Bàn về Văn Hiến Việt Nam, không thể không nhắc đến công tích của các bậc tiền nhân từ các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa đến các nhà khoa bảng Việt Nam qua các thời kỳ. Nhắc tới Thăng Long - Hà Nội 1000 năm Văn Hiến cũng vậy! Ở vùng đất là "Kinh đô của các bậc đế vương muôn đời" thì mỗi tên đất, tên làng đều thấm đẫm những truyền thống văn hóa, những mỹ tục tốt đẹp gắn với huy danh những người con ưu tú của quê hương.
Nhà thờ các vị Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Gia tại làng cổ Triều Khúc, Hà Nội
Về làng cổ Triều Khúc (Thanh Trì - Hà Nội) hôm nay, ghé thăm Nhà thờ các vị Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Gia và khảo nghiệm những thư tịch có liên quan như: Đại Việt sử ký toàn thư, Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nguyễn Gia phả ký cùng các nguồn tư liệu quý giá khác sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn những cơ sở để khẳng định như vậy.
Là một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt của huyện Thanh Oai xưa và Thanh Trì ngày nay, các làng Tả Thanh Oai được ví như những "lò" sản sinh ra các vị Trạng nguyên, Tiến sỹ như dòng họ Ngô ở Tả Thanh Oai, dòng họ Hoàng ở Kiến Hưng (Hà Đông) thì dòng họ Nguyễn Gia ở Triều Khúc có thể coi là bậc cự gia khi có ba đời Phụ Tử Đăng Khoa kế tiếp nhau. Nhà thờ các vị Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Gia là nơi thờ phụng các vị liệt tổ liệt tông của dòng họ đã có công "Khai Sơn Phá Thạch" dựng xây nền móng cho dòng họ, cho làng Triều Khúc, trong đó có ba vị Tiến sỹ Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Gia Du.
Các nguồn sử liệu chép rằng, năm Canh Tuất (1370), cụ Nguyễn Phúc Vĩnh ở làng Đồng Dương (xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng) xuất thân từ nghiệp bần nho nhưng giữ lễ tiết gia giáo đã đỗ Hoành Từ và ra làm quan dưới thời vua Trần Nghệ Tông. Cụ Nguyễn Phúc Vĩnh là Đệ Nhất Tổ của các chi họ Nguyễn hiện đang sinh sống tại nhiều nơi như: Đồng Dương (Đồng Mai, Hà Đông), Triều Khúc, Tả Thanh Oai (Thanh Trì), Quảng Bị (Chương Mỹ) và nhiều nơi khác. Kể từ đây, các cụ bắt đầu thiên di ra làng Triều Khúc (Tân Triều - Thanh Trì) lập nghiệp và lập ra chi phái Nguyễn Gia.
Nguyễn Gia Phả Ký cuốn sử của dòng họ Nguyễn Gia (Triều Khúc)
Hậu duệ của cụ Nguyễn Phúc Vĩnh có Nguyễn Tướng công, húy là Hoạt, hiệu là Ngư Ẩn Tiên sinh thiên di từ làng Đồng Dương (Đồng Mai, Thanh Oai) ra làng Triều Khúc lập nghiệp và phát khoa bảng liên tiếp ba đời.
Sau khi ngụ lại làng Triều Khúc đến đời thứ tư có cụ Nguyễn Trung đỗ Đệ Tam Giáp, đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông. Năm 1483 cụ được cử đi sứ nhà Minh, năm 1508 cụ được cử làm Hiến sát sứ Thanh Hoa. Cụ làm đến chức Lễ bộ Thượng thư, nhập thị Kinh diên, kiêm trưởng Hàn lâm viện Sự.
Đời thứ 5 của Chi tộc Nguyễn Gia có cụ Nguyễn Nghiễm là con cụ Nguyễn Trung khi mới 22 tuổi đã đỗ Đệ tam Giáp, đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24, đời vua Lê Thánh Tông (1493). Cụ giữ chức Lễ bộ Tả Thị Lang, Thừa tướng.
Đời thứ 6 có cụ Nguyễn Gia Du là con cụ Nguyễn Nghiễm - Thiếu niên Đăng khoa đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ 1 (1505) đời vua Lê Uy Mục, làm quan đến Phủ Doãn Phủ Phụng Thiên. Lúc đương thời khi đang làm quan thấy cảnh xã hội nhiễu loan, cụ đã cáo quan dong duổi khắp thiên hạ hành nghề dạy học và bốc thuốc cứu muôn dân trăm họ. Một ngày nọ, cụ đến làng Kim Bí, huyện Tiên Phong, phủ Thanh Oai (nay là huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) để bốc thuốc cứu người thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, con người sống hiền hòa nhân hậu, cụ đã ở lại đây dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Trong số học trò của cụ có nhiều người đỗ đạt thành danh góp sức dựng xây quê hương phồn thịnh. Để ghi nhận công lao của cụ, nhân dân địa phương đã dựng ngôi Đình Đoài thờ cụ nơi chính điện và suy tôn làm Thành Hoàng Làng.
Với làng Triều Khúc, Tiến sỹ Nguyễn Gia Du không chỉ là người đỗ Tiến sỹ nho học đầu tiên của làng mà còn nổi danh là vị quan thanh liêm, trọng nhân đức, mến hiền tài nên sau khi mất cụ được nhân dân tôn thờ phối hưởng tại bên tả đình làng Triều Khúc để tri ân công đức cho hậu thế đời đời thờ phụng. Với dòng họ Nguyễn Gia ở Triều Khúc cụ Nguyễn Gia Du là Thủy Tổ khảo Nguyễn Gia Tộc.
Lăng mộ của Tiến sỹ Nguyễn Gia Du
Soi chiếu trong lịch sử 1000 năm Văn hiến Thăng Long - Hà Nội, có thể thấy những đóng góp của những nhà khoa Bảng dòng họ Nguyễn Gia (Triều Khúc) với ba cha con, ông cháu “trực hệ Đồng Triều” là các cụ Nguyễn Trung, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Gia Du đỗ Tiến sỹ lần lượt vào các năm 1472, 1493,1505 và trở thành những vị quan thanh liêm được nhân dân tôn thờ là “Danh khoa thế mỹ”, được sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá: “là điều hiếm có trong lịch sử”.
Phát huy truyền thống hiếu học, chí khí trang nam tử Thăng Long, làng Triều Khúc sớm được biết hương danh Khoa Bảng đất Kinh Đô với nhiều cụ Đồ, cụ Tú từ việc mở các lớp dạy học miễn phí cho các ấm sinh đến việc lập Văn Chỉ của làng Triều Khúc. Nơi đây để phụng thờ các bậc tiên hiền mang phúc ấm cho bách gia trăm họ như Khổng Tử, các vị Thánh Hiền, lập văn bia lưa danh đời đời Tam vị Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Gia.
Nguyễn Gia Phả Ký còn ghi danh thơm 12 vị liệt Tổ của dòng họ Nguyễn Gia xuất thân từ Triều Khúc đã đỗ đạt cao, làm nên sự nghiệp lớn qua nhiều thời đại: Cụ Nguyễn Chỉ, nguyên quán Triều Khúc, định cư Tả Thanh Oai đỗ Tiến sỹ năm Quý Hợi (1453); Cụ Nguyễn Hồ, nguyên quán từ Triều Khúc, định cư ở Tả Thanh Oai, đỗ Hoành năm 1480; Cụ Nguyễn Giác, nguyên quán Tả Thanh Oai, định cư Thắng lãm, đỗ Bảng Nhãn năm 1484; Cụ Nguyễn Tông Trình, nguyên quán Tả Thanh Oai, đỗ Tiến sỹ năm 1754; Cụ Nguyễn Lãng, nguyên quán Tả Thanh Oai, có công phù Lê diệt Mạc năm 1548 - 1553, tước phong Xuân Đài Hầu được phong đất ở Quảng Bị; Cụ Nguyễn Văn Giáp, nguyên quán Tả Thanh Oai, đỗ cử nhân năm 1864, một thủ lĩnh xuất sắc của phong trào Cần Vương chống Pháp, được thờ tại di tích Quốc Gia Tiên Động, Cẩm Khê, Phú Thọ...
Bia ghi danh ba vị Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Gia tại Văn chỉ làng Triều Khúc
Tiếp nối những truyền thống tốt đẹp của ông cha, đời nào dòng họ Nguyễn Gia (Triều Khúc) cũng có người đỗ đạt cao và trở thành những người có ích cộng đồng, xã hội, góp phần cùng các dòng họ khác tạo nên sự phồn vinh, thịnh vượng và trường tồn cho dân tộc. Cùng với Nhà thờ các vị Tiến sỹ dòng họ Nguyễn Gia là hệ thống các tổ đường, văn bia, văn tự, lăng mộ thờ liệt tổ liệt tông Nguyễn Gia chi phái đã gìn giữ và phát huy những truyền thống gia tông, thượng tôn xã tắc, bồi tụ linh khí giang sơn, hướng tới tầm cao văn hóa, khẳng định bản lĩnh trí tuệ, danh thơm muôn thủa cùng vạn thế trường tồn:
“Báo quốc kiên trung hiển thanh danh
Tề gia nhân đức lưu sự nghiệp”.