trongdong
text logo

GIÁO DỤC HỘI HỌA ĐỐI VỚI CHỈ SỐ THÔNG MINH (IQ) & CẢM XÚC (EQ) CỦA TRẺ

Tác giả bài viết: Đỗ Văn

Thứ hai - 12/08/2024 02:45

Nếu như trước đây chỉ số thông minh (Intelligence Quotient - IQ) được đưa lên vị trí hàng đầu, thì thời gian gần đây chúng ta nhận ra trí tuệ cảm xúc (Emotional intelligence Quotient - EQ) mới là điều quan trọng để giúp người ta thành công và hạnh phúc. Theo các chuyên gia, để trở thành một người thành công thực sự, chúng ta cần đến 80% EQ và 20% IQ.

Chỉ số IQ cao sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình tư duy, tính toán một cách chính xác. Nhưng con người khác cái máy ở chỗ không chỉ biết tư duy mà con người còn cần đến cảm xúc, sống với cảm xúc. Chỉ số EQ cao giúp chúng ta bình tĩnh đưa ra những quyết định có tầm chiến lược, mang lại lợi ích chung. Thế nhưng không thể nói rằng IQ hay EQ quan trọng hơn, mà chúng ta cần biết cân bằng. Điều này sẽ giúp chúng ta trở nên hoàn thiện và thành công hơn trong cuộc sống.

 
image 20240813114416 6

1. Làm thế nào để tác động nâng cao chỉ số IQ và EQ

1.1. Nâng cao chỉ số IQ

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra trí thông minh là do di truyền. Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, trong công trình “Intelligence: Knowns and Unknowns” công bố năm 1995, cho rằng trí thông minh do di tuyền chiếm 50 – 80%. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác khẳng định yếu tố môi trường và dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trí thông minh, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo đó, chế độ dinh dưỡng kém có thể làm suy giảm trí thông minh; thai phụ và các bà mẹ đang cho con bú nếu tiếp xúc với những loại độc tố hay thiếu các vitamin, muối khoáng quan trọng có thể ảnh hưởng đến IQ của trẻ.

Mặc dù vậy, trí thông minh, dù từ di truyền hay do môi trường tác động, đều cần phải nuôi dưỡng vì khoa học đã chứng minh các yếu tố trí thông minh do di truyền sẽ dần mất đi khi con người bước vào giai đoạn trưởng thành. Theo nhà khoa học Edward de Bono, nổi tiếng với hơn 60 đầu sách về tư duy, cha đẻ của “tư duy về tư duy” (Thinking on Thinking) khẳng định “tư duy là kỹ năng vận hành của bộ não mà nhờ đó trí thông minh được nuôi dưỡng và phát triển”.

Edward de Bono cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa trí thông minh và kỹ năng tư duy. Ông ví von “nếu trí thông minh là máy của chiếc xe hơi và kiến thức là nhiên liệu thì kỹ năng tư duy được ví như kỹ năng lái xe”.

Anh2

Nón tư duy theo Edward de Bono.
 
Trẻ thông minh chưa chắc đã giỏi, người học giỏi chưa chắc đã thành công. Trẻ cần phải phát triển óc tò mò (quan sát kỹ và so sánh), ham học hỏi (tìm tòi), đam mê (phân tích, đánh giá) và kiên nhẫn (phản biện, chắt lọc và tổng hợp). Như vậy, IQ cao là chưa đủ mà bạn cần phải có tư duy sáng tạo.

Ở các nước phát triển, từ lâu đã xem “tư duy bậc cao” là điều cần thiết trong phát triển giáo dục cho trẻ. Nhà sư phạm nổi tiếng Maria Montessori chia sẻ: “Đừng giáo dục các em thế giới của hôm nay. Thế giới của hôm nay sẽ thay đổi khi các em lớn lên. Phải ưu tiên giúp các em biết cách phát triển tư duy sáng tạo và rèn luyện khả năng tự thích nghi”. Như vậy việc rèn cho trẻ biết “tư duy bậc cao”: tìm tòi, phân tích, phản biện, chắt lọc, tổng hợp, nảy sinh ý tưởng, ra quyết định, giải quyết vấn đề và lên kế hoạch thực hiện,… là rất cần thiết.

Tóm lại, để nâng chỉ số IQ cho trẻ thì cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý từ khi mẹ đang mang thai, và cho trẻ tiếp cận với “tư duy bậc cao” ngay khi có thể.


1.2. Nâng cao chỉ số EQ
EQ là chỉ số mô tả năng lực hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của bản thân và người xung quanh.

Có EQ cao tức là chúng ta có khả năng hiểu, quản lý và thể hiện cảm xúc của chính mình và điều hướng tương tác với người khác. Về cơ bản, đó là khả năng hiểu cảm xúc của những người xung quanh. Điều này cần thiết cho sự phát triển, duy trì, hình thành cũng như tăng cường các mối quan hệ trong công việc cũng như cuộc sống.

Vậy chúng ta cần làm gì để có EQ cao? Dưới đây là một số gợi ý được tổng hợp từ nghiên cứu của các nhà tâm lý học:
  • Luôn chú ý đến cách bạn cư xử (tự nhận thức).
  • Chịu trách nhiệm cho cảm xúc và hành động của bạn.
  • Dành thời gian để nghĩ lại những điều tích cực.
  • Rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
  • Khi phải đối mặt với một cuộc xung đột, hãy đối diện với nó.
  • Rèn luyện bản thân để duy trì một thái độ tích cực.
  • Chấp nhận những lời chỉ trích, phản hồi một cách tích cực.
  • Thông cảm với người khác.
  • Hãy tiếp cận và sống hòa đồng.
  • Sử dụng các kỹ năng lãnh đạo của bạn.
  • Sử dụng các kỹ năng lắng nghe của bạn.
  • Giữ bình tĩnh trước áp lực.
Cải thiện EQ cao sẽ giúp bạn kiểm soát được cảm xúc của mình. Từ đó, hạn chế được những hậu quả từ sự nóng giận, căng thẳng, tuyệt vọng,… giúp bạn dễ đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống.
 
Anh3

Đồng cảm để thấu hiểu. Thấu hiểu sẽ thành công và lan tỏa giá trị tinh thần.
 
2. Hội họa, mỹ thuật, nghệ thuật thị giác tác động đến việc nâng cao chỉ số IQ và EQ của trẻ như thế nào?
Không riêng gì nghệ thuật thị giác (tâm điểm là hội họa), các bộ môn nghệ thuật khác đóng vai trò rất lớn để nâng cao chỉ số EQ. Nếu tìm hiểu về 8 loại hình trí thông minh, và các kỹ năng cần có để cải thiện tư duy trí tuệ bậc cao và tư duy cảm xúc, ta sẽ thấy tất cả đều nằm trong những thành tố của nghệ thuật.

Mỗi tác phẩm nghệ thuật thị giác đều có ba yếu tố cấu thành: chủ đề, nội dung và hình thức biểu đạt. Ba yếu tố này duy trì và bổ sung cho nhau.


Chủ đề, tạm gọi như là ý niệm sáng tác. Muốn có nó bạn phải đọc, phải tìm tòi rất nhiều. Nó tồn tại trong cuộc sống nhân gian, trong văn chương - thi phú, trong khoa học, trong lịch sử, trong triết học, trong tôn giáo. Tùy thuộc vào tri thức mà bạn tích lũy được, bạn sẽ có được chủ đề hay. Muốn có cái cá tính nghệ sĩ độc đáo, bạn phải nghiên cứu kỹ, phải phản biện và chắt lọc; từ đó hình thành ý tưởng về chủ đề. Từ chủ đề, bạn có thể phát triển nội dung theo câu chuyện, kịch tính… trong ngữ cảnh cụ thể mà bạn thể hiện.

Tùy vào trình độ tri thức, tức trí tuệ thông minh bậc cao và trí tuệ cảm xúc được trui rèn qua năm tháng, bạn sẽ trình bày nội dung theo cách bạn nhận thấy.

Về hình thức biểu đạt, bạn phải am hiểu những hình thức bố cục nghệ thuật thị giác để mọi người thu hút vào nội dung biểu đạt của bạn mà không bị cảm xúc lệch lạc chi phối.

 
Picture1

Diễn học thời trang nhí tại The R’art School
 
Với trẻ em thì hội họa, mỹ thuật, nghệ thuật thị giác tác động đến việc nâng cao chỉ số IQ và EQ như thế nào? Trẻ nhỏ khi được tiếp xúc với nghệ thuật thị giác, nói đơn giản là học vẽ, phải được tiếp cận với phương pháp đúng đắn. Hãy để các bạn nhỏ quan sát thế giới xung quanh bằng các giác quan nguyên sơ nhất. Chúng ta sẽ chỉ cho các em cách thức quan sát, tìm kiếm những đặc điểm riêng của các sự vật. Biết cách quy những mảng hình từ những cảnh vật xung quanh và thể hiện nó ra. Thể hiện có thể bằng bất cứ phương tiện gì các em đó thích: từ xé giấy, mảng hình cơ bản (vuông, tròn, tam giác, …) rời rạc, từ vật liệu tự nhiên (lá cây, que, …), từ bút viết, từ cọ – màu… miễn là các em có thể luyện tập từ việc quan sát nhận biết kể trên. Điều này tốt hơn nhiều so với việc tô màu trên một hình phác thảo có sẵn. Nếu cứ tiếp tục tô màu, có thể làm cho các em bị đóng khung hình ảnh khi phải sáng tác về sau. Đừng để chuột “Mickey” xuất hiện trong mọi câu chuyện về chuột.

Sự vật sẽ được sáng tác nên từ trí tưởng tượng thông qua quan sát hàng ngày. Để làm được điều này, các em phải được tiếp xúc với thế giới tự nhiên. Bên cạnh đó, các em nên được trải nghiệm cùng với cộng đồng, tham gia các hoạt động hữu ích,… để hình thành tư duy trí tuệ cảm xúc.

Khi lớn hơn, các em nên đọc sách, tìm hiểu lịch sử, văn chương,… Giai đoạn này, các em không nên đọc truyện tranh quá nhiều, vì hình ảnh trong truyện sẽ chi phối cảm xúc. Hãy để ngôn từ giúp các em nhỏ tưởng tượng ra hình ảnh bằng cách đối chiếu nó với việc quan sát trong tự nhiên. Sáng tạo nằm ở tri thức bạn tiếp thu được, sáng tạo đến từ bút pháp biểu đạt. Việc đọc, tìm kiếm tư liệu, trải nghiệm đời sống thực tế là nguồn nguyên liệu vô hạn của việc sáng tác.

Các em cũng phải học cách sắp xếp những ý niệm này lên trên một bản vẽ, để có thể tạo nên được tác phẩm. Đấy chẳng phải là chắt lọc để hình thành ý tưởng đấy sao.

Màu sắc giúp các bạn thể hiện tâm lý cảm xúc, nó thường để diễn tả điều này. Màu sắc đến từ thực tế dưới tác động của ngữ cảnh chứa đựng và không gian cảm xúc mong muốn.

 
Anh5

“Bé không tô màu, bé đang tạo ra các mảng màu”
Hình ảnh từ chương trình hội họa sáng tạo cho trẻ em tại The R’art School.

Rõ ràng, tiếp xúc sớm với nghệ thuật sẽ góp phần đáng kể nâng cao các chỉ số về tư duy trí tuệ thông minh (IQ) và trí tuệ cảm xúc (EQ). Chúng tôi ví von, hội họa như là chất xúc tác, như là chất dinh dưỡng hoàn hảo để bồi bổ cho trí tuệ tư duy thông minh và đặc biệt trí tuệ cảm xúc của trẻ em. Vậy nên, hãy để các bạn nhỏ được tiếp cận càng sớm càng tốt đến với nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật thị giác - mà hội họa là nền tảng.

Nguồn tin: Tạp chí Truyền thống và Phát triển:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây