Danh thắng Tràng An - Ninh Bình
Đặc biệt, danh hiệu cao quý này đã tạo thế và lực mới cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hoá từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín bình chọn, nhắc đến Ninh Bình như là vùng đất thân thiện, điểm du lịch tuyệt vời nhất, điểm du lịch đáng đến nhất thế giới.
Mốc thời gian 10 năm sau khi được công nhận là Di sản thế giới (2014-2024), đây là thời điểm phù hợp để nhìn lại, tìm kiếm các giải pháp mới để xây dựng, bảo tồn các giá trị nổi bật, tiếp tục sáng tạo, áp dụng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt hơn. Không đơn thuần là để phục vụ du khách đến đây tham quan mà phải diễn giải các giá trị di sản một cách chân thực, sống động và khoa học hơn bằng nhiều hình thức trong các sản phẩm du lịch.
Định hướng phát triển của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Ninh Bình, luôn giữ quan điểm: Hài hòa và tôn trọng; Tích hợp và bao dung. Dựa trên 4 chủ thể: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; với các phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến đổi môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả, nhưng trên hết, vẫn lấy cộng đồng làm trung tâm để bảo vệ những di sản đặc hữu của khu di sản Tràng An.
Tràng An không chỉ nằm trong danh sách di sản hỗn hợp ít ỏi của thế giới, mà còn là điểm kết nối với các trung tâm du lịch, các điểm di sản khác cùng với hệ thống tiềm năng du lịch sinh thái, nhân văn khác cùng tương hỗ. Nó hoàn toàn có căn cứ để định hướng tỉnh Ninh Bình phát triển du lịch thành mũi nhọn của nền kinh tế địa phương, đồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết với các thành phố di sản trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới vững chắc, cùng bảo tồn và phát triển.
Bởi vậy, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã cam kết mạnh mẽ trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy các giá trị của Di sản, bảo đảm tính toàn vẹn, các giá trị nổi bật toàn cầu để trao truyền cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần của Công ước Di sản Thế giới. Đồng thời đáp ứng mục tiêu của Ninh Bình là xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ chứa đựng các loại di sản gồm: di sản tiền sử, di sản lịch sử, di sản đô thị, di sản nông thôn… Khảo cổ học, lịch sử, văn hóa, mỹ học, nền tảng số… được coi là trụ cột, điểm nhấn để khai thác phục vụ du lịch phát triển.
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08 tháng 02 năm 2023 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025; các Nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An luôn tập trung cao độ trong phát huy sức mạnh văn hóa, con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển mạnh mẽ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khơi thông, giải phóng tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cực tăng trưởng khu vực các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển, giữ vững địa bàn vững chắc về quốc phòng và an ninh. Nhờ thực hiện tốt công tác bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển bền vững, 10 năm qua, Ninh Bình đã được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín bình chọn, nhắc đến như: Top 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới; top 10 địa điểm nghỉ dưỡng cho gia đình tốt nhất thế giới; một trong 23 điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023.
Mặc dù hiện tại chưa có vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Danh thắng Tràng An, nhưng việc quản lý và bảo tồn vẫn cần được thực hiện một cách chủ động và dài hạn. Việc giám sát chặt chẽ, áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp và tuân thủ các khuyến nghị của UNESCO là rất cần thiết để đảm bảo di sản tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị cho các thế hệ tương lai. Áp lực từ du lịch đại trà, biến đổi khí hậu và thiên tai, phát triển kinh tế và hạ tầng, tác động từ hoạt động của cộng đồng địa phương, mất cân bằng giữa bảo tồn và phát triển và nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học tiếp tục là các vấn đề được quan tâm của Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An trong thời gian tới.
Xin được dẫn lời nhận định của Tổng Giám đốc UNESCO về khu di sản Tràng An: "Đây là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững". Những danh hiệu, ghi nhận trên không chỉ khẳng định sự nỗ lực, công lao gìn giữ và phát huy giá trị di sản của các thế hệ lãnh đạo và người dân Ninh Bình, mà còn là động lực để Ninh Bình tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, tiến tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai.