Giữ tuổi thơ qua các trò chơi dân gian |
---|
Ánh Tuyết
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ dẫn đến sự thay đổi chóng mặt trong vui chơi, giải trí của trẻ em. Nếu như trẻ em xưa thường vui chơi tập thể với các trò chơi dân gian vô cùng sáng tạo thì trẻ em thời nay lại có những xu hướng khác biệt cần chung tay giữ gìn giá trị để trẻ em không đánh mất tuổi thơ… Ngược dòng thời gian, cách đây khoảng 20 năm, khi chưa có khái niệm “smart phone” (điện thoại ngày ấy còn rất ít phổ biến và chỉ là điện thoại đen trắng với hai chức năng chính là nghe - gọi), ti vi cũng chưa phổ biến đến mức nhà nào cũng có… thì trò chơi phổ biến của trẻ em thời ấy đó là những trò chơ mang tính tập thể và cộng đồng cao như chơi chuyền, nhảy dây, chơi bi, thả diều, trốn tìm, ô ăn quan, chơi cù, pháo đất, tập đánh trận giả… Một điểm chung dễ nhận thấy đó là tất cả các trò chơi này đều mang dấu ấn của sự sáng tạo của các nhóm trẻ. Không được ai dậy dỗ hay hướng dẫn, các trò chơi cứ thế được hình thành và được truyền tai nhau qua từng lứa tuổi. Sự thông minh, lanh lợi cộng với hoàn cảnh buộc phải tìm ra thứ để “chơi chung” khiến trẻ em thời xưa nhìn gì cũng ra trò chơi. Một chiếc mo cau bị rụng, đúng ra là đồ vứt đi rồi, nhưng với con mắt đầy sáng tạo, các em biến nó thành một trò chơi cực kỳ thú vị mang tên "kéo mo cau". Những hòn đá tí hon tưởng chừng như vô nghĩa được thu lượm lại rồi cùng kẻ ô để chơi với những "luật chơi" thú vị tạo nên một trò chơi dân gian đi vào lịch sử "ô ăn quan". Những mảnh giấy báo cũ được các em đem đi cắt cắt, ghép ghép, dán dán... thành những chú diều giấy nhiều hình thù, màu sắc khác nhau để mỗi chiều chiều cùng đi thả diều với lũ bạn… Thiên nhiên trong mắt các em thân thương và gần gũi đến lạ kỳ. Chỉ một tàu lá chuối mà các em làm được rất nhiều thứ: Dựng ngôi nhà bằng lá chuối mát lành mỗi trưa hè, cuống lá dùng làm súng phát ra những âm thanh cực lạ, tàu lá có thể xé nhỏ để tạo nên những sợi tóc và tết chúng lại, kẹp vào tóc làm tóc giả. Thậm chí, một cục đất cũng được sáng tạo trở thành một trò chơi dân gian nức tiếng mang tên "pháo đất". Lạ hơn nữa, một con bọ xít mùa nhãn chín cũng được các em "chế tác" làm "động cơ" cho một "cỗ xe" chạy và cùng thi đấu xem "cỗ xe" nào chạy nhanh nhất. Sức sáng tạo ấy còn được minh chứng hơn nữa đó là sáng tạo kể cả khi "không có gì để sáng tạo". Không cần bất cứ dụng cụ, đồ vật gì hết, các em vẫn có thể tổ chức những trò chơi mang tên "nhảy nụ", "trốn tìm", "bịt mắt bắt dê"... cực kỳ thú vị. Qua các trò chơi ấy, tuổi thơ của trẻ con ngày xưa tha hồ vận động và rèn luyện khả năng nhảy cao, chạy nhanh... của mình. Nếu ai đã từng được trải nghiệm qua các trò chơi dân gian xưa, thật là khó mà kể hết những điều thú vị tuyệt vời từ những trò chơi ấy. Với trẻ em xưa, dường như mắt các em luôn quan sát, bộ não và tay chân các em luôn vận động để tìm tòi và khám phá thế giới xung quanh. Chính vì lẽ đó mà tinh thần đoàn kết, sáng tạo của các em ngày càng được phát huy. Sự sáng tạo và gần gũi thiên nhiên ấy chính là nền tảng quan trọng hun đúc tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tập thể, sự đoàn kết, ý chí cầu tiến, ham học hỏi... Đó cũng là những tố chất tạo nên những công dân năng động cho xã hội. Những trò chơi, thậm chí bị người lớn cho là nghịch ngợm của tuổi thơ còn là những yếu tố hình thành nên kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, thoát hiểm khi trưởng thành. Nhiều trò chơi còn thực sự là một cuộc rèn luyện thể lực, đấu mưu, đấu trí, hình thành bản lĩnh và ý chí con người. Nào ai biết những cuộc tập trận cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh thời ấu thơ đã để lại những bản lĩnh gì nơi vị thủ lĩnh đánh dẹp được 12 sứ quân rồi lên làm hoàng đế Đại Cồ Việt? Khi công nghệ phát triển như vũ bão, nhà nhà internet, người người có smart phone… thì trẻ em thời nay đã có nhiều khác biệt. Các trò chơi dân gian, truyền thống ngày càng mất đi và ít có độ thu hút lứa tuổi nhất quỷ nhì ma. Không cần đi đâu xa, chỉ cần một mình ngồi ở nhà với một chiếc điện thoại thông minh, một tivi hay một máy tính bảng có kết nối internet … thì các bạn nhỏ đã có cả thế giới trong tầm tay. Không cần phải động não, không cần phải vận động, chỉ cần mở thiết bị là mọi thứ đã có sẵn, chỉ việc ngồi và xem. Nhiều bạn nhỏ chỉ cần tầm 3-4 tuổi, đã tỏ ra rất thành thạo với các chương trình như xem phim, ca nhạc hay các chương trình game… Các chương trình trên internet với những hình ảnh ngộ nghĩnh, bắt mắt… thậm chí là dễ bị nghiện. Với nhiều bạn nhỏ, cách dỗ dành khi khóc nhè và “dụ dỗ” khi lười ăn vô cùng đơn giản, chỉ cần mở tivi, điện thoại có chương trình bạn ấy thích là hết khóc và ăn ngoan ngoãn ngay lập tức. Công nghệ với sức mạnh to lớn, nhưng như nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không biết kiểm soát, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, thì nó lại trở thành vấn đề cực kỳ nguy hiểm. Việc tiếp cận các thiết bị công nghệ quá sớm và thường xuyên khiến mắt các bạn nhỏ bị ảnh hưởng xấu, làm giảm sự vận động của não bộ. Nó cũng làm mất đi sự tương tác với con người, từ đó không phát triển được tính đoàn kết, tinh thần tập thể, sự sáng tạo của các bạn nhỏ. Nhiều bạn nhỏ còn bị nghiện các game trên internet, bỏ bê học hành, xa rời gia đình, bạn bè... Trẻ em ngày xưa không học nhiều vẫn thông minh, lanh lợi, ít bệnh tật, ít tệ nạn…trẻ em thời nay học nhiều, có điều kiện học tốt hơn nhưng tính đoàn kết, sáng tạo, sự thân thiện ít hơn, cận thị nhiều hơn, tự kỷ cũng nhiều hơn…Có lẽ đó cũng là lý do tại sao ngày nay chúng ta lại phải cố gắng nhìn lại văn hóa truyền thống một cách nghiêm túc, trong đó có việc khôi phục, tổ chức lại những lễ hội,không gian sinh hoạt dân gian xưa, tăng cường cho con cháu tham gia các hoạt động ngoài trời, dã ngoại, hoạt động vui chơi tập thể… để tuổi thơ của các em không bị “đánh mất” và giữ gìn được giá trị cho thế hệ tương lai. |
Các bài viết về chuyên đề: |
Ngụ ngôn Aesop: Hãy đọc và suy ngẫm |