trongdong
text logo

Hà Nội tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Thành cổ Sơn Tây

Tác giả bài viết: Minh Anh

Thứ tư - 20/09/2023 23:40

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa quyết định cho phép Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây.

Hà Nội tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Thành cổ Sơn Tây - Ảnh 1.

Di tích Thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao. Ảnh: VGP

Thành cổ Sơn Tây là công trình quân sự trọng yếu cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội, được xây dựng vào thời Minh Mạng (1822). Công trình xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá ong, loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại có nhiều ở xứ Đoài. Với những giá trị tiêu biểu, Thành cổ Sơn Tây đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1992.

Để phát huy hiệu quả giá trị khu di tích, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép thực hiện đợt khai quật khảo cổ giai đoạn 1 trên tổng diện tích 120m2 thuộc ba khu vực: Bố chánh phủ, Án sát phủ, cổng Đông. Đợt khai quật khảo cổ kéo dài đến hết ngày 30/10/2023.

Trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Thành cổ Sơn Tây là một trong bốn vùng đất phên giậu của Thăng Long - Hà Nội, vừa có chức năng che chở, bảo vệ, vừa tạo thế bàn đạp để vươn ra cai quản, nắm giữ các vùng biên cương Tổ quốc. Thành được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ ba (1822) hoàn toàn bằng đá ong, loại vật liệu đặc sắc của xứ Đoài, đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ.

Tại đây, vương triều Nguyễn đã xây dựng, củng cố một phức hợp hoàn chỉnh và chặt chẽ các công trình có giá trị phòng ngự cao, bao gồm: Hào nước, lũy bán nguyệt, bờ đất ngoài thành, cổng thành, tường thành, kỳ đài... với lực lượng phòng vệ đông đảo và trang bị vũ khí quy mô lớn. Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành cổ Sơn Tây là vùng "trọng địa" có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là "bàn đạp", hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.
 

Khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ XIX, Thành cổ Sơn Tây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn do Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc… lãnh đạo. Trải qua gần 200 năm, trải qua tàn phá của chiến tranh và thời gian, Thành cổ Sơn Tây phần lớn đã bị phá hủy, chỉ còn lại tường thành, cửa tiền, cửa hậu, 2 khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước... Tuy nhiên, với giá trị lịch sử, minh chứng thuyết phục cho sức mạnh và lòng quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc, Thành cổ Sơn Tây hiện là nơi duy nhất lưu giữ nhiều kiến trúc nguyên gốc, thể hiện kỹ thuật xây dựng các công trình quân sự phòng thủ của Việt Nam ở phía Bắc.

Trong nhiều năm qua, cùng với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng khác như làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, chùa Mía… Thành cổ Sơn Tây đã trở thành địa chỉ thú vị cho những người yêu thích khám phá lịch sử, là điểm tham quan hấp dẫn cho các gia đình vào mỗi dịp cuối tuần bởi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong và không gian bình yên nơi đây.

Nguồn tin: Theo www.chinhphu.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây