “hot” trên các diễn đàn giáo dục và được nhiều người quan tâm, đó là: Làm cha mẹ liệu có cần phải học? Hai nội dung chính mà chúng tôi muốn được nghe ý kiến từ cô: cha mẹ có cần phải học không? Và học làm cha mẹ là học những gì?
Là một phụ huynh, là người mẹ có 4 con, và cũng là một nhà giáo dục, cô nghĩ gì về hai nội dung này?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ chúng ta cần nói đến chuyện “làm cha mẹ là làm gì” trước. Làm cha mẹ không đơn giản chỉ là sinh con ra, nuôi lớn, cho đi học là đủ như đa số chúng ta vẫn nghĩ và làm lâu nay. Cái gánh của cha mẹ nặng lắm. Nói cho sòng phẳng thì trường học chỉ phải dạy con cái chúng ta kiến thức. Còn việc dạy các con nên người phải là cha mẹ. Cha mẹ nào cũng yêu con, mong muốn nuôi dạy con thành nhân, thành tài, nhưng có mấy người trong chúng ta thành công với vai trò này!?
Để xét mức độ thành công trong vai trò làm cha mẹ, cần căn cứ trên 3 tiêu chí: tự con thấy hạnh phúc, cha mẹ thấy con hiếu thảo, xã hội thấy con thành đạt. Thử làm một cuộc khảo sát bỏ túi thôi, chúng ta cũng có thể thấy số đạt được cả 3 tiêu chí này cực kỳ ít. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự kiệt sức, bất lực nơi nhiều cha mẹ. Chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những cha mẹ mất kết nối nghiêm trọng với con cái. Và nhiều điều đáng buồn, đáng thương khác nữa trong công cuộc làm cha mẹ vốn rất dài và rất khó khăn này.
Vậy học làm cha mẹ là học để làm cho tròn vai: cha phải ra cha, mẹ phải ra mẹ. Cụ thể là học cách để nuôi dạy con trở thành người hạnh phúc, hiếu thảo và thành đạt.
Làm cha mẹ là “nghề” khó nhất, nhưng lại không được đào tạo
Gia Bách: Nghĩa là nhất định cha mẹ phải học thì mới có thể làm tốt vai trò của mình?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Khi một đứa trẻ bất ổn, người ta sẽ ngay lập tức quy trách nhiệm cho cha mẹ chúng. Điều này cũng đúng thôi! Tuy nhiên, tôi muốn nói đến cái khó của cha mẹ để ta có cái nhìn công bằng hơn. Quy trách nhiệm thì dễ, nhưng mấy ai nghĩ đến chuyện phải đào tạo cho cha mẹ để họ làm tốt vai trò của mình? Làm bất cứ việc gì, muốn thành công thì phải có kiến thức và kỹ năng. Làm cha mẹ cũng thế. Nhưng bao nhiêu người được đào tạo kỹ năng làm cha mẹ? Và ai đào tạo cho họ?
Thực tế có những người được trời phú cho khả năng đặc biệt để trở thành cha mẹ lý tưởng. Nhưng có bao nhiêu người được như thế?
Nếu không được đào tạo, cha mẹ sẽ thương con theo bản năng và dạy con theo kinh nghiệm. Mà thương theo bản năng thì có thể dễ bị sai cách, và dạy theo kinh nghiệm thì rất dễ gặp khó. Khi gặp khó khăn, họ thường, hoặc sẽ trừng phạt con, hoặc sẽ thỏa hiệp với con, hoặc sẽ xem con như đồ bỏ... Có ai dạy họ cách hóa giải những vấn đề đó thật hiệu quả để con cái tốt hơn, để cha mẹ an lòng, để gia đình được êm ấm? Thực tế cho thấy nhiều gia đình lục đục cũng chỉ vì chuyện của con cái.
Gia Bách: Quả thật “nghề” làm cha mẹ không hề dễ dàng! Tôi tin là độc giả của chúng tôi cũng đang muốn biết những vấn đề mà phụ huynh/học viên của cô thường gặp phải trong quá trình nuôi dạy con cái là gì? Là nhà đào tạo, cô có thể chia sẻ cụ thể hơn?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Những vấn đề mà học viên của tôi gặp phải là những vấn đề vẫn xảy ra trong cuộc sống hàng ngày xung quanh chúng ta ở bất cứ gia đình nào. Ví dụ như: con không thích học, không tự giác học, bỏ học, nói dối, không nghe lời, trộm tiền của cha mẹ, nghiện game, con không chịu làm việc nhà, con chậm chạp, con yêu sớm, con ích kỷ - chỉ biết đòi hỏi,... Cha và mẹ không có tiếng nói chung trong việc dạy con, cha mẹ không thể kiểm soát cảm xúc trước những hành vi khó chấp nhận của con, mất kết nối với con,.... Những chuyện này rất phổ biến và kéo dài, bào mòn sức lực của cha mẹ, bào mòn luôn cả mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vốn dĩ thiêng liêng và tốt đẹp. Vậy nên cha mẹ cần học cách để giải quyết ổn thỏa.
Cần phải nói thêm, học làm cha mẹ không chỉ để giải quyết những vấn đề như thế này mà quan trọng hơn là để biết cách phòng ngừa, và giáo dục con cái trở thành những người hạnh phúc, biết làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của chúng.
Học viên của tôi đa dạng thành phần. Anh chị em công nhân có, nội trợ có, nhưng đông nhất vẫn là nhóm người có trình độ (tạm gọi như vậy). Nhiều người trong số đó là các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, người giữ chức vụ cao trong tổ chức nghề nghiệp, người làm giáo dục, có những người là người của công chúng hoặc nổi tiếng trên truyền thông trong lĩnh vực nghề nghiệp của họ. Kể ra như vậy để thấy rằng nhiều cha mẹ dù giỏi chuyên môn và đầy kỹ năng nghề nghiệp nhưng không có nghĩa là không gặp khó trong việc giáo dục con. Nói chung là hầu hết họ đang gặp vấn đề với con!
Thương con theo bản năng thì có thể dễ bị sai cách, dạy con theo kinh nghiệm thì rất dễ gặp khó khăn.
Lớp học "Làm cha mẹ chủ động" của ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa
Gia Bách: Như vậy, muốn hoàn thành tốt chức phận thì cha mẹ thật sự cần phải học. Là phụ huynh của một chàng trai lên 6, tuy con còn nhỏ, nhưng tôi đã cảm thấy khá nhiều thách thức. Tôi cũng nhận ra “có con rồi mới học làm cha” là hơi muộn. Vậy phụ huynh chúng tôi nên học làm cha mẹ ở thời điểm nào thì hiệu quả nhất, thưa cô?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Làm việc gì mà có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì thường cho kết quả tốt. Làm cha mẹ cũng vậy. Có một giai thoại thế này: Hoàng đế Napoleon của Pháp quốc – trong một buổi tiếp kiến các mệnh phụ phu nhân – đã hỏi họ: sinh con ra, các bà nghĩ phải dạy con khi nào? Một người cho rằng phải dạy con từ lúc lên 3. Người khác cho rằng phải dạy con từ khi con còn trong dạ mẹ. Người lại cho là nên dạy con ngay khi mới lọt lòng. Nhưng Napoleon đều lắc đầu. Và theo vị đại đế này, thời điểm dạy con tốt nhất là 20 năm trước khi con được sinh ra.
Câu chuyện này hy vọng có thể thay cho câu trả lời của tôi!
Khai mở tư duy đúng là cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần phải thực hành
Gia Bách: Học làm cha mẹ thật sự cần thiết và nên học càng sớm càng tốt. Ở nước ta, đặc biệt tại những thành phố lớn, các lớp học làm cha mẹ ngày nay cũng không quá xa lạ nữa, nhưng vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Theo cô nguyên nhân là gì và do đâu?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Theo tôi, có một số nguyên nhân chính sau:
Đầu tiên là do quan niệm. Rất nhiều người vẫn nghĩ rằng hễ sinh con ra đương nhiên trở thành cha mẹ. Bao đời nay vẫn vậy thì việc gì mà phải học. Tình thương yêu con sẽ khiến cho cha mẹ biết phải làm gì. Hơn nữa, thế hệ trước chính là tấm gương để thế hệ sau học hỏi cách dạy con. Cứ dạy con theo kiểu truyền thống như thế là đủ. Ngoài ra còn có nhà trường dạy con họ, “trăm sự đã có thầy cô”.
Lí do phổ biến khác là phần nhiều các cha mẹ quá vất vả với việc mưu sinh nên không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện cần phải học để dạy con cho thuận lợi. Có thể cũng có nhiều ba mẹ nghĩ đến, nhưng thời gian và công cuộc mưu sinh là trở ngại lớn cho việc theo học các lớp cha mẹ. Họ lo được cho con cái đủ ăn đủ mặc, được đến trường là may mắn lắm rồi. Con không ý thức được thì cũng đành chấp nhận.
Một lí do nữa là có nhiều lớp học dành cho cha mẹ được mở ra nhưng chưa hiệu quả do mới chỉ dừng ở mức khai mở tư duy, tác động đến tâm thức của cha mẹ chứ chưa giúp họ cách thức để giải quyết các vấn đề của họ. Điều đó vô tình gây mất niềm tin trong một số ba mẹ đang sốt ruột tìm kiếm giải pháp, khiến họ nghĩ rằng những lớp học làm cha mẹ chỉ cung cấp lý thuyết suông, không thật sự có ích, không cần phải học.
Cũng không loại trừ việc truyền thông các khóa học chưa hiệu quả, chưa nêu bật được giá trị của khóa học, các thông tin cần thiết chưa đến được với các phụ huynh.
Không biết ở góc độ của một phụ huynh, anh nghĩ nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Gia Bách: Một câu hỏi thú vị! Tôi đặt vấn đề dưới góc độ của truyền thông. Muốn truyền thông hiệu quả thì phải nắm chắc, hiểu rõ nội dung và nêu bật đươc giá trị của các khóa học. Còn với tư cách là một phụ huynh, tôi đang nghiêm túc nghĩ đến chuyện sẽ theo học vài khóa học làm cha mẹ. Lúc nãy cô có đề cập đến việc có nhiều khóa học chưa giúp cha mẹ đi vào thực hành các vấn đề của họ. Vậy có dấu hiệu nào để giúp phụ huynh chúng tôi biết những khóa học như thế nào là phù hợp và hữu ích?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Những khóa học khai mở tư duy đúng đắn cho cha mẹ thực sự rất hữu ích. Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì các ba mẹ có thể tự nghiên cứu trong sách vở thôi cũng được. Sách hay dành cho cha mẹ bây giờ nhiều lắm, quan trọng là cha mẹ chủ động đến đâu, chịu tự học, tự nghiền ngẫm đến đâu.
Điều phụ huynh cần là những khóa học thực hành được thiết kế hợp lý, giúp các cha mẹ lĩnh hội những kỹ năng quan trọng để hóa giải những khó khăn trong hành trình nuôi dạy con cái, dự phòng được các vấn đề có thể xảy ra để chủ động ngăn ngừa. Có thể dễ dàng nhận diện những khóa học như vậy qua các dấu hiệu như: chương trình được thiết kế bài bản, tác giả của chương trình là những nhà chuyên môn tầm cỡ, các đơn vị uy tín về giáo dục đứng ra tổ chức, số lượng học viên rất giới hạn, hầu hết phải học trực tiếp (rất hạn chế dạy và học online). Đơn cử vài chương trình rất giá trị như Cha mẹ hiệu quả của Thomas Gordon, Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày của Joan Durant, Giáo dục dự phòng của Linh mục Don Bosco.
Một hoạt động trong lớp “Hành trang vào đời cho người trẻ” của ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa
Gia Bách: Hai chương trình đầu thì tôi có biết. Linh mục/Cha Thánh Don Bosco tôi cũng biết. Và tôi đang rất quan tâm đến từ khóa “Giáo dục Dự phòng”. Cô có thể giới thiệu một chút về chương trình này không, thưa cô?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Ban đầu đây là chương trình nhằm giáo dục thanh thiếu niên “có vấn đề” của nhà giáo dục vĩ đại – Linh mục Don Bosco, người Ý, ở thế kỷ 19. Chương trình hướng dẫn các nhà giáo dục thời bấy giờ (và sau này là cho cả các cha mẹ) phương pháp giáo dục người trẻ một cách chủ động: phương pháp dự phòng. Với phương châm giáo dục phòng ngừa bao giờ cũng dễ dàng và tốt hơn là sửa chữa, chương trình đã đề ra những phương cách giúp cho cha mẹ và những người nuôi dạy trẻ sự chủ động dự phòng, ngăn ngừa các vấn đề có thể gặp phải. Phương pháp dự phòng của cha Don Bosco bao gồm việc xác định mục tiêu của việc làm cha mẹ, lựa chọn phương pháp giáo dục con trẻ, xây dựng nếp nhà, ý thức về vai trò của người làm cha mẹ, sự tôn trọng trẻ, cách để trẻ yêu thương cha mẹ, các kỹ năng khích lệ và ghi nhận, các cách thức hóa giải vấn đề trong tinh thần yêu thương và tôn trọng...
Gia Bách: Quả thật phương pháp đó, nếu thực hành tốt, sẽ rất hữu ích. Phòng hơn chữa, chủ động ngăn ngừa thì đỡ phải sửa. Theo đó, có thể hiểu đối tượng học của chương trình Giáo dục Dự phòng không chỉ là những cha mẹ đã có con, mà còn dành cho các bạn trẻ chuẩn bị làm cha mẹ, và cả những bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Làm cha mẹ là một hành trình rất dài, không ai có thể chắc chắn rằng mình sẽ không gặp vấn đề. Chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để làm chủ “cuộc chơi” này là điều cần thiết. Thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến việc cần phải học những khóa học tiền hôn nhân là bởi họ nhìn thấy gốc rễ của các vấn đề gia đình. Bên đạo Công giáo, để được kết hôn, các bạn trẻ buộc phải tham dự khóa học chuẩn bị hôn nhân. Điều đó giúp ích cho các cha mẹ rất nhiều. Đó chính là tinh thần của giáo dục dự phòng.
Phòng ngừa bao giờ cũng dễ dàng và tốt hơn là sửa chữa
Gia Bách: Tôi muốn hỏi một câu hơi riêng tư: cô là nhà giáo, là người làm công tác đào tạo, cô có 4 người con đang trong độ tuổi học sinh, và theo tôi biết thì có đến 3/4 bạn là homeschoolers (các bạn tự học tại nhà, không đến trường) và đều khá xuất sắc. Chắc hẳn cô cũng đã áp dụng các chương trình này vào việc dạy con của mình. Cô có thể chia sẻ tính hiệu quả của chương trình trên chính việc nuôi dạy các con của mình không?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Cũng như các cha mẹ khác, lúc đầu tôi cũng nuôi dạy con theo kiểu rất tự nhiên và truyền thống. Nhưng tôi sớm nhận ra những khó khăn của bản thân khi dạy con bằng kinh nghiệm của người đi trước, và hoang mang khi nghĩ về tương lai của tôi và các con, bởi các học trò lớp tôi chủ nhiệm thời đó (trước tôi là Giáo viên Văn ở trường Trung học phổ thông) rất nhiều em gặp vấn đề với cha mẹ. Tôi bắt đầu đọc sách dành cho cha mẹ và tìm kiếm các khóa học. May mắn là tôi tìm thấy những khóa học giá trị và bắt đầu áp dụng vào đời sống, cả trong việc làm mẹ, cả trong công việc quản lý cơ sở giáo dục một cách hiệu quả. Tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước, việc làm mẹ trở nên đơn giản hơn, và quan trọng là các con của tôi hạnh phúc hơn. Nhờ đó, khi homeschool, các con tôi học hành hiệu quả, chủ động và trách nhiệm, biết tự chủ, biết yêu thương bản thân và yêu thương gia đình.
Gia Bách: Và hiệu quả của chương trình là lí do chính khiến cô quyết định đổi hướng, lựa chọn trở thành người hướng dẫn và đào tạo các kỹ năng cho cha mẹ, biên soạn các chương trình kỹ năng?
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hoa: Vâng, đúng như thế!
Gia Bách: Thực sự thú vị! Có lẽ nhiều cha mẹ, trong đó có độc giả của chúng tôi, cần những chương trình như thế. Hy vọng các cha mẹ sẽ sớm tìm thấy chương trình phù hợp với nhu cầu của mỗi gia đình.
Cảm ơn cô về buổi trò chuyện cởi mở và rất hữu ích! Nhân dịp kỷ niệm ngày Hiến chương Nhà giáo sắp tới, xin chúc cô nhiều sức khỏe, bình an, và trao truyền được nhiều hơn nữa những giá trị của chương trình Giáo dục Dự phòng và các chương trình cha mẹ hiệu quả khác mà cô đang thực hiện, nhằm giúp các cha mẹ thuận lợi hơn trong hành trình giáo dưỡng con cái!
Nguyễn Thị Thanh Hoa
- Thạc sĩ Quản lý giáo dục
- Là chuyên gia huấn luyện chương trình Cha mẹ hiệu quả (P.E.T Instructor) tại Việt Nam
- Người hướng dẫn chương trình Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày (P.D.E.P Facilitator)
- Biên soạn và hướng dẫn chương trình Giáo dục Dự phòng
- Hiệu phó hệ thống trường Mỹ thuật The R’art School
- Giám đốc Công ty Phát triển Giáo dục PES.