trongdong
text logo

Thú chơi Film và người Hà Nội



>Mộc Phong
Khoảng gần một năm trở lại đây cộng đồng chơi Film tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã được chứng kiến, tham dự và thưỡng lãm những triễn lãm chuyên biệt về Film khá đặc sắc và thú vị. Mà khởi đầu là triển lãm ảnh Film mang tên “Film và Hà Nội” diễn ra vào tháng 8.2017 do Lab 36+ tổ chức. Film và Hà Nội như một cú huých mạnh vào phong trào chụp ảnh film để rồi sau đó đã có thêm ít nhất 3 triển lãm ảnh chất lượng nữa do Lab 36+ hoặc những đơn vị tên tuổi khác thực hiện. Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn và đem tới cho mọi người thêm những góc nhìn từ người trong cuộc, chúng ta cùng theo chân phóng viên tới thăm và trò chuyện với  Lab 36+ xem sao nhé.

Ở thời điểm hiện tại, cả nước có lẽ chỉ còn vài cái tên là AEG, CropLab, LLab, Xlab, Narda và Lab36+. Nếu như XLAB và AEG Lab đã có từ rất lâu tại Hà Nội, còn CropLab và LLab quá nổi tiếng trong Sài Gòn thì Lab 36+ chỉ thực sự được biết đến trong 2- 3 năm trở lại đây. Mỗi Lab đều có một thế mạnh riêng, đều đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của cộng đồng film tại Việt Nam. Tuy nhiên ở Lab 36+ lại có gì đó rất đỗi bình dị và giản đơn. Nằm trong khuôn viên của một khu nhà Pháp cổ ngay gần Hồ Hoàn Kiếm, Lab36+ thầm lặng như những gì mà họ đã đóng góp cho cộng đồng chơi Film. Tiếp đón chúng tôi là anh Ma Phố (Mạnh Nguyễn), một trong những người đã hồi sinh và là quản lý của Lab 36+. Trong một cuộc nói chuyện tâm huyết và rất dài, anh chia sẻ: Khi công nghệ đi vào lĩnh vực nhiếp ảnh, nó đã đưa người chơi ảnh cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đến một thế giới mới, một thiên đường của các thiết bị gần như không có giới hạn về kỹ thuật với khả năng tái tạo hiện thực gần như tuyệt đối, khả năng nhạy sáng (iso) và độ phân giải của ảnh cao hơn rất nhiều lần so với trước đó. Người chụp ảnh không còn bị hạn chế về số lần bấm máy, không còn phải đợi sau khi tráng rửa film mới biết được sản phẩm của mình, họ hoàn toàn có thể dễ dàng làm chủ mọi tình huống mà trước đây thật sự là rủi ro rất khó kiểm soát đối với máy film như thời tiết, thiếu sáng, mầu sắc để đảm bảo các tác phẩm được chụp chắc chắn sẽ theo đúng ý định ban đầu”
Cá nhân tôi thật sự thấy rằng những ưu việt đó đã lấy đi hầu như toàn bộ người chụp ảnh ra khỏi cộng đồng film đến nỗi có cả một khoảng thời gian dài bạn thường xuyên phải nghe những khẩu hiệu như “film nghệ thuật sắp mất” hay “film không bao giờ chết” ...v.v.. Nhưng trên thực tế, chụp ảnh film vẫn tồn tại một cách vững chắc trong cộng đồng nhiếp ảnh nói chung, sự thay đổi chỉ diễn ra ở số lượng và các hoạt động bề nổi trong cộng đồng nhiếp ảnh mà thôi.

Qua quãng thời gian dài làm việc ở Lab, anh Ma Phố cho biết thêm rằng có một thực tế là những người đã từng chụp máy film thì gần như họ sẽ chỉ thích chụp bằng máy film trừ những trường hợp bắt buộc phải dùng máy số. Máy film có một sự cuốn hút kỳ lạ từ cấu tạo tinh tế, độ bền cơ học, sự đa dạng trong chủng loại để bất cứ ai tiếp xúc với nó đều phải tự hỏi vì cái gì mà một chiếc máy được thiết kế và sản xuất từ cả hơn 50 năm về trước đến giờ vẫn chính xác đến phần trăm của 1 giây như một chiếc đồng hồ vậy, rồi sau hết thảy là sản phẩm chụp từ nó, những tấm ảnh cho dù là bạn tự phóng rọi ra giấy hay đơn giản là một file được scan từ film âm bản cũng mang lại cho bạn những cảm xúc khác lạ, một thế giới màu sắc không trong vắt, mịn màng, chân thực như máy số nhưng thật đậm đà, bình dị nhưng ấn tượng đến không ngờ.
Con đường của nhiếp ảnh film cũng gần với câu “mọi con đường đều dẫn đến La mã” bạn sẽ bị nó gây nghiện từ việc chụp đến việc nghiên cứu về thiết bị và sưu tầm thiết bị. Lúc đó việc chơi film không chỉ còn là ảnh đẹp mà còn là thiết bị đẹp nữa. Và quả thật việc sưu tầm thiết bị đúng là một thú vui mang đến nhiều cảm xúc cho người chơi film đến nỗi nó còn làm sản sinh ra một nhánh trong những người chơi ảnh film đó là các “máy ảnh gia” chuyên nghiên cứu và sưu tầm thiết bị. Họ tận hưởng từ kết cấu máy, tiếng màn chập, độ chính xác cơ khí, chất lượng ống kính... Một điểm nữa cũng là sự khác biệt giữa máy film và máy số đó là đối với người chơi máy số thì việc sở hữu máy ảnh đại đa số sẽ là cái tốt nhất theo công nghệ và theo sở thích của người chụp, do đó bạn sẽ có xu hướng bán máy cũ đi để nâng cấp máy mới; còn đối với người chơi film, mỗi loại máy ảnh lại mang đến một niềm vui khám phá mới cho dù nó cùng một loại film nhưng kết cấu lại hoàn toàn khác, nó mang đến một sự khám phá vô cùng vô tận.
Có thể chia ra thành các dòng máy sau: máy chụp film 135, máy chụp film 120 (medium format) và máy chụp film tấm (large format). Phần lớn các loại máy film phổ thông mọi người vẫn thường biết đến đó là film sử dụng khổ 135 hình chữ nhật 24 x 36mm. Đối với những dòng máy này, việc lắp film vào máy (sau đây sẽ gọi chung là Load Film) rất dễ dàng. Thường sẽ có một cần gạt để lên film và có một cần khác để tua film về. Ở phía bên cần lên film có một trụ tròn có khe để cài đầu film vào đảm bảo sự chắc chắn không bịt tuột ra ngoài. Ngược lại phía bên cần tua film sẽ có một thanh trụ để giữ film cố định.
Các máy film 120 hay còn gọi là các máy khổ film Medium Format thường là những dòng máy cao cấp hơn và giá thành film cũng cao hơn khá nhiều. Không giống với film 135, những máy film 120 có nhiều loại khác nhau ở cấu tạo bộ phần chứa film (buồng film) dẫn đến cách load film lại khác nhau. Nhưng về cơ bản thì có một nguyên tắc chung cho flm 120 khi load vào máy. Khác với máy 135, máy film 120 dùng chính lõi film làm bộ phận để tua và lên film. Sau khi một cuộn film đc chụp xong sẽ còn lại phần lõi, phần lõi này sẽ được sử dụng thế chỗ làm phần để load film đã chụp vào và cứ quay vòng như thế.
Máy film khổ lớn (LF) bạn cần phải có sự kiên nhẫn nhiều hơn, mọi công đoạn đều được thực hiện trong phòng tối hoặc túi đen để đảm bảo film không bị hở sáng. Kế sau đó là một loạt các thao tác để hiệu chỉnh máy trước khi chụp. Tất cả những thứ đó là niềm vui những cũng là thử thách đối với người chơi film. Mỗi lần bạn chỉ có thể chụp được 1 tấm nhưng bù lại chất lượng của những bức ảnh đến từ máy khổ lớn đều là những sản phẩm mà các loại film khác khó mà theo được.
Về việc bảo quản máy film thì lại có hai trường phái suy nghĩ khá khác nhau. Một số thì nghĩ về bản chất những chiếc máy film hiện tại đều gần như hoàn toàn là cơ khí từ cấu tạo cho tới cơ chế lên film chụp ảnh điều đó đồng nghĩa với việc nó rất bền bỉ và nồi đồng cối đá. Họ sẽ dành thời gian nghiên cứu về màu film hay cách chụp thế nào cho tốt hơn là nghĩ về việc bảo quản đúng mực cho chiếc máy. Tuy nhiên điều này không hẳn đã đúng, vì trên thực tế máy film có vô vàn loại, cả điện tử và thuần cơ khí chính vì vậy vẫn cần sự quan tâm nhất định tới việc chăm sóc cho chiếc máy ảnh của mình. Đó chính là suy nghĩ ở nhóm người thứ hai, họ rất quan tâm tới những “cỗ máy xuyên thời gian” của mình. Nói đi cũng phải nói lại, dẫu có những chiếc máy full metal hoàn toàn là kim loại nhưng tuổi đời nó có hàng vài chục năm thậm chí cả trăm năm tuổi rồi, bền bỉ trâu bò đến mấy vẫn sẽ có những trục trặc nào đó. Đặc biệt là với cái thời tiết nóng ẩm mưa nhiều nhiệt đới tại Việt Nam thì sự quan tâm tới việc bảo quản những chiếc máy ảnh nói chung là rất cần thiết. Thường thì một tủ chống ẩm tiêu chuẩn 40 lít là có thể đủ cho nhu cầu của một người chơi máy ảnh film cơ bản gồm 2 Body và 3-4 ống kính kèm theo. Về việc bảo quản máy film có lẽ những người sử dụng máy 120 sẽ phải kỹ tính hơn so với máy 135. Bởi 1 lẽ đơn giản là máy 120 thường “chất” hơn và đắt giá hơn rất nhiều.
Thêm vào đó ống kính lại cũng mang đến cho người chơi film những cảm xúc khó tả khi nhận được sản phẩm. Đi sâu một chút vào thế giới máy film, có thể bạn sẽ bất ngờ về chủng loại cũng như sự đa dạng của ống kính dành cho máy film cả cả mức giá dành cho nó nữa. Nhưng nếu chỉ dừng ở việc đếm dòng, loại thì bạn rất khó có thể nhìn thấy được vì sao những người chơi film lại mê mẩn những cục sắt có đến vài chục năm tuổi như vậy. Các ống kính càng có tuổi đời cao càng là một tuyệt tác gồm hệ thống cơ khí chính xác cũng như tổ hợp các thấu kính được mài tỉ mỉ và hoàn toàn bằng thủy tinh do đó hiệu ứng quang học sẽ có nhiều sự khác biệt với những ống kính hiện đại được cấu tạo từ các chất liệu mới. Đại đa phần các ống kính máy film được sản xuất trên dây chuyền có nhiều công đoạn làm thủ công cũng là những nguyên nhân dẫn đến các hiệu ứng thú vị về sai số quang học tạo ra các loại bokeh bóng bóng, hiệu ứng bokeh xoáy ... và cùng với cấu tạo của bề mặt film, các loại thấu kính này cho ra các hiệu ứng về mầu sắc đặc thù của nhiếp ảnh film đã từng tốn rất nhiều giấy mực của các cuộc tranh luận về mầu film.



Có nhiều thú vui trong việc sử dụng ống kính, bạn có thể chế tạo hoặc thay đổi các kết cấu về ngàm để sử dụng ống kính của máy này cho máy kia hoặc sử dụng các dòng ống kính không có cửa chập thường được gọi là len ống đồng để chụp và cảm nhận việc chụp hoàn toàn thủ công, tự đếm thời gian phơi sáng, tự khống chế toàn bộ quá trình chụp ảnh của mình. Nó cũng dẫn đến việc ra đời của những chiếc máy ảnh có tích hợp màn chập để thuận tiện cho việc sử dụng các ống kính loại này. Bước vào thế giới ống kính máy film, bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi gặp sự đa dạng của nó, từ những loại bé như chén độc ẩm đến những ống kính to như cái bát ăn cơm, từ những ống kính góc siêu rộng đến những ống kính tele với tiêu cự rất lớn nhưng hầu hết tất cả đều cho ra những hiệu ứng và chất lượng rất đặc thù và cái chính là tất cả những người chơi film đều thật sự muốn sưu tầm tất cả các loại đó với phương châm chỉ thêm không bớt.
Theo thời gian các lớp hóa chất phủ trên mặt thấu kính cũng được hiện đại hóa dần cho ra các mầu sắc hiện đại và trung thực hơn trên mặt film nhưng cũng không hề làm giảm đi sự thích thú đối với những lớp hóa chất theo kiểu cũ, cho ra những mầu sắc trầm trầm, cổ cổ và hiệu ứng thú vị của nó là ngày càng kéo theo nhiều người tìm hiểu và say mê những ống kính loại này.
Một điểm khác biệt cần nhắc tới đó là ống kính máy film gắn liền với thuật ngữ quay tay (lấy nét thủ công). Nó khác hoàn toàn với cảm xúc của máy số có hỗ trợ lấy nét tự động. Cảm giác làm chủ vùng bắt nét, khả nằng lấy nét bằng ống kính máy film tuy rằng về lý thuyết chậm hơn máy số nhưng trên thực tế rất nhiều người sau khi dùng loại len này đều muốn chuyển chế độ auto về manual cho các ống kính hiện đại của họ.
Việc bảo quản ống kính máy film cũng đòi hỏi sự cẩn thận của người chơi không kém đối với việc bảo quản máy ảnh số. Bạn cũng cần phải có các thiết bị chuyên dụng như tủ chống ẩm, ngoài ra việc vệ sinh ống kính cũng đòi hỏi sự khéo léo và nhẹ nhàng vì các lớp hóa chất phủ trên ống kính máy film không có độ bền cao như máy ảnh số và trong trường hợp bị hỏng thì rất khó có khả nằng phủ lại hoặc kiếm một ống kính khác tương tự đặc biệt là với các ống kính có tuổi cao.


Cuối cùng là film, xét về góc độ kết cấu thì đây là bộ phận tương tự như sensor xử lý hình ảnh của máy ảnh kỹ thuật số. Điều thú vị của máy film đó chính là bạn có thể thay đổi nó chứ không cố định như ở máy kỹ thuật số nhưng đi đôi với sự thú vị đó lại và một thách thức đối với người chơi về độ nhạy sáng không thể thay đổi trong quá trình chụp.
Có rất nhiều các loại film khác nhau tương ứng với các loại máy ảnh như đã kể trên và mỗi một loại film lại mang đến những đặc điểm khác biệt. Film vista mang đến tone mầu đỏ, fuji mang đến tone mầu xanh, kodak mang đến tone mầu vàng .... cùng với điều kiện cụ thể nơi bạn chụp, sẽ phối hợp với từng đặc điểm của film mang lại những hiệu ứng nhiều khi nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn và đó cũng là khởi nguồn của sự thú vị trong quá trình chơi film.
Sự tỉ mỉ của những người chơi film cũng thể hiện trong quá trình bảo quản film. Không chỉ body, lense mà bạn cũng có thể trở thành nhà sưu tầm đối với các loại film và điều quan trọng để đảm bảo việc sưu tầm đó có giá trị đó là quá trình bảo quản film. Bạn phải có ngăn tủ lạnh riêng để cất giữ film nhằm làm giảm quá trình phản ứng, lão hóa của hóa chất trên bề mặt film. Film outdate cũng là một thú chơi không kém phần hấp dẫn, nó mang lại những mầu sắc không thể khống chế khi thì tạo cảm giác hưng phấn, khi thì là sự thất vọng tràn trề nhưng điểm đặc biệt là ai cũng muốn thử chụp một cuộn outdate cho riêng mình để có cảm giác đó
Và còn rất nhiều điều hay ho thú vị nữa mà trong phạm vi một bài viết chưa thể lột tả hết được. Nhưng nếu bạn đọc trọn vẹn bài viết tới giờ phút này thì mình tin chắc rằng dù chưa từng chụp film bao giờ thì các bạn cũng sẽ có cảm giác ngứa ngáy và muốn tự kiếm cho mình để trai nghiệm ngay một chiếc máy film phải không nào?!v
Hình ảnh cung cấp của các thành viên do
Lab 36+ cung cấp
Các bài viết về chuyên đề:
   Người giữ "hồn Then" ở Tuyên Quang
   Thông điệp báo chí từ những bức vẽ ngoài đường phố
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây