trongdong
text logo

Cần nêu cao cảnh báo nguy cơ đuối nước ở trẻ em

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Thứ hai - 05/06/2023 22:08

Tăng cường các biện pháp phòng tránh và cảnh báo nguy cơ tại khu vực sông suối, ao hồ sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước thương tâm đối với trẻ em vào dịp nghỉ hè.

Thời gian đầu tháng 6 dương lịch là lúc học sinh của tất cả các cấp học bước vào kỳ nghỉ hè dài ngày tại địa phương. Đây cũng là thời điểm nắng nóng gay gắt trên diện rộng ở nhiều vùng trên cả nước. Vì vậy, khi nghỉ hè tại gia đình, đặc biệt là học sinh ở các vùng trung du, vùng cao, miền núi rất hay tụ tập, rủ nhau ra ao, hồ hay sông suối để vui chơi, tắm mát. Từ đó, nguy cơ tai nạn đuối nước là điều không thể tránh khỏi nếu học sinh chưa có những kỹ năng cần thiết.

Hằng năm, hè là thời điểm có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại các địa phương. Thời gian hè, các em học sinh về nghỉ tại gia đình, việc lựa chọn không gian vui chơi của các em ngoài nhà văn hoá của khu dân cư thì hầu hết các địa điểm sinh hoạt tập thể chủ yếu là tự phát, đặc biệt là đối với học sinh vùng nông thôn. Chính vì vậy, với tính cách hiếu động, ham vui chơi, thích khám phá những khu vực cộng với sự quản lý lỏng lẻo của cha mẹ, nhiều em học sinh đã rủ nhau đến các ao hồ, sông suối, đầm phá để tắm và vui chơi. Đây thường là những địa điểm thiếu sự cảnh báo về độ nguy hiểm đối với người dân cho nên khi đã tìm được vị trí để tắm, các em đã hồn nhiên, thoả thê vẫy vùng mà không để ý tới sự nguy hiểm của nơi mình.

 Tắm suối vào ngày hè là thói quen của trẻ em ở vùng nông thôn

Do tiết trời mùa hè oi bức diễn ra nhiều ngày, trẻ em ở vùng núi, vùng nông thôn ít có điều kiện về hồ bơi để tắm nên thường tìm đến các khu vực như sông, ngòi, ao, đầm, suối hay những hố nước sâu trong thôn làng để cùng nhau tắm mát vào buổi trưa và chiều hè. Những khu vực này thường ít có biển cảnh báo về độ sâu nguy hiểm do đều là những vị trí ven hồ đầm dưới chân núi hay bờ ngòi, bờ sông. Khi đến tắm, trẻ em thường đi từng tốp, ban đầu chọn vị trí nước nông để tắm, sau đó, bơi lội ra chỗ sâu hơn để thử cảm giác mạnh. Vì thế, nguy cơ bị hụt vào vị trí nước sâu dẫn đến đuối nước là rất phổ biến.

Theo ông Cổ Hữu Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: “Hầu như các khu vực sông suối, ao hồ đều tiềm ẩn các vị trí nước sâu, xoáy rất nguy hiểm. Nếu không cảnh báo bằng biển cụ thể, trẻ em sẽ không nhận thức được nguy cơ để phòng tránh”.

Thông thường, trẻ em, học sinh vùng nông thôn chưa được trang bị kỹ năng cần thiết khi tiếp xúc với sông suối. Có em chưa biết bơi nhưng do các bạn lớn tuổi rủ rê đi tập bơi. Khi xảy ra tai nạn, kỹ năng cứu người đuối nước của các em hầu như chưa có nên từ một em gặp tai nạn sẽ có nguy cơ kéo theo nhiều em do lao xuống cứu bạn nên bị nhấn chìm. Các khu vực sông, ngòi, ao hồ ở miền núi, vùng cao thường tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ mà ít được cảnh báo bằng các biển chỉ dẫn về độ sâu. Đó là những vực sâu, vực xoáy hay những bờ sông cát lún, nước ngầm mà trẻ không nhận ra được. Những khu vực này thường ít những bãi cát nông, bờ nông mà bước chân xuống đã là xoáy sâu nguy hiểm.

Thầy giáo Phùng Anh Tuấn, giáo viên Trường THPT Hạ Hoà (Phú Thọ), người đã cứu sống hai bố con bị đuối nước ven sông Hồng năm 2021 chia sẻ: “Người bị nạn trên sông nước nếu không có kỹ năng thì người lao xuống cứu cũng sẽ trở thành nạn nhân. Hơn nữa, những vị trí ngầm rất nguy hiểm, mắt thường khó nhận ra nếu không cắm biển cảnh báo”.

 Các bãi bồi ven sông Hồng thường tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường 

Những vụ việc thương tâm về đuối nước năm nào cũng xảy ra trong dịp hè, khi các em học sinh về nghỉ hè tại địa phương. Điều dễ nhận thấy, nạn nhân của những vụ đuối nước xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi ở các cấp học. Khi cha mẹ đi làm, các em đã tụ tập để rủ nhau ra những địa điểm ao đầm để tắm mà không hề biết về mức độ nguy hiểm của nó. Những cuộc vui chơi tự phát trên ao hồ, đầm phá do chính các em tự tổ chức cộng với sự thiếu kỹ năng phòng tránh đuối nước đã dẫn đến tai nạn ở bất kỳ địa điểm nào.  

Sau những vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân, đặc biệt là đối với trẻ em về các biện pháp phòng tránh đuối nước. Tuy nhiên, công việc này chưa diễn ra thường xuyên, chưa gắn với việc nêu cao cảnh báo bằng các biển chỉ dẫn cụ thể tại các khu vực nguy hiểm. Có nơi, sự việc xảy ra rồi mới tiến hành cảnh báo hoặc tuyên truyền thì hiệu quả của công tác phòng chống đuối nước sẽ không cao.

 Cần cắm biển cảnh báo những khu vực nước sâu, nguy hiểm

Từ thực tế nêu trên, để công tác phòng tránh đuối nước đối với trẻ em, đặc biệt là đối với học sinh trong thời gian các em nghỉ hè tại địa phương, các nhà trường và các địa phương cần tăng cường nhận thức về vai trò của việc phòng tránh đuối nước, về tính thường xuyên của công tác này. Các nhà trường cần thường xuyên phổ biến, giáo dục về kỹ năng chống đuối nước, cứu hộ, cứu nạn cho học sinh khi các em đang trong thời gian học. Tăng cường giáo dục ý thức làm chủ bản thân, ý thức khi tham gia các hoạt động trải nghiệm và kỹ năng ứng xử với môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Đồng thời, phối hợp, đề nghị với phụ huynh tiến hành cho con em mình học bơi để có kỹ năng thành tạo khi tiếp xúc với sông nước.

Các địa phương cần tiến hành khảo sát các khu vực ao hồ, sông ngòi, suối đập để cắm biển cảnh báo độ sâu, nguy hiểm để người dân nói chung và trẻ em nói riêng nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn tại những khu vực này. Khi học sinh nghỉ hè tại địa phương, Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn cần tổ chức các lớp dạy bơi, dạy về kỹ năng cứu người bị nạn. Các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, tạo những hồ bơi công cộng để trẻ em có không gian bơi an toàn trong những ngày hè. Phụ huynh học sinh cần tăng cường việc quản lý con em mình trong thời gian các em nghỉ hè, tránh để các em rảnh rỗi, tụ tập và rủ nhau đi tắm hồ theo kiểu tự phát. Các gia đình cần phối hợp với trưởng khu dân cư nhắc nhở thường xuyên về phòng tránh đuối nước đối với trẻ em.

Nói về điều này, đồng chí Đinh Tuấn Mạnh, chiến sỹ Công an xã Đan Thượng, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh: “Để đảm bảo an toàn và tránh nguy cơ đuối nước vào dịp hè đối với học sinh, các nhà trường cần tăng cường tuyên truyền trên trường lớp, kết hợp với nhắc nhở tại khu dân cư, hướng dẫn cho các em cách sơ cứu người bị nạn. Đặc biệt, cần cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu, nguy hiểm, biển cấm tắm”.

Thiết nghĩ, việc cảnh báo nguy cơ trước khi những sự việc thương tâm xảy ra đối với trẻ em là việc làm cần thiết, thường xuyên. Có như vậy, mới thực sự giảm thiếu nguy cơ đuối nước trong dịp hè, đảm bảo sự an toàn của con trẻ ở những vùng có điều kiện về cơ sở vật chất chưa được đầy đủ. Tăng cường cảnh báo và nhắc nhở kịp thời, rèn luyện kỹ năng và nêu cao nhận thức về đuối nước sẽ giúp cho trẻ em có một mùa hè bổ ích, an toàn./.

Nguồn tin:  dangcongsan.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây