trongdong
text logo

NHÀ THỜ CHÍ HÒA - MỘT TRONG SÁU NGÔI NHÀ THỜ CỔ NHẤT SÀI GÒN - GIA ĐỊNH - CHỢ LỚN

Tác giả bài viết: Trần Thế Vĩnh

Thứ ba - 13/08/2024 02:57

Nhà thờ Chí Hòa (tên hiệu: Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi) hiện nay tọa lạc trên khu đất rộng tại số 149 đường Bành Văn Trân, Phường 7, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh. Chí Hòa là một trong sáu nhà thờ Công giáo cổ nhất của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, cùng với nhà thờ Tân Định (hoàn thành năm 1876), nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (1880), nhà thờ Chợ Quán (1882), nhà thờ Cha Tam (1902), và nhà thờ Huyện Sỹ (1905). Trong khuôn viên nhà thờ Chí Hòa hiện có Nhà Hưu dưỡng Linh mục. Đây là nơi an dưỡng của các Linh mục thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn đã nghỉ hưu.

Ngôi nhà thờ cổ của đất Gia Định

Theo Lược sử giáo xứ Chí Hòa thì nhà thờ Chí Hòa đã có từ năm 1890. Họ đạo Chí Hòa khởi đầu là họ nhánh của họ đạo Chợ Quán được Giám mục Bá Đa Lộc quy tụ, sau đó là họ nhánh của họ Tân Định, chính thức thành lập ngày 10 tháng 10 năm 1890 với tên Thạnh Hòa.

Tuy nhiên, nghiên cứu những bản đồ từ từ trước đến năm 1903 thì khu vực nhà thờ Chí Hòa hiện nay không hề ghi nhận có ngôi nhà thờ nào. Vậy nhà thờ Chí Hòa trước 1890 tọa lạc ở đâu?

Qua một Linh mục thân quen, tôi may mắn được tiếp cận bản chụp lại những tấm bản đồ cổ và một số tài liệu đánh máy lưu ở văn khố Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn. Theo đó, “Bản đồ địa hình Sài Gòn - Gia Định 1882” ghi nhận ở vị trí "khoảnh đất khá cao, khô ráo" có một công trình ký hiệu hình thập giá, ghi rõ “église” - nhà thờ. Nhưng khi đối chiếu thực tế thì vị trí “Khoảnh đất khá cao, khô ráo” ấy chính là một phần khu chợ Phạm Văn Hai ngày nay, một vị trí cách xa nhà thờ Chí Hòa hiện tại.

Tiếp tục với tấm bản đồ "Service Geographique de l'Indo-Chine" (Phục vụ địa lý) và "Environs de la place de Saigon 1904" (ngoại vi khu trung tâm Sài Gòn năm 1904), hai tấm bản đồ này cùng ra năm 1904, thì thấy có một công trình có hình thập giá. Qua đối chiếu, đó chính là ngôi nhà thờ tại vị trí nhà thờ Chí Hòa hiện nay.

“Environs de la Place de Saigon 1904” (Vùng phụ cận địa phận Sài Gòn năm 1904). Ở bản đồ này, ngôi nhà thờ cũ trên đường mòn mà nay là đường Phạm Văn Hai, đoạn mặt chính chợ Phạm Văn Hai, vẫn còn dấu hiệu thánh giá bên trên nhưng không còn chữ église (nhà thờ). Khu vực trang trại (ferme) đã xuất hiện chữ église (nhà thờ), tức nhà thờ Thạnh Hòa, nay là Chí Hòa.

Theo bản ghi chép về "Tiểu sử họ đạo Chí Hòa", nhà thờ Thạnh Hòa ra đời năm 1890 trên một khoảnh đất thuộc làng Tân Sơn Nhất, nơi đất thánh (nghĩa trang) của Tân Định (giáo xứ Tân Định). "Năm 1900, Đức cha Lucien Mossard (tên Việt là Mão) đứng ra xây cất một nhà thờ mới khác, ở một địa điểm khác, bên làng Phú Thọ Hòa kế cận, số đất này lối 600ha, do lòng quảng đại của ông bà Lê Phát Đạt dâng cúng cho địa phận.(...) Năm 1903, xây cất xong nhà thờ và nhà cha sở, Đức cha ra lệnh dời họ Thạnh Hòa về Chí Hòa, và đặt Đức Mẹ Môi khôi làm bổn mạng".

Chí Hòa lúc bấy giờ thuộc làng Tân Sơn Hòa - một làng mới được tách ra khỏi làng Tân Sơn Nhứt và Phú Thọ Hòa. Ngôi nhà thờ đầu tiên 1890 ở làng Chí Hòa.

 

Anh1


Nhà thờ Chí Hòa năm 1920.
Ảnh tư liệu

 

Anh2


Nhà thờ Chí Hòa hiện nay.
Ảnh: Internet

Ngôi nhà thờ do ông ngoại của hoàng hậu Nam Phương dâng cúng đất và chi phí xây dựng

Theo Lược sử giáo xứ Chí Hòa, "Họ Chí Hòa khởi đầu là họ nhánh của họ Chợ Quán (1771 - 1890) được Đức Giám mục Phêrô Bá Đa Lộc quy tụ, sau đó là họ nhánh của họ Tân Định". Nhà thờ lúc ấy mang tên Thạnh Hòa do nằm trên đất Thạnh Hòa - một thôn của làng Tân Sơn Nhứt, với khuôn viên khá rộng.

Họ nhánh Thạnh Hòa lúc ấy là một họ đạo nghèo với khoảng 100 giáo dân. Ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt dâng cúng đất để cha xứ cho bà con nông dân thuê trồng trọt, giải quyết chi phí sinh hoạt trong họ đạo. Chi phí xây dựng ngôi nhà thờ này cũng do ông Huyện Sỹ dâng cúng.

Đa phần người Sài Gòn xưa đều biết ông Huyện Sỹ là ông ngoại của hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại, vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Ông là người giàu nhất Sài Gòn xưa. Ngày nay ở Sài Gòn vẫn còn lưu truyền câu "Nhứt Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Gia đình ông bà Huyện Sỹ còn dâng cúng đất và chi phí xây dựng nhiều nhà thờ cổ khác nữa ở đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn như nhà thờ Chợ Quán, nhà thờ Tân Định, nhà thờ Chợ Đũi (còn được gọi là nhà thờ Huyện Sỹ), nhà thờ Hạnh Thông Tây,...

 

Anh3


Mộ và bia mộ của mẹ và con gái ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt trong nhà thờ Chí Hòa, ngay trước Cung Thánh.
Ảnh: Trần Thế Vĩnh

“Đất và chi phí xây dựng nhà thờ Thạnh Hòa chắc chắn được dâng cúng trước khi ông Lê Phát Đạt qua đời năm 1900. Các tài liệu ghi nhận việc xây dựng này thống nhất: Khi chuẩn bị xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ, nghe thông tin nhà thờ Thạnh Hòa xuống cấp mà họ nhánh Thạnh Hòa này nghèo quá, không làm gì được, ông Lê Phát Đạt quyết định giảm quy mô thiết kế ban đầu của nhà thờ Huyện Sỹ từ năm gian, cắt bớt một gian còn bốn gian và dùng số tiền dư ra để xây nhà thờ Chí Hòa.
Nhà thờ Huyện Sỹ khá phức tạp, cầu kỳ nên mãi tới năm 1905 mới khánh thành. Trong khi đó, tính cấp bách lẫn đơn giản của ngôi nhà thờ mới khiến trước đó hai năm, năm 1903, nhà thờ Thạnh Hòa (mới, tức nhà thờ Chí Hòa) đã xây dựng xong.”, dẫn lại từ một bài viết của nhà báo Cù Mai Công.

 

Anh4


Mộ và bia mộ bà Phạm Thị Tin, mẹ ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, bên trái Cung Thánh nhìn từ dưới lên.
Ảnh: Trần Thế Vĩnh

Anh5


Mộ và bia mộ cô Lê Thị Hòa, con ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, bên phải Cung Thánh nhìn từ dưới lên.
Ảnh: Trần Thế Vĩnh

 

Dễ biết, từ năm 1954, khu vực Tân Sơn Nhứt - Phú Thọ Hòa - Tân Sơn Hòa - nhất là khu trung tâm Ông Tạ, đã tập trung rất nhiều cộng đoàn giáo dân gốc Bắc (quen được gọi là Bắc 54). Hầu hết các cộng đoàn ở các giáo xứ trong những khu vực này vẫn giữ thói quen sinh hoạt tôn giáo theo phong cách của miền Bắc. Chỉ riêng ở nhà thờ Chí Hòa vẫn giữ lề thói đọc kinh, cách hành lễ,... của miền Nam. Mặc dù hàng ngàn giáo dân mới của giáo xứ Chí Hòa là dân Bắc 54, nhưng những giáo dân Bắc 54 này vẫn hoàn toàn hòa nhập một cách vui vẻ, thoải mái với cách hành lễ rất Nam Bộ, đến tận hôm nay. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà nhà thờ Chí Hòa còn được biết đến với một tên gọi khác là nhà thờ Chí Hòa Nam.

Nhà hưu dưỡng Linh mục Chí Hòa được thành lập năm 1910, là nơi các linh mục giáo phận Tây Đàng Trong ngày xưa và giáo phận Sài Gòn sau này khi nghỉ hưu. Năm 1992, với mong muốn các linh mục trong giáo phận khi về hưu có một nơi cố định để an dưỡng, Đức cố Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn Phaolô Nguyễn Văn Bình đã cho xây dựng và tổ chức lại nhà hưu Chí Hòa cũ thành nhà hưu Giáo phận.

Nhà hưu dưỡng nằm sau khuôn viên nhà thờ Chí Hòa. Vì vậy, còn được gọi là nhà Hưu Chí Hòa. Nhà hưu dưỡng được các Soeur quản lý và có người phục vụ lo mọi việc hậu cần: từ chăm sóc, nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc vườn cảnh... cho các linh mục hưu.

Hiện nay nhà hưu dưỡng đang được xây mới với thiết kế hiện đại để các linh mục hưu có điều kiện an dưỡng tốt nhất.
Anh6


Bên trong nhà thờ Chí Hòa.
Ảnh: Trần Thế Vĩnh
 

Anh6


Giáo dân chuẩn bị tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật ở nhà thờ Chí Hòa.
Ảnh: Trần Thế Vĩnh

Nguồn tin: Tạp chí Truyền thống và Phát triển

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây